Cẩm thụ văn học: Hiểu thêm về 'Lính đảo hát tình ca trên đảo'

Trên đảo Trường Sa, Trần Đăng Khoa trình làng văn chương một buổi liên hoan văn nghệ cũng lạ thường, đậm màu lính tráng, làm nôn nao cả lòng biển cả...

Ảnh minh họa.

Trần Đăng Khoa mang đến một nhan đề dài tới bảy âm tiết: Lính đảo hát tình ca trên đảo; như một câu nói thông thường, mang hơi hướm của tự sự, có cấu trúc đầy đủ các thành phần cơ bản trong cú pháp tiếng Việt: Chủ ngữ - vị ngữ - trạng ngữ. Ba thành phần này là ba cửa ngõ để đi vào tiếp cận tác phẩm.

Lính đảo (chủ ngữ) chỉ chủ thể của hành động, được cụ thể qua âm tiết đảo mang ý nghĩa hạn định, để phân biệt với bộ binh, thủy binh,... Như thế, lính đảo là hình tượng chính trong bài thơ. Hát tình ca (vị ngữ) là một cụm động từ cụ thể hóa về hành động của chủ thể những người lính đảo, gián tiếp thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của họ.

Trên đảo (trạng ngữ) là bức tranh phông nền chung của đảo Trường Sa, nơi người lính đảo sống và thực hiện nghĩa vụ của mình. Âm tiết đảo được luyến láy hai lần ở nhan đề là một tiểu dấu ấn ngầm gợi đến một không gian đặc biệt.

Không gian lạ thường

Văn nghệ luôn là nhu cầu của tâm hồn. Ngay buổi đầu kháng chiến chống Pháp, trong Tây Tiến, Quang Dũng đã mang đến một bức tranh liên hoan văn nghệ làm bừng tỉnh cả núi rừng hùng vĩ, giữa thời chiến trùng trùng gian khổ: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa - Kìa em xiêm áo tự bao giờ - Khèn lên man điệu nàng e ấp - Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Hơn ba mươi năm sau, trên đảo Trường Sa, giữa biển khơi ngút ngàn sóng gió, Trần Đăng Khoa trình làng văn chương một buổi liên hoan văn nghệ cũng lạ thường, đậm màu lính tráng, làm nôn nao cả lòng biển cả: Đá san hô kê lên thành sân khấu - Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà - Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ - Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa.

Đúng như lời những người lính đảo tự nhận định, cái sân khấu của buổi liên hoan văn nghệ là tạm bợ. Nó tạm bợ bởi nền sân khấu là “cây nhà lá vườn” với chính đá san hô kê lên. Thuật ngữ chuyên ngành của sân khấu, điện ảnh: cánh gà lại được quy chiếu về một hình ảnh đời thường, thô kệch: vài tấm tôn. Sự ít ỏi, sơ sài ấy được nhấn mạnh thêm qua số từ vài.

Ngay sau đó, người lính đảo thể hiện rõ hơn bản chất thật thà đến đáng yêu của mình qua sự lí giải, tự thanh minh về sự tạm bợ trên: Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ - Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa. Ai mà nỡ lòng trách các anh được.

Khổ thơ vang lên trong sự luôn chuyển của cái có - không, không - có: Không có sân khấu, cánh gà, phông màn đúng nghĩa; chỉ có đá san hô, vài tấm tôn, gió,... Thế nhưng, giữa khó khăn, thiếu thốn bộn bề; giữa bốn bể trời nước; các anh vẫn dựng lên sâu khấu, vẫn có những cánh gà của riêng mình, vẫn tràn trề niềm hứng khởi, vui tươi. Hình như khổ thơ có thoáng chút âm vang xưa của người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật vọng về: Không có kính không phải vì xe không có kính - Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi... Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Đặt trong cấu trúc bài thơ, người lính đảo cùng sân khấu là một điểm nhấn. Các anh cùng sân khấu của mình xuất hiện như trọng tâm của đại sân khấu vũ trụ, giữa bạt ngàn trời nước mênh mang. Hay cả biển trời đang háo hức, chờ đợi sự xuất hiện của những diễn viên - người lính đảo: Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn

Diễn viên - khán giả trong buổi biểu diễn cũng bất thường: Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc - Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu. Họ đều là người “trong một nhà”. Điều lạ thường này là do hoàn cảnh sống, thực hiện nhiệm vụ của những người lính đảo - không có sự tương giao trực tiếp với đất liền. Vì thế, không chỉ diễn viên xuất hiện trên một sân khấu khác thường, mà sự xuất hiện của các khán giả cũng đầy ấn tượng trong tư thế ngổn ngang.

Bài thơ nói chung, khổ thơ nói riêng mang đậm chất của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Em - bọn chúng anh là cách xưng hô của hội thoại thường nhật, gần gũi, thân thương,... Em ở đây chỉ xuất hiện trong sự tưởng tượng, trong tiếng lòng của người lính đảo mà thôi. Đặc biệt, cụm đại từ xưng hô liên hoàn bọn chúng anh vừa mang cái tự nhiên của chất lính tráng, vừa bao quát được mối tương quan riêng tư, vừa bao quát được mối tương quan chung, vừa mang tính nhấn mạnh.

Nét phác thảo về Trường Sa

Cấu trúc chẳng... nào... mang hình thức phủ định, khái quát mọi tình huống, nhưng lại chứa đựng sự khẳng định chắc chắn trong mọi bối cảnh, xuất hiện trong câu thơ Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa không chỉ là minh chứng, sự giãi bày của người lính đảo về sự tạm bợ của mình mà còn thể hiện sự khác thường, khó ưa, khó chịu của gió Trường Sa.

Cái gió Trường Sa ấy đầy ám ảnh. Nó xoáy sang cả khổ thơ thứ hai: Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng - Sỏi cát bay như lũ chim hoang. Rát là tính từ mang tính hệ quả, ở mức độ cao, gây cảm giác khó chịu. Lính đảo hát tình ca trên đảo đã thổi vào thơ ca một cảm giác mới lạ của gió: Gió rát mặt. Đó là cái gió dữ dội; đậm đà vị mặn, vị chát của biển.

Sỏi và cát cũng là những “công dân” điển hình của Trường Sa, đầy khác thường: Sỏi cát bay như lũ chim hoang. Dòng thơ mang cấu trúc đầy đủ của một so sánh tu từ, giàu sức gợi. Sỏi, cát vốn là những thực thể tĩnh. Ấy thế mà, ở đây, nó lại chuyển động - với tốc độ cao như hòn tên, mũi đạn; như cánh chim hoang tung hết bản năng, vô phương, vô hướng, hỗn độn, ào ạt.

Gió, sỏi, cát là những chi tiết cận cảnh, mang “thương hiệu” của thiên nhiên Trường Sa: Khắc nghiệt, dữ dội, khó khăn, thử thách,...

Thiên nhiên Trường Sa chỉ là phông nền, làm điểm nhấn cho sự xuất hiện của những người lính đảo: Cứ mặc nó. Nào các chiến hữu - Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn. Ngôn ngữ thơ ca thường trau chuốt, gọt giũa. Trong hai dòng thơ này, tính khẩu ngữ lại xuất hiện đậm nét. Hơn nữa, hai dòng thơ ngắt đột ngột với đôi dấu chấm tạo ranh giới rạch ròi, ý thơ tràn từ dòng trên xuống dòng dưới.

Tất cả thể hiện sự khác thường trong phong thái của những người lính đảo. Cứ mặc nó là một câu nói ngắn gọn, dứt khoát; thể hiện sự dữ dội của thiên nhiên Trường Sa đã trở thành quen thuộc, không thể mang lại sự phân tâm đối với những người lính đảo. Giờ đây, tâm thế hồ hởi của buổi liên hoan trong lòng những người lính đảo đang như sóng dâng trào. Cái dâng trào ấy xuất hiện tràn trề từ dòng thơ trên chảy xuống dòng thơ dưới qua cấu trúc khẩu hiệu đậm chất lính tráng: Nào các chiến hữu - Ta bắt đầu thôi.

Ảnh minh họa ITN.

Bức chân dung tự họa

Trần Đăng Khoa đã dùng tới hai khổ thơ để dựng nên bức chân dung tự họa của những người lính đảo, qua một chi tiết được chạm khắc đậm nét - đầu trọc: Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc - Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu - Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc - Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau / Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ - Là bà con xa với bụt ốc đây mà - Thôi lặng yên nghe có gì đang sóng sánh - Hóa ra là sư cụ hát tình ca.

Trọc là thuộc tính ấn tượng, cá tính trong bức chân dung tự họa của những người lính đảo. Nó được diễn tả qua nhiều trạng thái, cung bậc; nhiều từ ngữ khác nhau: Đầu trọc - trọc đầu - trọc tếu - sư cụ. Ngay buổi đầu kháng chiến chống Pháp, hình ảnh Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc trong Tây Tiến của Quang Dũng đã mang đến cái lạ, cái khí thế ngang tàng, lãng mạn cách mạng.

Cả Quang Dũng và Trần Đăng Khoa đều mượn hình hài cái trọc để nói đến cái nghiệt ngã trong hoàn cảnh sống, thực hiện nhiệm vụ của những người lính. Điều khác biệt là Quang Dũng nói gián tiếp, Trần Đăng Khoa nói trực tiếp, luyến láy lại nhiều lần để nhấn mạnh.

Thơ ca thường kiệm lời. Trong hai khổ thơ trên, Trần Đăng Khoa lại sử dụng nhiều từ ngữ tưởng chừng như dư thừa nhưng lại là những tín hiệu thẩm mĩ, chứa đựng nhiều giá trị biểu đạt: cũng, rặt, đều,... Tất cả tạo nên bức chân dung tập thể những người lính đảo, dù là già hay trẻ cũng đều có chung một đặc điểm về ngoại hình là trọc.

Không né tránh, những người lính đảo đã trực diện nêu lên nguyên nhân trọc của mình, qua một câu thơ giàu chất “lí sự” lính tráng: Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc. Quả đúng như thế. Giữa biển khơi, nước ngọt khác chi vàng. Vì vậy, cạo trọc đầu là một phương thế để những người lính đảo đối phó với hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt.

Những người lính đảo tự nhìn nhận cái trọc của mình qua lăng kính hài hước: Trọc tếu, cứ gọi đùa sư cụ, bà con xa với bụt ốc. Đó là niềm vui tươi, lạc quan của những người lính đảo giữa bạt ngàn sóng gió, thiếu thốn. Những từ ngữ sư cụ, bà con xa với bụt ốc còn toát lên vẻ đẹp thoát tục của những người lính đảo. Vui vẻ, hài hước, hóm hỉnh là chất lính tráng tỏa ra qua những vần thơ trên. Nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của những lính đảo.

Khi lời ca cất lên; những người lính đảo bỗng chuyển sang một trạng thái lãng mạn nhưng vẫn đậm màu lính tráng: Thôi lặng yên nghe có gì đang sóng sánh - Hóa ra là sư cụ hát tình ca. “Thôi lặng yên nghe” như một khẩu lệnh trước sự “sóng sánh” bất thường của “sư cụ hát tình ca”. Cái “sóng sánh” mang đến sự mềm mại, mượt mà, ngọt ngào như mật của những bản tình ca xuất hiện đột ngột, khiến “khán giả” phải ngỡ ngàng “hóa ra là sư cụ hát tình ca”. “Sư cụ hát tình ca” là một kết cấu bất thường thể hiện tâm hồn phóng khoáng, vui tươi, hóm hỉnh của những người lính đảo.

Ảnh minh họa ITN.

Bản tình ca của lính đảo

Cái hào khí ngang tàng của lính tráng đã nhập cả vào những giai điệu của những bản tình ca, qua so sánh tu từ giàu tính gợi cảm: Những giai điệu ngang tàng như gió biển. Cái giai điệu ấy phơi phới vẻ tự do, phóng khoáng, cuồng nhiệt, căng đầy sức sống thường trực của những người lính đảo, như huyết quản dạt dào không ngừng nghỉ.

Hòa quyện với giai điệu là ca từ mê đắm trong đôi trạng thái tình cảm “nhớ” với “thương”: Những lời ca toàn nhớ với thương thôi. “Toàn”, “thôi” là những từ chỉ sự khái quát, khẳng định tuyệt đối về trạng nhớ, nhớ thương chiếm hết ca từ, tâm hồn những người lính đảo.

Cái trạng thái nhớ, thương ấy cuốn “diễn viên” và “khán giả” lính đảo từ ngày chuyển sang đêm: Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa. Bóng tối bao trùm, xóa nhòa mọi khoảng cách, không nhận diện được ngay người bên cạnh mình. Nhưng bóng tối không dập tắt được những bản tình ca. Ngược lại, những bản tình ca như lay động cả thiên nhiên, khiến những vật thể vô tri vô cảm cũng như cựa quậy, cất lên giọng điệu, ngôn từ của mình để hòa nhịp với những bản tình ca của những người lính đảo: Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời.

Giai điệu và ca từ ấy thể hiện vẻ đẹp tâm hồn đậm chất lính tráng của những người lính đảo: Ngang tàng, hiên ngang, lãng mạn, trẻ trung, tinh tế, nhạy cảm,...

Nỗi thương nhớ ngân nga giữa bốn bể mây trời sóng nước, trong những bản tình ca của những người lính đảo là nỗi thương nhớ trong tình yêu nam nữ: Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo - Gương mặt em dịu dàng hàng cây cũng tươi xinh - Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ - Và tay mình lại nắm lấy tay mình.

Nhung nhớ là thuộc tính nguyên thủy, muôn đời, mang tính người nhất của con người. Nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi thời, ngập tràn trong thơ ca mà vẫn chưa đủ. Ngay buổi đầu kháng chiến đầy gian khổ, những người lính Tây Tiến giữa chiến trường vẫn ấp ủ những nỗi nhung nhớ riêng tư, lãng mạn: Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (Tây Tiến - Quang Dũng). Những người lính đảo trong Lính đảo hát tình ca trên đảo của Trần Đăng Khoa cũng thế.

Khổ thơ trên đã phác thảo một không - thời gian riêng tư của đôi lứa hẹn hò yêu đương. Cái đêm trăng dắt em đi dạo; nó thi vị, lãng mạn khác xa cái đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa giữa đảo bạt ngàn cô quạnh. Cái không gian của những hàng cây tươi xinh trào tràn sức sống, với sự gợi cảm mê đắm dịu dàng của gương mặt em làm mê man tâm hồn những người lính đảo lại càng khác xa hơn cái không gian đảo với gió rát mặt, sỏi cát bay như lũ chim hoang.

Tất cả đều là mê diệu. Nhưng cái mê diệu ấy xa vời quá. Nó vượt ngoài tầm mắt, tầm khát khao của những người lính đảo: Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ. Đất liền, hẹn hò chỉ là trong tâm tưởng. Đáp lại nỗi lòng những người lính đảo là những con sóng ngút ngàn không ngơi nghỉ. Những con sóng lòng tràn khắp đất liền lại trở về với trái tim của những người lính đảo: Và tay mình lại nắm lấy tay mình.

Đó là thực tại cô đơn, thiếu vắng tình cảm riêng tư, hi sinh thầm lặng của những người lính đảo. Hóa ra tất cả không - thời gian hoài niệm của hò hẹn lứa đôi trên chỉ là tưởng tượng của những người lính đảo, nhằm khỏa lấp những khát vọng rất con người của mình.

Tưởng chừng là chấp nhận. Nhưng không. Như sóng bể, hết cơn này nối tiếp cơn kia, khát vọng về tình yêu vẫn cồn cào trong lòng những người lính đảo, được gửi gắm qua những bản tình ca: Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào? - Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được - Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh - Trông bốn phía chỉ âm u mây nước.

Một câu hỏi tu từ vang lên với cách hô gọi gộp đầy ấn tượng: người yêu chúng anh - các em, ơi. Cách hô gọi này khiến cho đối tượng nghe như đang hiển hiện trước mắt. Nhưng ngay sau đó, người đọc lại ngỡ ngàng trước những người yêu “ảo” của những người lính đảo. Hóa ra, các anh đâu đã có người yêu. Người yêu chỉ xuất hiện trong tưởng tượng của các anh mà thôi.

Vì là tưởng tượng nên các anh không thể biết được dáng hình, diện mạo của người mình thương: các em ở phương nào? tóc em ngắn hay dài. Em trở thành nhân vật sóng đôi không thể thiếu trong thi phẩm này! Cách hô gọi gộp như trên phản ánh tình trạng cô đơn; thiếu thốn tình cảm riêng tư; niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc không chỉ là của riêng ai mà là của tất cả những người lính đảo. Đó là hoàn cảnh chung, tiếng nói chung.

Trong hun hút hư không, những người lính đảo vẫn đau đáu nuôi khát vọng, đợi chờ, hướng về đất liền với niềm mong ngóng: Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh. Đáp lại là mênh mông lặng thinh, lạnh lẽo, mịt mờ cô quạnh: Trông bốn phía chỉ âm u mây nước.

Bộn bề khó khăn, thiếu thốn, cô đơn, thất vọng lại không đánh gục được những người lính đảo. Các anh vẫn cất lên những bản tình ca, vẫn hiên ngang giữa sóng gió bể trời: Nào hát lên cho mây nước biết - Rằng chúng ta là những con người - Yêu em thủy chung hơn muối mặn - Dù thư tình chưa biết gửi cho ai / Nào hát lên cho đêm tối biết - Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây - Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió - Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này...

Cấu trúc nào hát lên cho... biết... rằng… mang tính khẩu lệnh được điệp lại hai lần như những “tràng đại bác nã” vào hoàn cảnh khó khăn, không chỉ mang lại sự liên kết về mạch thơ trong hai khổ thơ mà còn làm nổi bật cái hào khí quật cường của những người lính đảo. Cái hào khí hừng hực ấy cuộn trào trong huyết quản của các anh, càng được nhấn mạnh hơn qua động từ chỉ hướng “lên” được luyến láy lại hai lần. Lúc này, “diễn viên” và “khán giả” đã hòa vào nhau làm một, cùng cất lên bản tình ca - hùng ca giữa mây trời, sóng bể, mênh mang đêm tối.

Mây nước, đêm tối không chỉ mang đến ý nghĩa không gian, thời gian mà còn là biểu tượng cho hoàn cảnh sống, những khó khăn, thử thách, những thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần mà những người lính đảo phải đối diện trong cuộc sống thường nhật của mình. Các anh đáp trả lại tất cả những điều đó bằng những bản tình ca. Đó là tinh thần thép, lãng mạn của những người lính đảo.

Những người lính đảo vẫn “hát lên” những khúc tình ca dào dạt, thấm đượm tình người: Rằng chúng ta là những con người mang cấu trúc đồng nhất, mang tính định nghĩa, bất ngờ, chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng - Giữa bao la trời nước, những người lính đảo như sống ở một thế giới khác, không có sự tương giao như cuộc sống trong đất liền. Đó là một thực tại hi sinh trong âm thầm của những người lính đảo. Vì thế mà “tính người” có phần nào bị giảm đi chăng?

Không! Dù trong hoàn cảnh nào, những người lính đảo vẫn mang “tính người” nhất. Cái tính người ấy được thể hiện qua khát vọng tình yêu cháy bỏng: Yêu em thủy chung hơn muối mặn - Dù thư tình chưa biết gửi cho ai. Đó là một tình yêu chưa có bến bờ gửi gắm nhưng luôn nồng nàn, say đắm, đậm đà, vô tận như biển khơi.

Trái tim của người lính đảo là trái tim “lưỡng phân”: vừa là trái tình riêng tư, chất chứa tình cảm nhân thế; vừa là trái lí tính sáng ngời lí tưởng chung: Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây. Đó là tình yêu đối với tổ quốc. Tình yêu ấy luôn thường trực, rực sáng giữa đêm trường khó khăn, thiếu thốn, thử thách. Tình yêu ấy là nhân tố làm nên bản chất, bản lĩnh kiên trường của những người lính đảo: Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió.

Để từ đó, những người lính đảo đã đưa ra một tuyên ngôn: Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này... “Tổ quốc Việt Nam” vẫn là nơi đọng lại trong những bản tình ca của những người lính đảo. “Nơi này” là nơi nào? Đó là Trường Sa hay là từ trái tim rừng rực lí tưởng của những người lính đảo?

Cái kết bất ngờ

Người đọc vẫn bị cuốn vào mạch cảm xúc của Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót. Ở đây, cái chót vót không còn mang âm hưởng trong Nắng xuống, trời lên sâu chót vót ở Tràng Giang của Huy Cận (trước Cách mạng tháng Tám) nữa, mà là cái hào khí chất ngất của điệu tâm hồn những người lính đảo giữa biển trời.

Giống như một bản nhạc đang ở nốt thăng, đột ngột chuyển sang nốt giáng, những câu thơ tiếp theo không chỉ là cái sửng sốt của những người lính đảo mà còn làm dòng cảm xúc của người đọc bị chặn lại đột ngột: Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau - Ngoài mép biển người đâu lên đông thế - Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu...

Hai câu thơ cuối xuất hiện nhiều hình ảnh lạ hóa, mang ý nghĩa biểu trưng: Nhìn lại phía sau là cái nhìn hướng về quá khứ, truyền thống. Hình ảnh người đâu lên đông thế mang âm vị sử thi. Tất cả thể hiện lịch sử dân tộc ta là lịch sử dựng nước và giữ nước với những đau thương, hào hùng; được viết nên bởi sự tiếp nối vô tận của các thế hệ.

Mạch thơ lại được cởi ra, trở về âm điệu chung của toàn bài trong câu kết mở với ẩn ngữ: Ồ, hóa ra toàn những đá trọc đầu... Tính lính tráng lại xuất hiện qua cách nói, qua hình ảnh đá trọc đầu đầy ấn tượng. Ở trên là rặt lính trọc đầu, ở đây lại là đá trọc đầu. Phải chăng đá trọc đầu còn là biểu trưng cho những người lính đảo kiên trung bản lĩnh; tiếp tục hòa vào, góp phần viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc...!

Nhà thơ, ThS Lưu Văn Din (Trường THPT B Nghĩa Hưng, Nam Định)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-thu-van-hoc-hieu-them-ve-linh-dao-hat-tinh-ca-tren-dao-post680320.html