CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN, NGƯỜI LAO ĐỘNG GÓP Ý VÀO CÁC DỰ THẢO LUẬT

Ngày 05/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyên đề tiếp xúc cử tri là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động Thủ đô để lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Mai - Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; Phạm Quang Thanh - Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại Hội nghị.

Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị về tình hình đời sống, việc làm, quan hệ lao động; kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và tổ chức Công đoàn Thủ đô, đồng chí Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố thời gian qua vẫn giữ được ổn định; số vụ tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể, đình công có xu hướng giảm mạnh.

Về tiền lương, tiền thưởng, với tinh thần nỗ lực vượt khó, tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

Về nhà ở của công nhân lao động Khu công nghiệp, hiện nay, dự án nhà ở của Thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động, còn lại trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Do vậy, công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá mua phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng báo cáo tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng báo cáo tại Hội nghị.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng xã hội, phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các Khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Về việc làm, từ tháng 9/2023, tình hình sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp gặp khó khăn, tình trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm quang học… Việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm, lao động phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ việc.

Cùng với công tác hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp của Thành phố, LĐLĐ Thành phố đã tiếp tục thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Qua đó, nhằm giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, người lao động.

Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri.

Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, số người tham gia bảo hiểm xã hội của Thành phố tăng 7,8% so với năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn cao đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến tháng 8/2023, có trên 83 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 5,3 nghìn tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của trên 1,1 triệu người lao động.

Về quản lý Nhà nước về pháp luật lao động, công tác quản lý Nhà nước về lao động đã được các cấp chính quyền Thành phố triển khai, thực hiện tốt. Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng các quy định pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, các quy định về thời giờ làm việc, hỗ trợ bổ sung nhiều khoản trợ cấp cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.

Tại Hội nghị, với tinh thần trách nhiệm cao, cử tri là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động Thủ đô đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi). Các nội dung góp ý tập trung vào những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng, thực hiện pháp luật và những đề xuất, góp ý, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Theo đó, đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cử tri đóng góp ý kiến về điều kiện hưởng lương hưu là đủ 60 tuổi đối với lao động nam và 55 tuổi đối với lao động nữ. Vì với người lao động, đặc biệt là lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, ngoài 50 tuổi sức khỏe đã giảm sút, năng suất lao động sẽ không cao.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, cử tri đề nghị bằng 70% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 35 năm trở lên. Bằng 65% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm đến dưới 35 năm.

Cử tri đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội”; đề nghị xem xét giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động…

Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cử tri cho rằng cần thiết phải đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội và trong Luật cần có một điều khoản mới quy định về nội dung mức giá trần cho nhà ở xã hội. Cử tri đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng được mua nhà ở xã hội tại Điều 73 dự thảo: “Mọi công dân đến tuổi trưởng thành chưa có nhà ở hoặc không có khả năng tạo lập về nhà ở đều là đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội”…

Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cử tri đề nghị nên đưa vào Luật cụ thể chính sách, cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao; đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung trong Luật nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài, tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi. Cử tri mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) nên cụ thể hơn, tập trung bổ sung đưa vào những cơ chế, chính sách có tính đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm, vượt trội hơn so với chính sách áp dụng chung khi chưa có Luật.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh: “Các cử tri đã phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi) và nêu những vướng mắc, tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật. Các ĐBQH đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ tham gia cụ thể hóa những ý kiến của cử tri trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp”.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=80646