Cán bộ ngoại giao nữ tận dụng 'ưu thế' để trở thành 'phái mạnh' trong công tác

Sáng 20/10, tại hội trường Nhà làm việc Bộ Ngoại giao số 2 Lê Quang Đạo đã diễn ra Tọa đàm 'Truyền thống phụ nữ ngoại giao' nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm 'Truyền thống phụ nữ ngoại giao' nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Tham dự Tọa đàm có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Hồi, nguyên Vụ trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Áo; bà Phan Thúy Thanh, nguyên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Luxembourg, Đại sứ Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam; các nữ Đại sứ: Đoàn Thị Phương Dung, Tào Thị Thanh Hương, Trần Ngọc, Nguyễn Thị Bích Huệ, PGS-TS Nguyễn Phương Bình, Luận Thùy Dương… và đông đảo các cán bộ nữ trẻ ngành Ngoại giao.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã đến dự và tặng hoa cho các đại biểu.

Theo Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, thế hệ các cán bộ ngoại giao nữ hiện nay có được nhiều cơ hội để phát triển. Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Đại sứ Hồi cho rằng đó là sự khác biệt lớn giữa thế hệ của Đại sứ và thế hệ hiện nay làm công tác đối ngoại.

Trao đổi về thế hệ của mình, Đại sứ khẳng định, không có câu chuyện lựa chọn mà chỉ có câu chuyện phân công và phải hoàn thành bằng mọi giá. Trước muôn vàn khó khăn của thế hệ những năm 1980, tuy không được đào tạo nghiệp vụ đối ngoại, trừ ngoại ngữ… nhưng thế hệ của Đại sứ đã nỗ lực rất lớn.

Vì vậy, theo Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, thế hệ nữ cán bộ ngoại giao hiện nay với “vị thế” đó, cần dấn thân với nhiều nhiệt huyết hơn. Nhân dịp này, Đại sứ cũng chúc mừng ngành Ngoại giao đã có điều đặc biệt, đó là lần đầu tiên có “hai nữ Thứ trưởng” như hiện nay.

Từ trên xuống, từ trái qua, các Đại sứ: Nguyễn Thị Hồi, Phan Thúy Thanh, Luận Thùy Dương và chị Lê Đức Hạnh trao đổi tại Tọa đàm.

Đồng tình với những ý kiến của Đại sứ Hồi, Đại sứ Phan Thúy Thanh khẳng định, phụ nữ ngành Ngoại giao hiện nay có thuận lợi rất lớn là sự ủng hộ về bình đẳng giới của Lãnh đạo Bộ…

Chia sẻ và những khó khăn của thời mới vào ngành, Đại sứ cho rằng khó khăn lớn nhất là về nguồn thông tin nhưng ngược lại có thuận lợi là không bị phân tâm… “Thời nay thuận lợi về tiếp cận thông tin nhiều hơn rất nhiều” Đại sứ nói.

Theo Đại sứ Thanh, ngoài nhiệt huyết, dấn thân với nghề, cán bộ nữ cần có sự đam mê, “đã chọn vào Ngành và quyết tâm ở lại thì phải có kỹ năng vượt qua khủng hoảng, có lòng tin và đam mê thì mới vượt qua được những khó khăn”, Đại sứ nhấn mạnh.

Đại sứ Luận Thùy Dương chia sẻ, bà vào Ngành trong bối cảnh đất nước đang phá thế bao vây cấm vận, bắt đầu bước vào Đổi mới… Vì vậy có câu chuyện về những khó khăn trong quan hệ quốc tế, xây dựng lòng tin với các đối tác, tìm kiếm quan hệ với các nước như thế nào cho phù hợp…

Đặc biệt, Đại sứ chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt trong giai đoạn chập chững bước vào hội nhập lúc đó như khi đi công tác, cần tiết kiệm cho ngân sách: chọn đi chuyến bay rẻ nhất, ở khách sạn thì 2-3 người/phòng hoặc đi ở nhờ Đại sứ quán…

Với chị Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, chị bày tỏ sự cảm phục trước những kinh nghiệm vượt qua khó khăn, những bài học anh hùng của các phụ nữ ngoại giao. Chị cho rằng, hiện nay vị thế đất nước đi lên thì cán bộ nữ ngoại giao cũng phải tiến lên, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Ngoại giao cán bộ nữ chiếm tỉ lệ rất lớn.

Chia sẻ về sự bình đẳng giới của Bộ, chị Hạnh cho rằng, phụ nữ muốn đạt mục tiêu nào đó thì bao giờ cũng phải cố gắng “gấp đôi” so với nam giới. Để có được thành công, thì phải vượt qua được định kiến về giới, trong đó có cả định kiến của chính bản thân phụ nữ…

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã đến dự và tặng hoa cho các đại biểu.

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ sự bình đẳng về “cơ hội” phát triển dành cho phái nữ khi phụ nữ Ngoại giao Việt Nam rất may mắn khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đến phụ nữ nói chung và ngành Ngoại giao đặc biệt quan tâm đến bình đẳng giới nói riêng.

Các đại biểu chia sẻ niềm tự hào về vị Bộ trưởng Ngoại giao nữ đầu tiên Nguyễn Thị Bình… đến vị Thứ trưởng Ngoại giao nữ đầu tiên Nguyễn Phương Nga và bây giờ là lần đầu tiên ngành Ngoại giao có tới 2 nữ Thứ trưởng là Lê Thị Thu Hằng và Nguyễn Minh Hằng.

Các cán bộ nữ cho rằng, đây chính là những tấm gương, tạo cảm hứng để chị em có thể vươn lên, vượt qua chính mình, thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Để làm được điều đó, phụ nữ cần đặt ra mục tiêu và nỗ lực để vượt qua được từng mục tiêu để có thể đi tiếp lên các bước đường lớn hơn trong sự nghiệp.

Các đại biểu cũng chia sẻ về những lợi thế, ưu thế của phái nữ trong công tác từ đó tận dụng ưu thế để trở thành “phái mạnh” trong công tác.

Đại diện cho Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao tham dự Tọa đàm, bạn Đào Thị Thu Hiền cảm ơn các thế hệ đi trước, khẳng định những chia sẻ của các Đại sứ vẫn rất hợp với thời nay, khi các thế hệ trẻ cũng cần nhiều bài học kinh nghiệm để có thể vươn lên, vượt qua chính mình, hướng đến thành công.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Tọa đàm.

Tin/ảnh: Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/can-bo-ngoai-giao-nu-tan-dung-uu-the-de-tro-thanh-phai-manh-trong-cong-tac-246870.html