Cảm thông hay lên án

Có những người hay 'lên án' vô tội vạ đối với người thực thi pháp luật, chỉ bởi họ thấy chạnh lòng trước những giọt nước mắt chực chờ tuôn, cùng gương mặt âu sầu, thảm thiết của bị cáo hướng về hội đồng xét xử mong được giảm nhẹ hình phạt...

Việc Tòa án nhân dân TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng) đưa ra xét xử đối với tài xế xe Mã Vinh về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người nhận khá nhiều lời xì xào trước và sau phiên tòa. Sự việc, Vinh là tài xế xe tải luồng xanh của chành xe Phượng Hoàng tại TP. Sóc Trăng. Trong khoảng thời gian tháng 8 và tháng 9/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam. Khi điều khiển xe đầu kéo đi giao hàng hóa cho các chành xe tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An (ngược lại), Vinh đã tiếp xúc khá nhiều người nhưng không tuân thủ quy định về cách ly y tế. Bản thân thấy có triệu chứng ho, đau họng, Vinh đi xét nghiệm và kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Vậy mà, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP. Sóc Trăng tiến hành lấy lời khai đối với Vinh để điều tra, truy vết dịch tễ, Vinh lại khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người khác. Kết quả, tổ truy vết đã phát hiện có 18 trường hợp F1, 57 trường hợp F2, 45 trường hợp F3 có liên quan đến Vinh, trong đó, có 9 trường hợp F1 tiếp xúc gần với Vinh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2…

Phiên tòa xét xử liên quan vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Ảnh: S.M

Phiên tòa xét xử liên quan vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Ảnh: S.M

Do thời gian mở phiên tòa trễ so với thời gian ấn định, trong lúc chờ đợi, tôi ngạc nhiên trước lời nhận định của những người ngồi bên cạnh: “Giờ này mà còn xử việc lây lan, truyền nhiễm gì nữa... Làm gì mà quan trọng hóa vấn đề”. Giờ dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát là nhờ sự nỗ lực, quyết liệt từ cả hệ thống chính trị, nhất là việc phòng ngừa và triển khai tiêm phòng vắc xin kịp thời, đầy đủ. Lẽ nào họ lại quên những ngày dịch bệnh lây lan, bùng phát, hoành hành; biết bao người phải chết thương tâm, sức khỏe suy giảm, kinh tế trì trệ và hiện vẫn còn đó nhiều cảnh đời bất hạnh, khốn khó, trẻ em mồ côi cần được hỗ trợ. Để đẩy lùi dịch bệnh, cả hệ thống chính trị phải gồng mình, chung sức, đồng lòng và huy động mọi lực lượng tham gia phòng, chống; những người thi hành nhiệm vụ phải thức trắng bao đêm, “tìm trăm phương ngàn kế” vừa chống dịch, vừa lo cho nước, cho dân… Dịch bệnh Covid-19 là nỗi ám ảnh của toàn nhân loại, lẽ nào họ mau quên vậy sao!

Thời điểm ấy, nhiều người luôn cảm thấy âu lo khi bản thân hoặc người thân bị nhiễm Covid-19. Thay vì góp sức, góp công, tuân thủ chặt chẽ việc phòng, ngừa thì Vinh lại “gieo rắc” thêm nỗi lo cho xã hội và 9 người vì mình phải nhiễm bệnh. Về chi phí điều trị và chi phí phòng, chống dịch bệnh đối với những người nhiễm bệnh có liên quan đến Vinh là trên 230 triệu đồng. Nhưng bệnh Covid-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A (Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007) nên số tiền được Nhà nước chi trả. Hành vi của Vinh xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước về công tác phòng, chống dịch, đi ngược với nguyện vọng và nỗ lực phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Đồng thời, hành vi đó còn làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội ở địa phương, gây tâm lý hoang mang cho quần chúng nhân dân thì cần được cảm thông hay đáng phải bị lên án.

Nhiều người hay xót thương cho hoàn cảnh khó khăn của người phạm tội, nhất là nghe được lời hối hận của bị cáo khi đối diện trước cảnh tội tù. Nào ai biết, muốn đưa “sự thật ra ánh sáng”, lực lượng chức năng phải “hao tâm tổn trí” trong đấu tranh cùng tội phạm nhiều ngày đêm. Đôi lúc, gương mặt âu sầu, bi thương tại tòa có thể sẽ khác hoàn toàn so với sự ương ngạnh, gai góc của những ngày trong giai đoạn điều tra. Mức án 2 năm 6 tháng tù dành cho Vinh về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, có người dự khán xuýt xoa “sao nặng thế” mà quên đi hậu quả xã hội, nhiều người phải gánh chịu do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

Trong cuộc sống, không biết bao nhiêu số phận, cuộc đời, hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, nhất là trong tình hình dịch bệnh vừa qua nhưng họ vẫn phấn đấu vươn lên sống tốt và sống có ích cho đời. Xã hội và pháp luật không thể chấp nhận được các hành vi đi ngược lại nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và muốn sống ngoài pháp luật để rồi hối hận thì đã quá muộn màng.

S.M

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/cam-thong-hay-len-an-58762.html