Cảm xúc về tự do, độc lập

Phải đến ngày 15/11/2023, nhạc sĩ Văn Cao mới tròn 100 tuổi (ông sinh ngày 15/11/1923) nhưng chương trình kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 20/8 vừa qua. Nếu tính mốc thời gian thì hơi sớm nhưng nếu làm một chương trình về ông, chắc chắn khoảng thời gian từ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám (19/8) đến Quốc khánh (2/9) chính là thời điểm xứng đáng nhất để tổ chức vinh danh và tưởng nhớ đến Văn Cao. Là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, chiến sĩ... ở lĩnh vực nào ông cũng xuất sắc nhưng có lẽ chỉ cần nhắc hai tiếng Văn Cao là đã đủ rộng dài và tầm vóc về một nhân vật kỳ vĩ của Việt Nam vào thế kỷ XX.

Những gì liên quan đến chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao nhiều người đã nói, truyền thông đã đề cập nhưng điều lớn nhất mà âm nhạc Văn Cao mang đến cho thế hệ hôm nay chính là xúc cảm tự do và độc lập đang thăng hoa cùng những tháng ngày này. Khi hình ảnh quảng trường Nhà hát Lớn trong đêm nhạc kỷ niệm với hàng hàng, lớp lớp khán giả nhưng đồng thời cũng là diễn viên hòa ca bài Tiến quân ca, không thể không nhớ đến ngày 17/8/1945, lần đầu tiên bài ca hùng tráng này được vang lên từ cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh do Tổng hội Công chức tổ chức.

Cần nhắc lại một chút lịch sử là cũng trong ngày 17/8/1945 ấy, khi Quốc dân Đại hội Tân Trào (tại Sơn Dương, Tuyên Quang) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ và bài Tiến quân ca là Quốc ca thì ngay hôm đó, 17/8/1945, lần đầu tiên Tiến quân ca vang lên giữa Hà Nội.

Năm 1987, trên tạp chí Sông Hương (số 26, tháng 7 và 8/1987 của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên), nhạc sĩ Văn Cao có viết về câu chuyện sáng tác bản Tiến quân ca. Nhạc sĩ đã kể lại những nét nhạc đầu tiên được ông viết sau khi đi qua những phố phường Hà Nội trong một buổi chiều chứng kiến những đau thương của thân phận người dân: “Chiều hôm ấy tôi đi dọc theo đường phố ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen cố tìm một cái gì để nói, tìm một âm thanh đầu tiên. Nhưng đường phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày (...).

Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh. Họ đang đun thứ gì trong một cái ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt (…). Tôi bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về gác, tôi viết được nét nhạc đầu bài Tiến quân ca”.

“Ngày 17/8/1945, tôi đến dự cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà hát Lớn xuống. Bài “Tiến quân ca” đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên vang theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, những tờ bướm in “Tiến quân ca” được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít tinh”.

Và rồi chỉ hai tuần sau đó, chiều 2/9/1945, tại Lễ tuyên ngôn độc lập, Quốc ca Việt Nam đã vang lên trên làn sóng radio truyền đi khắp thế giới về một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thoát vòng nô lệ, đứng lên với tất cả phẩm giá và quyết tâm để có được tự do, độc lập.

Trở lại với chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Văn Cao, đây không chỉ là một chương trình ca nhạc tưởng nhớ và tôn vinh ông. Một nhạc sĩ đã đi từ những ca khúc như “Suối mơ”, “Thiên thai”… rồi hòa mình vào nguồn mạch cách mạng và đồng hành với dân tộc để có “Tiến quân ca” trở thành Quốc ca; để có những bài ca đầy dự báo như Tiến về Hà Nội (1949) - là lời tiên tri cho ngày đại đoàn quân Vệ quốc sau chiến thắng Điện Biên trở về tiếp quản Thủ đô qua năm cửa ô (1954). “Hành khúc Không quân Việt Nam” cũng được ông viết năm 1945, khi binh chủng này chưa ra đời nhưng giờ đây thành bài hát chính thức của Binh chủng Không quân.

Cảm ơn những người làm nên chương trình “Đàn chim Việt” để tưởng nhớ và vinh danh Văn Cao trong không khí của những ngày này mà không chờ tới ngày sinh nhật ông. Chính câu chuyện cuộc đời và âm nhạc của Văn Cao trong thời điểm này đã mang lại những xúc cảm sâu sắc về tự do và độc lập. “Tự do” và “Độc lập”, để có được những giá trị thiêng liêng ấy, người Việt đã mãi miết một hành trình ngàn năm với hàng triệu người ngã xuống để “Nước non Việt Nam ta vững bền”!

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/cam-xuc-ve-tu-do-doc-lap/179495.htm