Cận cảnh vụ phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh Gia Lai – Đăk Lăk

Hàng nghìn cây gỗ lớn, nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc, tại hiện trường từng khoảnh rừng đã bị 'hạ trắng', đốt sạch. Vụ phá rừng thuộc khu vực giáp ranh huyện Chư Prông (Gia Lai) và huyện Ea Sup (Đăk Lăk).

Thời gian vừa qua, từng cánh rừng tự nhiên thuộc huyện Chư Prông liên tục bị tàn phá, lấn chiếm để làm nương rẫy. Từng vạt rừng tự nhiên thuộc địa giới hành chính xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) liên tục bị tận diệt, “xóa sổ” để lại từng vạt đất trống trơ.

Trong khi lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra các đối tượng “triệt hạ” từng cánh rừng tự nhiên ở xã Ia Mơ thì ở một diễn biến khác từng khoảnh rừng thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) và xã Ia JLơi (huyện Ea Súp) tiếp tục bị “phá trắng”.

Theo đó, tại hiện trường từng vạt rừng đã bị “cạo trọc”. Hàng nghìn cây gỗ lớn, nhỏ bị “lâm tặc” đốn hạ không thương tiếc, nhiều gốc cây mới bị triệt hạ còn ứa mủ

Vị trí rừng bị phá nằm sát với khu vực đất sản xuất của người dân thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr (huyện Chư Prông)

Những thân cây có đường kính lớn đã bị vận chuyển đi tiêu thụ, hiện trường chỉ còn lại gốc cây và cành nhánh nằm chồng chéo nhau

Việc phá rừng đã diễn ra một thời gian và kéo dài thường xuyên, liên tục, mục đích phá rừng nhằm chiếm đất, làm nương rẫy

Liên quan đến vụ phá rừng trên, UBND xã Ia Piơr đã chỉ đạo Tổ quản lý bảo vệ rừng vào hiện trường để kiểm tra, xác minh

Qua kiểm tra, lãnh đạo UBND xã xác nhận, vụ phá rừng xảy ra trên diện tích một phần của xã Ia Piơr, một phần thuộc địa giới hành chính của huyện Ea Sup

Lực lượng chức năng xác định, diện tích đất có cây bị chặt hạ với tổng diện tích 3,56 ha

Thế nhưng, qua đối chiếu với hệ thống bản đồ được phê duyệt tại Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chỉ có 0,42 ha ngoài diện tích quy hoạch lâm nghiệp tại Lô 6 và Lô 10, Khoảnh 10, tiểu khu 972, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Đối với diện tích còn lại (3,14 ha) không thuộc địa giới hành chính tỉnh Gia Lai

Ông Ngô Ngọc Tiến – Chủ tịch UBND xã Ia Piơr nhận định, vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên là khá nghiêm trọng. Xã sẽ cùng các đơn vị chức năng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, mức độ tới đâu sẽ xử lý tới đó.

Mặc dù, các vị trí rừng bị phá có rất nhiều cây gỗ tự nhiên, tuy nhiên Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông lại cho rằng, khu vực hiện trường là đất nông nghiệp và đất có khu vực có cây gỗ tái sinh núi đất, tất cả đều nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Phần lớn diện tích rừng bị phá thuộc địa giới hành chính tỉnh Đăk Lăk.

“Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục chỉ đạo anh em địa bàn cùng với các bộ phận kỹ thuật và bộ phận chuyên môn kiểm tra kỹ lại một lần nữa. Nếu như mà phát hiện các sự việc vi phạm theo quy định của pháp luật thì chúng tôi sẽ xử lý”, ông Trần Anh Tài - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết.

Năm 2024, huyện Chư Prông đã nổi lên như một "điểm nóng" về phá rừng, với 14 vụ vi phạm lâm luật chỉ trong 3 tháng. Mặc dù các ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng song trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Dường như vấn nạn phá rừng làm rẫy ở Gia Lai vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, từng cánh rừng liên tục bị “xóa sổ” trước sự bất lực của chủ rừng.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-canh-vu-pha-rung-quy-mo-lon-khu-vuc-giap-ranh-gia-lai-dak-lak-post293597.html