Campuchia đặt mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc vào đô la Mỹ với tiền kỹ thuật số

Campuchia đặt mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc vào đô la Mỹ với tiền kỹ thuật số tên 'Bakong'. Người dùng 'Bakong' của quốc gia này đang tăng lên trong bối cảnh chuyển dịch kỹ thuật số do ảnh hưởng từ đại dịch COVID.

Chea Serey, Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia, phát biểu tại sự kiện ra mắt đồng tiền kỹ thuật số "Bakong" của ngân hàng trung ương ở Phnom Penh, Campuchia, vào tháng 10 năm 2020. Kyodo

Bài liên quan

Tiền điện tử: Tương lai của châu Á

Tiền điện tử: Tiền tệ của tương lai hay bóng ma đầu cơ?

Trung Quốc thử nghiệm nhân dân tệ kỹ thuật số, thúc đẩy cuộc đua tiền điện tử ở châu Á

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang gấp rút phát triển các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình với nỗ lực cung cấp hệ thống thanh toán an toàn và tiện lợi khi quá trình số hóa nhanh chóng mở rộng sang nhiều phân khúc của nền kinh tế.

Trung Quốc đã thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình ở nhiều thành phố trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo vào tháng trước kế hoạch tiến hành dự án đồng euro kỹ thuật số và khởi động một cuộc điều tra kéo dài hai năm, nhằm xem xét sự phát triển và tác động của tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).

Trong khi hơn 60 ngân hàng trung ương đang trong giai đoạn tìm hiểu, thì Campuchia có thể được xem là nước dẫn đầu cuộc đua.

Quốc gia Đông Nam Á này đã ra mắt đồng tiền kỹ thuật số "Bakong" vào tháng 10 năm 2020. Bakong được phát triển bởi Ngân hàng Quốc gia Campuchia, với sự giúp đỡ từ công ty công nghệ blockchain Nhật Bản Soramitsu, trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện của đồng tiền riêng của mình, đồng riel và dần dần chuyển khỏi sử dụng đồng đô la Mỹ.

Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), Chea Serey, người đứng đầu dự án, nói rằng "Bakong bắt đầu như một sự kết nối các hệ thống thanh toán phân mảnh ở Campuchia".

Tính đến tháng 6/2021, người dùng ví điện tử của Bakong đã tăng gấp đôi so với khoảng ba tháng trước đó, đạt 200.000 người. Hệ thống tổng thể của Bakong đạt khoảng 5,9 triệu người dùng - bao gồm cả những người được tiếp cận gián tiếp thông qua các ứng dụng di động của ngân hàng thành viên - và trong nửa đầu năm 2021, đã có tổng cộng 1,4 triệu giao dịch được ghi nhận, với giá trị khoảng 500 triệu USD.

Chea Serey chỉ ra rằng việc áp dụng các khoản thanh toán kỹ thuật số bắt đầu tăng lên, đặc biệt là sau sự bùng phát của virus Corona: "Tình hình đã chín muồi để mọi người chuyển sang sử dụng một phương tiện kỹ thuật số".

Không giống như các loại tiền điện tử như bitcoin, CBDC là dạng tiền kỹ thuật số được hỗ trợ và phát hành bởi các ngân hàng trung ương.

Bakong cho phép công dân Campuchia thanh toán tại các cửa hàng hoặc gửi tiền qua ứng dụng di động mà không cần sử dụng tiền mặt, đồng thời cho phép thanh toán và chuyển tiền bằng đồng riel hoặc đô la Mỹ.

Một trong những lý do chính đằng sau dự án Bakong là khuyến khích sử dụng đồng riel.

Campuchia chạy một hệ thống tiền tệ kép, với đồng đô la Mỹ được lưu hành rộng rãi trong nền kinh tế của mình. Tình trạng đô la hóa của đất nước bắt đầu vào những năm 1980 và 90, sau nhiều năm nội chiến và bất ổn.

Nội tệ của Campuchia là đồng riel, nhưng đồng đô la Mỹ lưu hành rộng rãi nền kinh tế của nước này. Ảnh: Reuters

Chea Serey nói rằng đồng đô la Mỹ đã mang lại lợi ích cho đất nước trong giai đoạn tái thiết nhưng bây giờ đã đến lúc "loại bỏ sự phụ thuộc đó" khi nền kinh tế Campuchia phát triển. Việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ cũng sẽ giúp ngân hàng trung ương duy trì một chính sách tiền tệ độc lập, bao gồm kiểm soát lượng cung tiền và lưu thông của nó.

Mặc dù việc sử dụng đồng riel đã tăng lên trong các giao dịch kỹ thuật số kể từ khi Bakong ra mắt, Chea Serey giải thích rằng chỉ riêng tiền kỹ thuật số sẽ không thể chuyển Campuchia từ một nền kinh tế dựa trên đô la Mỹ sang một nền kinh tế dựa trên đồng nội tệ của nó. Bà nói: “Có những chính sách khác cần được đưa ra, như có một tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lạm phát ổn định, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế".

Trong khi nói rằng "khử đô la hóa" là từ mà bà cố gắng tránh vì nó có thể gây ra sự không chắc chắn cho một số nhà đầu tư toàn cầu trong nước, Chea Serey cho rằng nhiệm vụ của Bakong là "tăng cường sử dụng đồng nội tệ" với mục tiêu dài hạn là "chỉ sử dụng nội tệ của chúng tôi".

NBC cũng đang khám phá các giao dịch xuyên biên giới thông qua Bakong. Hiện họ đang làm việc với Maybank của Malaysia cũng như ngân hàng trung ương của Thái Lan.

Chea Serey giải thích rằng nhiều phụ nữ Campuchia di cư đến Malaysia để làm việc và do đó "cần một cách an toàn và hiệu quả để gửi tiền cho gia đình của họ". Bà cũng lưu ý rằng Bakong sẽ giúp phụ nữ cảm thấy được trao quyền vì họ sẽ "có thể quản lý tài chính của riêng mình mà không phụ thuộc vào bên thứ ba".

Trong khi các quốc gia đang thực hiện các bước để tiến hành nghiên cứu và phát triển CBDC, sự biến động bất ổn xung quanh Bitcoin đã thúc đẩy các nhà quản lý trên toàn thế giới thắt chặt các quy định về tiền điện tử.

Trung Quốc đã cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử và cũng đã đàn áp hoạt động khai thác Bitcoin. Liên minh Châu Âu cũng như Hoa Kỳ đang xem xét việc thắt chặt các quy tắc xung quanh việc chuyển tiền điện tử.

Chea Serey đồng ý rằng một số mức độ quy định và bảo vệ người tiêu dùng là cần thiết, nói rằng sự biến động mạnh của bitcoin là một lý do cho điều này. "Không có nguyên tắc cơ bản nào và nếu bạn cho phép các nhà đầu tư làm điều này ... ai sẽ chịu trách nhiệm khi giá giảm?".

Hoàng Long

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/campuchia-dat-muc-tieu-loai-bo-su-phu-thuoc-vao-do-la-my-voi-tien-ky-thuat-so-post148473.html