Cần chính sách đặc thù để phát triển tài năng thể dục thể thao cho TP.HCM

Đó là nội được nhiều thành viên trong Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân (HĐND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đặt ra tại buổi khảo sát và làm việc với Trường THPT năng khiếu Thể dục Thể thao ngày 27/4 về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM.

Tại buổi làm việc cô Nguyễn Thị Yến Phương - Hiệu trưởng Trường THPT năng khiếu Thể dục Thể thao (TDTT) cho biết, do toàn bộ bộ phận đào tạo chuyên môn được tách ra để di chuyển về cơ sở Lê Đại Hành (nay là Trung tâm TDTT Phú Thọ) để tập luyện vào năm 2012, nên nhà trường chỉ còn chức năng chính là thực hiện giảng dạy văn hóa cho đối tượng học sinh 3 tuyến của TP.HCM. Vì vậy, nhà trường không tiếp cận được các chế độ, chính sách đặc thù dành cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên theo Nghị quyết 05 của HĐND TP.HCM.

Bên cạnh đó, căn cứ Quyết định 796/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM về việc tổ chức lại Trường THPT năng khiếu TDTT về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM quản lý. Sau khi tổ chức lại, nhà trường đã thực hiện tốt chức năng cũng như nhiệm vụ trong việc thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT, được bố trí thời gian học tập các môn văn hóa và thời gian tập luyện môn năng khiếu thể thao đang được đào tạo, huấn luyện, được hưởng chế độ chính sách ưu tiên đúng quy định…

Cũng theo cô Phương, đặc thù của nhà trường hiện nay so với các trường năng khiếu khác đó là đối tượng học sinh tham gia các kỳ thi đấu tập huấn thường xuyên, thời gian kéo dài… nên nhà trường phải tổ chức sắp xếp học trực tuyến, dạy phụ đạo lại cho các em sau khi thi đấu xong nên không được thuận lợi, đặc biệt là về cơ sở vật chất sân bãi tập luyện không đáp ứng với nhu cầu thực tế…

Lãnh đạo Trường THPT năng khiếu Thể dục Thể thao báo cáo với Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM.

“Để vượt qua giai đoạn khó khăn, trong năm học 2023 - 2024, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm TDTT Hoa Lư để tổ chức hoạt động tuyển sinh, đào tạo, tập luyện các lớp năng khiếu như huấn luyện 10 môn năng khiếu về bóng bàn, bóng rổ, cờ vua, cờ tướng, điền kinh, vovinam, taekwondo… Riêng từ năm học 2026 - 2027 trở đi, khi có cơ sở mới đi vào hoạt động, dự kiến nhà trường sẽ tiếp tục duy trì 10 môn học trên, đồng thời phát triển thêm 5 môn mới gồm bóng đá, bóng chuyền, đá cầu, cầu lông, bi sắt”, cô Nguyễn Thị Yến Phương - Hiệu trưởng Trường THPT năng khiếu Thể dục Thể thao cho biết thêm.

Tại buổi làm việc, ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá, Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố đã thể hiện được sự quan tâm rất lớn của Thành phố về các chế độ dinh dưỡng, chính sách đặc thù dành cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên năng khiếu TDTT. Tuy nhiên, các trường năng khiếu hiện đang rất trăn trở vì không xác định được học sinh năng khiếu của mình thuộc nhóm đối tượng và hưởng chế độ như thế nào nếu xét theo Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố.

“Từ thực tế trên, Sở GD&ĐT Thành phố kiến nghị với Đoàn khảo sát tham mưu để HĐND TP.HCM xem xét điều chỉnh Nghị 05 để phù hợp hơn với các nhóm đối tượng được hưởng chế độ theo chính sách này. Qua đó, tạo điều kiện cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên yên tâm tập luyện, phát huy tối đa về mặt chuyên môn nhằm góp phần vào thành tích cao cho thể thao Thành phố.”, ông Dương Trí Dũng kiến nghị.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi giám sát.

Kết luận buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND TP.HCM cho rằng, là một trường năng khiếu của Thành phố, chuyên đào tạo các vận động viên TDTT cho toàn Thành phố nhưng trong năm học 2022 - 2023, Trường THPT năng khiếu TDTT chỉ có 41 học sinh năng khiếu rải rác ở 15 bộ môn. Vì thế nhà trường và ngành giáo dục Thành phố cùng Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố cần nghiên cứu chính sách thu hút nhiều học sinh năng khiếu hơn nữa trong các năm học tiếp theo, để đào tạo ra nhiều nhân tài cho ngành thể thao TP.HCM nói riêng và nước nhà nói chung.

“Qua buổi khảo sát này, HĐND Thành phố đề nghị các đơn vị có báo cáo ngay hoặc tham mưu đưa ra các đề xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên yên tâm tập trung tập luyện. Nếu thấy không hiệu quả, có thể dừng triển khai dự án Trường năng khiếu TDTT ở huyện Củ Chi để tránh gây lãng phí ngân sách của Thành phố”, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh.

Đăng Khoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-chinh-sach-dac-thu-de-phat-trien-tai-nang-the-duc-the-thao-cho-tphcm-155196.html