Cận cảnh Khu tái định canh của các hộ dân có đất thu hồi xây dựng hồ Ta Hoét

Liên quan đến dự án hồ chứa nước Ta Hoét, Báo SGGP đã đến khu vực được xác định là nơi bố trí tái định canh cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất bị thu hồi thuộc dự án hồ chứa nước Ta Hoét, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Ghi nhận tại hiện trường, vị trí khu tái định canh đất sản xuất cho các hộ dân thuộc một phần tiểu khu 278A xã Hiệp An, huyện Đức Trọng với diện tích khoảng 48,28 ha (cách nơi sản xuất cũ của người dân hơn 5km). Khu đất rừng nằm trên sườn đồi cao ráo chỉ cách quốc lộ 20 khoảng 1km, chưa xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất.

Vị trí khu tái định canh đất sản xuất cho các hộ dân thuộc một phần tiểu khu 278A xã Hiệp An, tiếp giáp với khu sản xuất hiện hữu. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Mới đây, ngày 17-2, UBND huyện Đức Trọng ra quyết định phê duyệt đề cương – nhiệm vụ Dự án tái định canh cho các hộ đồng bào dân tộc có đất bị thu hồi thuộc dự án Hồ chứa nước Ta Hoét nhằm giải quyết cho việc cấp đất tái định canh cho 100 hộ (dự kiến 0,4ha/hộ sau khi trừ diện tích đầu tư xây dựng hạ tầng) để hạn chế đơn thư khiếu kiện kéo dài, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giảm chi phí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Ta Hoét.

Vị trí tái định canh cách quốc lộ 20 khoảng 1km. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Dự án bố trí đất tái định canh dự kiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường sản xuất, hệ thống điện và cầy xới cải tạo đất cho khu tái định canh nhằm đảm bảo điều kiện canh tác, sản xuất của người dân.

Hiện trạng nơi đây là rừng sản xuất, chủ yếu là thông trồng từ năm 2002. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Khu vực đất tái định canh (khoanh tròn) cách nơi sản xuất cũ của người dân hơn 5km

Được biết, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, chấp thuận phạm vi, quyết định thu hồi đất cơ quan chức năng sẽ chuyển từ đất rừng sản xuất sang đất xây dựng dự án (do hiện nay rừng đang thuộc đất của Công ty Tân Mai và Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh), thời gian thực hiện trong năm 2023 - 2024.

Trước đó, UBND huyện Đức Trọng đã phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án cho rằng sau khi thu hồi đất các hộ không còn đất để sản xuất, nghề nghiệp chính và thu nhập của bà con chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, mức sống và điều kiện kinh tế của các hộ đa số còn khó khăn.

Vì vậy, các hộ đề nghị các cấp xem xét bố trí đất để tái định canh nhằm ổn định sinh sống trước mặt cũng như lâu dài cho các hộ dân.

Đường vào khu tái định canh đất sản xuất cho các hộ dân. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Đến ngày 20-2, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, nhiều hộ dân đã đến khu vực dự án phản đối với lý do chưa thống nhất trong thỏa thuận đền bù (chỉ có khoảng 30% hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã nhận tiền đền bù).

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chỉ đạo các đơn vị thành lập thành lập tổ công tác quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, giao các đơn vị thực hiện các thủ tục liên quan hoàn thiện phương án bố trí đất tái định canh, gắn với việc xây dựng hạ tầng (điện, nước, giao thông) đảm bảo người dân sớm được nhận đất tái định canh và có điều kiện canh tác ngay (hoàn thành trong quý II-2023).

Giao các đơn vị tổ chức kiểm đếm, đo vẽ từng thửa đất và đối chiếu với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt, đảm bảo chính xác, tránh gây thắc mắc, kiến nghị của người dân.

Dự án hồ chứa nước Ta Hoét có tổng mức đầu tư 981,6 tỷ đồng do Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, gồm 3 công trình: đập đầu mối với diện tích lưu vực rộng 73,7km 2, chiều dài đập là 490m; cống lấy nước tại đập dâng Quảng Hiệp và hệ thống kênh mương dài khoảng 71km.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-canh-khu-tai-dinh-canh-cua-cac-ho-dan-co-dat-thu-hoi-xay-dung-ho-ta-hoet-post679629.html