Cần bố trí nguồn kinh phí nhiều hơn khi thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, sáng 22/5, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cũng như báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội về nội dung này. Đáng chú ý cả 2 báo cáo đều nhận định công tác thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí cũng còn hạn chế.

Theo tờ trình của Chính phủ, thời gian qua các bộ, ngành, đẩy mạnh chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vào trong chương trình xây dựng các luật. Đến cuối năm có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên có 4 chỉ tiêu như Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh… vẫn còn khoảng cách với mục tiêu đề ra và có khả năng khó đạt đến năm 2025 trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Thẩm tra nội dung này Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ: Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới. Có chính sách, giải pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với già hóa dân số, biến đổi khí hậu. Quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới..

Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ sớm thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi. Rà soát, đánh giá để điều chỉnh lại các chỉ tiêu đề ra trong các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới để bảm đảm tính hiệu quả, thực chất và tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-bo-tri-nguon-kinh-phi-nhieu-hon-khi-thuc-hien-muc-tieu-quoc-gia-ve-binh-dang-gioi-223023.htm