Căn bệnh nguy hiểm khi người mẹ mắc phải trong thai kỳ

Phụ nữ có thai mắc thủy đậu thường gặp nhiều biến chứng, đặc biệt là viêm phổi. Điều này có thể dẫn đến những bất thường bẩm sinh cho thai nhi.

 Phát ban đặc trưng của thủy đậu: mụn nước, mụn mủ lõm giữa. Ảnh: BVCC.

Phát ban đặc trưng của thủy đậu: mụn nước, mụn mủ lõm giữa. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi, Bệnh viện da liễu Trung Ương, phụ nữ có thai mắc thủy đậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi, nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao.

Người mẹ mắc thủy đậu trong thời kỳ đầu mang thai, khoảng 8-20 tuần, thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh, đặc trưng là tay chân ngắn, tổn thương da, bất thường về thần kinh và cấu trúc mắt.

Khi thai phụ mắc thủy đậu, nguy cơ phát triển bệnh zona ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trước ngày sinh, người mẹ bị thủy đậu khiến bé có nguy cơ mắc bệnh này ngay khi sinh.

Hội chứng thủy đậu bẩm sinh có tỷ lệ tử vong là 30% trong vài tháng đầu đời, 15% nguy cơ phát triển zona trong 4 năm đầu đời của trẻ.

Bác sĩ Nhi cho hay tỷ lệ mắc thủy đậu ở phụ nữ mang thai không cao so với mặt bằng chung của người lớn, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn.

Trong đó, viêm phổi do thủy đậu chiếm 10-20 % các nhiễm trùng gây biến chứng ở thai kì. Các dấu hiệu, triệu chứng của người mắc thủy đậu chủ yếu là ho, khó thở, sốt và thở nhanh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tiêm vaccine làm giảm số lượng nhiễm trùng thủy đậu ở mẹ và thai nhi, giảm 85% các trường hợp mắc bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

Do đó, để hạn chế tổn thương cho trẻ, nếu người mẹ chưa từng bị thủy đậu được khuyến khích tiêm vaccine thủy đậu trước khi mang thai ít nhất 3 tháng và không tiêm khi đang mang thai.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/can-benh-nguy-hiem-khi-nguoi-me-mac-phai-trong-thai-ky-post1457159.html