Cần chính sách đặc thù cho doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp - Bài 3: Đầu tư xứng tầm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Tiếp theo và hết)

Mỗi lần có chính sách mới, ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh lại có một bước phát triển nhảy vọt về chất. Trong giai đoạn hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh đang rất cần có cơ chế, chính sách đầu tư mới, tạo cú hích đưa ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia...

Những bước nhảy phát triển nhờ chính sách mới

Trong những ngày này, đội ngũ công nhân Công ty TNHH MTV 189-Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đang hối hả đóng tàu chuyên dụng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn hoạt động xa bờ. Đây là một con tàu lớn, có chiều dài thân lên tới 63,8m, chiều rộng thân 10,2m, chiều cao mạn 4,75m với vận tốc được thiết kế để đạt mức 20,5 hải lý/giờ. Đứng ngắm con tàu đang dần hình thành, chúng tôi không khỏi thán phục trước năng lực đóng tàu của Z189 hiện nay.

“Chúng tôi có được năng lực đóng tàu như hiện nay là nhờ những chính sách rất lớn kể từ khi có Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng”, Đại tá Lê Hồng Quang, Phó giám đốc Nhà máy Z189 chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Đại tá Lê Hồng Quang cho biết, trước khi có Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Z189 chỉ đóng được những con tàu có chiều dài tối đa 30m. Nhờ những chính sách từ pháp lệnh, Z189 được mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ đóng những con tàu lớn. Từ đó đến nay, Nhà máy đã đóng được những tàu cứu nạn tàu ngầm, tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển, tàu chở quân, tàu quân y lớn nhất Đông Nam Á. “Đó là một bước phát triển mới khi nền công nghiệp quốc phòng của nước ta được coi trọng đầu tư”, Đại tá Lê Hồng Quang nói.

Tuy nhiên, theo Đại tá Lê Hồng Quang, sau gần 20 năm được đầu tư mở rộng, đến nay, mặt bằng sản xuất của Nhà máy cũng như cơ sở vật chất đã không còn đáp ứng được yêu cầu sản xuất những con tàu lớn hơn.

Đây cũng là vấn đề mà Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà-Nhà máy Z173 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đang vướng mắc. Nhà máy đang thiếu hệ thống nâng cẩu, không có cẩu lớn phục vụ đóng tàu tải trọng lớn. Hệ thống máy cắt, máy hàn, máy ép và một số máy móc, trang thiết bị khác đã được đầu tư từ rất nhiều năm, đã lạc hậu mà chưa được thay thế nên ảnh hưởng lớn tới năng suất lao động và tiến độ sản xuất. Đại tá Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà bày tỏ mong muốn Nhà máy sớm được đầu tư nâng cao năng lực sản xuất; quy hoạch lại để có mặt bằng công nghệ đóng tàu tiên tiến, hiện đại; trang bị bổ sung hệ thống thông gió, điều hòa tại hiện trường sản xuất, bao gồm cả hệ thống điều hòa thổi, thông gió vào hầm tàu kín. “Hy vọng, khi Quốc hội xem xét dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ thiết kế những chính sách ưu tiên về đầu tư để các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh có bước phát triển mới, tiến thẳng lên hiện đại, ngang tầm với nhiệm vụ”, Đại tá Trần Thế Sơn nói.

Sản xuất dây dẫn vi sai tại Nhà máy Z121. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Hiện, năng lực đóng tàu của các nhà máy đóng tàu trong hệ thống doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đều có đủ năng lực kỹ thuật, trình độ đóng tàu tải trọng lớn hơn, đáp ứng yêu cầu mới trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cũng như các hoạt động chấp pháp, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tuy nhiên, vì hạn chế về mặt bằng và hệ thống trang thiết bị nên các nhà máy chưa thể nhận đóng những con tàu tải trọng lớn hơn nữa. Bởi vậy, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh hy vọng sẽ có quy định rõ ràng, cụ thể trong luật về việc ưu tiên dành quỹ đất bảo đảm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh nói chung và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh nói riêng.

Cần dành ưu tiên lớn hơn về đầu tư nguồn lực

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, gây khó khăn trong quá trình đầu tư phát triển, nhất là những sản phẩm vũ khí công nghệ cao, đòi hỏi có nguồn vốn đầu tư lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có giải pháp kịp thời, tránh nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, năng suất.

Từ trước tới nay, các nghị quyết của Đảng đã xác định những mục tiêu rất cụ thể về việc tăng mức đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng. Đồng thời yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù để tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực; phải xác định cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực tài chính và nhân lực; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, lấy nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là chính, được bố trí theo các chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia và bảo đảm đủ theo kế hoạch đã duyệt.

Tuy nhiên, thực tế thì nguồn vốn bảo đảm cho hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh từ ngân sách nhà nước thậm chí vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc thực hiện mục tiêu từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị, khí tài, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân của công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất được một số loại vũ khí, trang bị, khí tài, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại lại cấp bách, bởi nó có ý nghĩa chiến lược để nâng cao tiềm lực, tạo tiền đề phấn đấu xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại.

Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh mong muốn, thông qua việc xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo được hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng, tạo động lực đột phá cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, thực hiện động viên công nghiệp. Đồng thời bảo đảm phân bổ, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ với mục tiêu chiến lược đề ra; có cơ chế ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển một số lĩnh vực đặc thù trong công nghiệp quốc phòng, an ninh, lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn, việc xây dựng chính sách cần hướng đến tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước...

Thực tiễn cho thấy, sau mỗi lần nước ta ban hành chính sách mới về công nghiệp quốc phòng, an ninh, ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh của nước ta lại có một bước phát triển mới cả về lượng và chất. Hy vọng, với việc xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh nước ta sẽ lại có một bước phát triển nhảy vọt nữa, hoàn thành mục tiêu “Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia” được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

GIA MINH - CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/can-chinh-sach-dac-thu-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-dong-vien-cong-nghiep-bai-3-dau-tu-xung-tam-cho-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-tiep-theo-va-het-750616