Cảm xúc Trường Sa

Những ngày ra Trường Sa và nhà giàn DK1 đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc về tình đồng chí, đồng đội, đoàn kết yêu thương; là tình quân-dân sâu nặng, thắm thiết, và trên tất cả là tinh thần vượt khó, vững tin bám biển, bám đảo...

Giây phút thiêng liêng trên đảo Song Tử Tây

Xuất phát từ Đà Nẵng, tàu KN390 đưa hơn 200 đại biểu Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị đến điểm đảo đầu tiên Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) vào lúc 7 giờ sáng. Sau đúng 2 ngày trên biển thấm mệt, nhưng được lên đảo là chúng tôi tỉnh táo hẳn. Các thành viên Đoàn công tác số 7 lên đảo và tham dự Lễ chào cờ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Song Tử Tây.

 Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng thăm, tặng quà cán bộ, nhân dân đảo Song Tử Tây.

Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng thăm, tặng quà cán bộ, nhân dân đảo Song Tử Tây.

Giữa bao la biển trời, quân và dân đồng thanh hát vang Quốc ca. Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã dự rất nhiều lễ chào cờ Tổ quốc, nhưng giây phút 10 lời thề danh dự của quân nhân được vang lên giữa đảo Song Tử Tây, hòa vào tiếng sóng âm vang, trong tôi dâng trào niềm cảm xúc thiêng thiêng liêng và niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang kiêu hãnh tung bay trên nền trời Tổ quốc…

Đứng cạnh tôi, chị Nguyễn Thị Việt Hiền, Phó bí thư Thường trực Quận ủy Cẩm Lệ (Đà Nẵng) tâm sự: “Mỗi lời thề là một lời hứa danh dự của người chiến sĩ quân nhân cách mạng trước Đảng, trước nhân dân, trước đồng đội. Giữa trùng khơi, nghi lễ chào cờ chính là lời khẳng định đanh thép bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam”.

Thương lắm, chiến sĩ nhà giàn DK1

Đã chuẩn bị tinh thần song những đợt sóng chồm lên đã làm kế hoạch lên nhà giàn DK1 của Đoàn công tác số 7 trở nên vô cùng khó khăn. Mỗi đơn vị trong đoàn chỉ có thể cử 1 thành viên nam có sức khỏe tốt lên nhà giàn thăm cán bộ, chiến sĩ. Riêng đoàn Đà Nẵng với 100 thành viên trên tàu nên được ưu tiên khi cả 2 đại biểu lãnh đạo đơn vị quân sự và công an được lên DK1/17, nơi cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân cách mặt biển lúc triều cường gần 11m. Để có thể tiếp cận thang lên nhà giàn, các thủy thủ phải căng mắt quan sát mặt biển để kịp thời điều chỉnh từng động tác của các thành viên đoàn công tác. Những tiếng hô “Không được”, “Khẩn trương lên”, “Bước nhanh”… thúc giục trong tiếng sóng ầm ào… bởi chỉ cần một tích tắc sơ sẩy, hậu quả sẽ khó lường.

 Đoàn công tác số 7 trao quà đặc sản Đà Nẵng tặng cán bộ, chiến sĩ.

Đoàn công tác số 7 trao quà đặc sản Đà Nẵng tặng cán bộ, chiến sĩ.

Đánh vật với từng ngọn sóng, mãi đến hơn 9 giờ sáng, chúng tôi mới đặt chân lên nhà giàn DK1/17. Tại đây, chúng tôi được nghe Đại úy Nguyễn Văn Duy, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/17 tâm sự: “Việc chuyển quà, hàng hóa lên nhà giàn vô cùng gian nan. Lắm hôm biển động không thể vận chuyển lên được phải gửi quay ngược vào bờ. Còn việc phải dùng đường “hàng không”, tức là dùng ròng rọc kéo khách lên nhà giàn là chuyện bình thường. Sóng to gió lớn chỉ là một trong vô vàn khó khăn đối với các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Nước ngọt dự trữ trên nhà giàn được hứng từ nước mưa, được cán bộ, chiến sĩ trải qua nhiều công đoạn chắt lọc. Trong điều kiện khó khăn ấy, các cán bộ, chiến sĩ phải “vắt cát thành đất”, chắt chiu, dè sẻn từng ca nước ngọt để chăm bón rau xanh. Gian khổ là thế, khó khăn là vậy, nhưng tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ đều an tâm tư tưởng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

Cả tuần giông gió, vậy mà đêm trước ngày chúng tôi trở về đất liền, Trường Sa vằng vặc trăng nghiêng. Ánh trăng dịu dàng buông xuống mặt biển dềnh lên những tâm tư, khát vọng của người canh giữ đảo xa. Làm sao có thể quên được giây phút chia tay cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Nam, Cô Lin, Nhà giàn DK1... trong chiều quyến luyến. Sóng cuồn cuộn, song người lính đảo vẫn ùa ra mép nước giơ cao tay vẫy. Hôm đó, tôi chẳng dám nhìn sâu vào những đôi mắt ấy. Những đôi mắt độ lượng và bao dung.

Những ngày ra với Trường Sa, DK1, tôi thực sự ấn tượng về hình ảnh người chiến sĩ giữ đảo kiên trung giữa nơi “sóng cuồng, bão giật”. Ấn tượng bởi không gian Trường Sa bình dị, yên lành. Ấn tượng bởi vùng biển, đảo của ta giàu, đẹp nhường nào. Tôi khâm phục ý chí, nghị lực phi thường của những người con đất Việt đang viết tiếp khúc tráng ca từ thuở ông cha hiên ngang vượt biển bằng con thuyền gỗ mong manh ra trấn giữ phên giậu của Tổ quốc giữa trùng khơi...

Trước biển chiều nay khi những cánh chim hải âu chấp chới bay về đảo nhỏ, tôi lại bồi hồi, xao xuyến. Điệp khúc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long như lời giã biệt, ngân lên tha thiết: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh!..”.

Bài, ảnh: Đại tá NGUYỄN VĂN HÒA, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cam-xuc-truong-sa-727653