Cần chế tài đủ mạnh

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật và đề nghị không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang có nội dung vi phạm này. Cụ thể, trong tháng 12-2023, Bộ TT&TT đã cập nhật thêm 98 website vào danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật của năm 2023, nâng tổng số lên 403 trang web vi phạm.

Trước đó, trong năm 2022, Bộ TT&TT cũng đã 3 lần công bố các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tổng số website vi phạm pháp luật mà Bộ TT&TT công bố trong năm 2022 là 171 trang. Và không chỉ công bố danh sách website vi phạm pháp luật, vào tháng 3-2023, Bộ TT&TT cũng đã lần đầu tiên công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng.

Tiếp đó, Bộ TT&TT đã đưa ra khuyến cáo về việc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không phát hành sản phẩm quảng cáo trên đó do có nội dung vi phạm. Bộ TT&TT khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét lựa chọn quảng cáo trong danh sách White List nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển thị trường quảng cáo trên môi trường mạng và nội dung số Việt Nam đảm bảo an toàn, lành mạnh.

Việc kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là một trong những giải pháp được Bộ TT&TT đưa ra nhằm tăng cường công tác quản lý dịch vụ này trên internet tại Việt Nam. Tuy nhiên, dư luận cho rằng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết việc đã rồi. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu Bộ TT&TT không có giải pháp mạnh tay và hữu hiệu hơn thì những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này sẽ nhờn luật. Bởi tại điểm a, khoản 13, Điều 4, Nghị định số 129/2021/NĐ-CP của Chính phủ có nêu: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không thông báo hoặc thông báo không đúng thông tin liên hệ đến Bộ TT&TT về những nội dung theo quy định của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; không báo cáo theo quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ TT&TT.

Luật quy định là vậy nhưng tại sao vẫn còn quá nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm? Vẫn biết rằng, hoạt động quảng cáo trên mạng đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng không thể vì lợi nhuận mà sử dụng các chiêu trò để truyền tải nội dung sai, không đúng hoặc thổi phồng sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí trái với thuần phong mỹ tục và gây phản cảm... Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này và tránh người dân không phải “tiền mất mà tật vẫn mang”, thì việc nghiên cứu ban hành các quy định chi tiết về hoạt động quảng cáo trên mạng trong Luật Quảng cáo sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm đối với các hành vi quảng cáo sai trái. Từ đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể quảng cáo theo hướng chuẩn mực. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần siết chặt các khâu kiểm định, thẩm định nội dung và giấy tờ liên quan đến nội dung quảng cáo. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những vi phạm.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/153101/can-che-tai-du-manh