Cần 50.000 tỷ đồng để khởi động cảng biển Trần Đề

Vùng hấp dẫn trực tiếp của cảng biển Trần Đề liên quan đến 8 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt là Sóc Trăng.

Ngày 6/1, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đã tham dự cuộc họp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển của địa phương này.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, cảng Trần Đề đóng vai trò rất quan trọng đối với tỉnh Sóc Trăng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Địa phương xác định nhiều việc trọng tâm của cảng Trần Đề với quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Sau những nổ lực của các sở, ngành, UBND tỉnh và HĐND tỉnh Sóc Trăng, địa phương đã triển khai nhiều công việc rất đồng bộ để lựa chọn đơn vị tư vấn đúng quy định để lập dự án đầu tư bến cảng Trần Đề. Hôm nay đã có báo cáo tiền khả thi khiến lãnh đạo tỉnh phần khởi.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Duy Khang.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Duy Khang.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng quá trình thực hiện những bước khởi động của dự án đã có kết nối với quy hoạch quốc gia về cảng biển quốc gia, quy hoạch vùng… Đây là sự kết hợp hiệu quả của các sở, ngành địa phương và đơn vị tư vấn.

Theo đơn vị tư vấn, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15. Dự án cũng phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg và phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đang được Bộ GTVT thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án này còn phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quyết định 886 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề, giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày báo cáo tiền khả thi về dự án cảng Trần Đề. Ảnh: Duy Khang.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày báo cáo tiền khả thi về dự án cảng Trần Đề. Ảnh: Duy Khang.

Từ sự cần thiết của dự án, đơn vị tư vấn đưa ra phương án cho tổng diện tích quy hoạch 1.082 ha đến năm 2028 và năm 2050 là 4.435 ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi vào năm 2028 là 81,6 ha và nâng lên 435 ha vào năm 2050. Đối với khu dịch vụ hậu cần và logistics, đơn vị tư vấn đưa ra diện tích 1.000 ha vào năm 2028 và năm 2050 là 4.000 ha.

Ngoài cầu cảng gồm bến ngoài khơi và bến tiếp chuyển trong bờ, dự án còn có kè chắn sóng và cầu vượt biển dài gần 18 km. Sau khi hình thành cảng đầu mối vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề, theo cự ly và chi phí vận tải, vùng hấp dẫn trực tiếp bến cảng này là 8 tỉnh, thành: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Với quy mô đặc biệt lớn của cảng Trần Đề, báo cáo tiền khả thi đưa ra tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành là 153.896 tỷ đồng nếu cát được khai thác tại mỏ. Nếu đầu tư theo giá cát thị trường thì tổng mức đầu tư của cảng Trần Đề có thể lên đến 186.365 tỷ đồng.

Đối với hiện trạng sử dụng đất tại khu vực dự án cảng biển Trần Đề, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải chi nhánh TP.HCM đưa ra hơn 462 ha đất rừng phòng hộ (11,56%), đất lấn biển trên 2.482 ha (62,05%), đất sông ngòi, kênh rạch 440,82 ha (11,02%), đất nuôi trồng thủy sản gần 98 ha, đất ở nông thôn chỉ 29,53 ha… tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng phát biểu về nguồn vốn giải phóng mặt bằng cảng Trần Đề. Ảnh: Duy Khang.

Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng phát biểu về nguồn vốn giải phóng mặt bằng cảng Trần Đề. Ảnh: Duy Khang.

Được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đặt vấn đề về nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho cảng Trần Đề, ông Ngô Thái Chân (Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng) khẳng định đủ điều kiện. Theo ông Chân, diện tích rừng phòng hộ và đất lấn biển chiếm diện tích lớn và diện tích này không mất tiền bồi thường.

Đối với nguồn vốn giải phóng mặt bằng đất ở nông thôn và các loại đất còn lại, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng nói rằng sẽ sử dụng từ 2.000 tỷ đồng trong khai thác cát biển.

Duy Khang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/can-50000-ty-dong-de-khoi-dong-cang-bien-tran-de-c2a66551.html