Campuchia 'hái trái ngọt' sau những tháng phong tỏa và phủ vaccine

Dù chưa thể đưa số ca mắc Covid-19 về mức 0, các biện pháp như phong tỏa, giới nghiêm và tiêm vaccine tại Campuchia đã chứng tỏ hiệu quả, giúp nước này tiến tới 'bình thường mới'.

Năm học mới đã có thể bắt đầu theo cách khá bình thường ở Campuchia.

Hôm 2/9, chính quyền tỉnh Siem Reap, Campuchia bày tỏ mong muốn sớm mở cửa 60% số trường công và gần 100% số trường tư trên các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp. Quyết định mở cửa sẽ được đưa ra dựa trên đánh giá của ủy ban bao gồm quan chức địa phương, phụ huynh và những cá nhân có liên quan.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Phnom Penh hôm 2/9 cũng thiết lập tổ công tác nhàm đánh giá khả năng mở cửa lại các cơ sở giáo dục trong thành phố.

Động thái của hai địa phương trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này xem xét mở cửa lại trường học ở các khu vực ít có rủi ro lây nhiễm Covid-19, sau khi đại dịch phần nào được kiểm soát.

Tuy có chiều hướng tăng nhẹ trong những ngày gần đây, về tổng thể, số ca mắc mới Covid-19 trong ngày tại đất nước Chùa Tháp đã giảm đáng kể so với đỉnh dịch đầu tháng 7. Thành quả này của Campuchia đến từ các biện pháp phong tỏa và đặc biệt là tỷ lệ tiêm vaccine cao hàng đầu trong khu vực.

Và dù số ca nhiễm vẫn ở mức hàng trăm, kể từ tháng 8, Campuchia đã duy trì được số ca tử vong chỉ ở dưới trên dưới 20/ngày và đang tiếp tục giảm xuống dưới 15.

Phong tỏa và giới nghiêm

Đợt dịch ở Campuchia bắt đầu từ “sự cố lây nhiễm cộng đồng 20/2”, xuất phát từ việc một nhóm người Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly tại Phnom Penh. Kể từ đó, con số ca nhiễm ở Campuchia gần như liên tục tăng, nhưng chỉ bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 4.

Ngày 15/4, khi số ca mắc Covid-19 tại thủ đô Phnom Penh và vùng phụ cận có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng, chính phủ Campuchia quyết định phong tỏa thành phố này và khu vực Takhmao, tỉnh Kandal để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Biểu đồ thể hiện tình hình dịch bệnh tại Campuchia từ đầu năm 2020 đến nay. Ảnh: Our World in Data.

Theo quy định này, người dân khu vực phong tỏa không được ra khỏi nhà, trừ các trường hợp thiết yếu: việc di chuyển của người kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, có vấn đề khẩn cấp về sức khỏe, xét nghiệm hoặc tiêm chủng Covid-19 và một số hoạt động khác.

Người dân cũng được phép ra khỏi nhà để mua thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, nhưng giới hạn ở mức tối đa 2 người/hộ và không quá 3 lần/tuần.

Những đối tượng được phép đi lại trong khu vực phong tỏa như các nhà ngoại giao, nhân viên của Liên Hợp Quốc, nhân viên các tổ chức tài chính quốc tế hay nhà báo phải có giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận nghề nghiệp và giấy phép đi lại do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn được phép hoạt động, nhưng phải áp dụng quy tắc giãn cách xã hội và giảm lượng khách ra vào.

Cảnh sát Phnom Penh tỏ ra khá mạnh tay với các trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa. Đại tá San Sok Seiha, người phát ngôn cảnh sát Phnom Penh, tuyên bố lực lượng chức năng sẽ sử dụng biện pháp “giáo dục cứng rắn”, bao gồm phạt bằng roi.

Do mở tiệc giữa lệnh phong tỏa, thiếu tướng Ong Chanthuok, Phó tham mưu trưởng Cảnh sát Quốc gia Campuchia, bị bắt đêm 16/4, bị tước quân hàm và bị phạt tù sau đó.

Một chốt phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh. Ảnh: New Straits Times.

Lệnh phong tỏa tại Phnom Penh đã chứng tỏ phần nào hiệu quả. Sau khi đạt đỉnh gần 1.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày đầu tháng 5, số ca mắc Covid-19 tại Campuchia bắt đầu có chiều hướng giảm. Đây là tiền đề để Campuchia dỡ lệnh phong tỏa từ ngày 5/5.

Tuy vậy, từ cuối tháng 5, số ca mắc mới trong ngày tại Campuchia có dấu hiệu gia tăng trở lại. Chính phủ Campuchia phải tái áp đặt lệnh phong tỏa đối với những nơi có nguy cơ cao như các tỉnh biên giới với Thái Lan hay một số khu vực ở thủ đô Phnom Penh. Từ ngày 29/7 đến 20/8, toàn thành phố Phnom Penh cũng bị đặt dưới lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 3h sáng hôm sau.

Chiến dịch tiêm vaccine

Bên cạnh phong tỏa, Campuchia cũng tích cực triển khai chiến lược tiêm vaccine. Theo Khmer Times, tính đến ngày 1/9, nước này đã tiêm vaccine cho 9.321.664 người trưởng thành. Trong số đó, 8.211.272 người được tiêm đủ hai mũi vaccine.

Như vậy, Campuchia đã hoàn thành hơn 93% mục tiêu tiêm vaccine cho 10 triệu người trưởng thành mà chính phủ nước này đặt ra.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine của Campuchia khởi động ngày 10/2 với 600.000 liều vaccine do Trung Quốc viện trợ. Chiến dịch này được đẩy mạnh từ đầu tháng 5 với sự tham gia của quân đội. Khmer Times nhận định tốc độ tiêm chủng đã gia tăng đáng kể từ thời điểm đó.

Trong số hơn 9 triệu người Campuchia trưởng thành đã được tiêm chủng, 3.391.034 người được tiêm vaccine của Sinopharm, 4.712.951 người được tiêm vaccine Sinovac, 867.567 người được tiêm vaccine Johnson & Johnson và 350.112 người được tiêm vaccine AstraZeneca.

Số mũi tiêm được tiêm ở Campuchia kể từ ngày 10/2. Đồ họa: Our World in Data.

Nếu tính cả thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, tổng số người được tiêm vaccine của Campuchia đạt 10.894.795, chiếm 68,09% dân số.

Bên cạnh đó, đã có 624.380 người Campuchia được tiêm mũi vaccine thứ ba. Giới chức y tế Campuchia nhận định mũi tiêm thứ ba có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm và giảm nguy cơ bệnh tình chuyển biến nặng, đặc biệt khi phải đối mặt với biến chủng Delta.

Theo chính sách của chính phủ Campuchia, chiến dịch tiêm mũi vaccine tiêm thứ ba sẽ dành cho những người từ 12 tuổi trở lên và được thực hiện từ tháng 8 năm nay đến giữa năm sau, phụ thuộc vào lượng vaccine mà nước này tiếp nhận.

“Nhằm đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine bổ sung, cũng như giảm áp lực lên ngân sách quốc gia, Chính phủ Hoàng gia Campuchia khuyến khích và kêu gọi những người đủ khả năng hãy tiêm mũi vaccine thứ ba tại các cơ sở y tế tư nhân”, một văn bản của chính phủ Campuchia kêu gọi.

Văn bản này cũng nhận định chương trình tiêm chủng vaccine của Campuchia đang đi vượt hơn tiến độ.

“Dựa trên những tiến bộ vượt bậc này, cũng như sự ủng hộ và tham gia tích cực, sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, đợt 1 của chiến dịch tiêm chủng vaccine Coid-19 quốc gia dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay, sớm hơn kế hoạch đề ra”, chính phủ Campuchia nhận định.

Ngay cả đến lúc này, khi tỷ lệ phủ vaccine đã cao, Campuchia vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Hôm 28/8, Thủ tướng Hun Sen đã phải trực tiếp can dự vào chiến dịch tiêm chủng và yêu cầu các tỉnh báo cáo thông tin cập nhật mỗi ngày trước sự chậm trễ của Bộ Y tế Campuchia.

"Tại sao các vị không học theo thành công của tỉnh Ratanakiri nơi 120.000 người nằm trong danh sách tiêm chủng nhưng có đến 130.000 người được tiêm? Tôi không quan tâm nếu chúng ta tiêm vượt quá số người trong danh sách. Điều quan trọng là tất cả những người trong danh sách phải được tiêm", Thủ tướng Hun Sen nói.

Từ tháng 8, Campuchia đã duy trì được số ca tử vong mỗi ngày dưới 20. Ảnh: Our World in Data.

“Việc tiêm chủng giúp tất cả chúng ta cùng nhau chiến đấu. Nếu mọi người được tiêm vaccine, chúng ta có thể ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh”, nữ y tá Touch Phavana, 56 tuổi, nói sau khi được tiêm mũi vaccine thứ ba. “Vaccine có thể ngăn chặn tình trạng của bệnh nhân chuyển biến nặng, giúp chúng ta chữa trị và cứu chữa họ dễ dàng hơn”.

“Tôi hy vọng khi hoàn thành mũi tiêm thứ ba, chúng tôi có thể mở cửa lại trường học. Những đứa trẻ sẽ có thể đến trường, còn chúng tôi quay trở lại với công việc”, nhân viên ngân hàng Try Sokhim, 26 tuổi, nói. “Sau đó, chúng tôi có thể phục hồi ngành du lịch”.

Để chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa lại trường học, Campuchia đang khuyến khích thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tiêm vaccine. Tính đến ngày 1/9, 1.573.131 người Campuchia từ 12-17 tuổi được tiêm ít nhất vaccine, chiếm tỷ lệ gần 80%. Trong số đó, 383.461 người đã tiêm đủ hai mũi.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/campuchia-hai-trai-ngot-sau-nhung-thang-phong-toa-va-phu-vaccine-post1258636.html