Cần cách tiếp cận mới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Thị trường bất động sản dù có sự khởi sắc, nhưng vẫn cần cách tiếp cận mới với 3 giải pháp căn cơ là: 'Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền) - Thông thoáng (cơ chế chính sách) - Thông minh (bộ máy thực thi)'.

Đây là ý kiến đề xuất của PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam - Xu hướng đầu tư" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 25/4 tại TP.HCM.

Các chuyên gia cùng bàn thảo các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản.

Đánh giá thực tế thị trường bất động sản hiện nay. ông Thiên cho rằng, dù Chính phủ rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhưng khó khăn vẫn tồn tại.

Vị chuyên gia này đánh giá có thể những chính sách, giải pháp được ban hành chưa đủ thời gian để đi vào thực tế hoặc cũng có thể cách tiếp cận giải quyết vấn đề chưa đi đúng trọng điểm.

Dẫn ví dụ về việc thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến nay vẫn bế tắc, dù đã có những chính sách ưu đãi, nhưng người có thu nhập thấp vẫn khó mua nhà, doanh nghiệp vẫn không mặn mà tham gia đầu tư, ngân hàng không mặn mà cho vay.

Vì vậy, ông Thiên cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Về phía doanh nghiệp, ông Trương Anh Tú, Phó tổng giám đốc DKRS phản ánh, thủ tục mua nhà ở xã hội hiện nay rất khó khăn dù nhiều chính sách hỗ trợ nhưng để người dân tiếp cận là rất khó.

Đơn cử việc xác nhận về thu nhập của người dân trong hồ sơ mua nhà ở xã hội, hiện chưa quy định trách nhiệm phê duyệt thuộc về doanh nghiệp hay địa phương, dẫn đến không đồng nhất trong quy trình, làm khó người dân.

Đối với việc tiếp cận vốn, hiện nay rất nhiều dự án nhà ở xã hội được xây dựng theo tiêu chuẩn như nhà ở thương mại, tiện ích và giá bán hợp lý, nhưng để tiếp cận gói vay mua với lãi suất 4,8% trong 25 năm là rất khó.

Một vướng mắc nữa mà rất khó giải quyết là một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm dẫn đến khâu thủ tục gặp vướng, không được xử lý được.

"Chúng tôi mong muốn khi Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực sẽ làm cơ chế, chính sách của nhà ở xã hội hay nhà giá rẻ được minh bạch hơn, thông thoáng hơn theo hướng tạo điều kiện cho người dân và cán bộ, công chức có thể sở hữu được nhà ở", ông Tú kỳ vọng.

PGS.TS Trần Đình Thiên góp ý các giải pháp để khơi thông thị trường bất động sản

Từ vướng mắc thực tế về việc phát triển nhà ở xã hội ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần phải xem lại chính sách và nhìn thẳng vào sự thật. "Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đừng ngại sự thật", ông Thiên nhấn mạnh.

Ông cho rằng, thị trường bất động sản sau nhiều năm bùng nổ phân khúc cao cấp, nhà ở bình dân dần biến mất khỏi thị trường, khiến việc làm, thu nhập của người dân suy giảm là bi kịch của thị trường.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, vị chuyên gia này đề xuất cần 3 giải pháp căn cơ là: “Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền) - Thông thoáng (cơ chế chính sách) - Thông minh (bộ máy thực thi)”.

Ngoài ra, cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp. Cần cách tiếp cận mới cho nhà ở xã hội, trong đó xác định rõ vai trò của nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, người dân.

Thị trường phục hồi từ quý III/2024

TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng nhận định, thị trường bất động sản có nhu cầu sẽ phục hồi từ quý III/2024, tập trung khu vực TP.HCM và các địa phương lân cận.

Việc Nhà nước đẩy mạnh đầu tư hạ tầng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM sẽ tạo động lực cho thị trường bất động sản ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khi hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, bất động sản khu vực động lực kinh tế phía Nam hướng biển vẫn có cơ hội được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2024.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/can-cach-tiep-can-moi-de-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-bat-dong-san-d213798.html