Cạm bẫy sắc màu và mùi vị - Bài 2: Đẩy lùi thuốc lá điện tử, xây dựng xã hội khỏe mạnh

Với những hiểm họa nghiêm trọng của thuốc lá điện tử, mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần chung tay trong nỗ lực đẩy lùi chất gây nghiện nguy hiểm này ra khỏi xã hội.

Hút thuốc lá điện tử. Ảnh: TTXVN phát

Việc sử dụng thuốc lá điện tử đã trở thành một thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với sức khỏe và phát triển của xã hội, đặc biệt là với giới trẻ. Hiểu được những hiểm họa nghiêm trọng thuốc lá điện tử gây ra đối với sức khỏe, môi trường, lối sống và hành vi của con người, đặc biệt là đối với giới trẻ, mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần chung tay trong nỗ lực đẩy lùi chất gây nghiện nguy hiểm này ra khỏi xã hội.

* Một loạt các vụ ngộ độc thuốc lá điện tử

Thời gian qua, đã có hàng loạt vụ việc học sinh phải nhập viện liên quan đến thuốc lá điện tử. Tại Hà Nội từng xảy ra sự việc 7 học sinh Trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) bị buồn nôn, đau đầu phải nhập viện kiểm tra sức khỏe sau khi nghịch thuốc lá điện tử.

Vào năm 2023, một số học sinh của Trường Trung học Phổ thông tại Hà Đông (Hà Nội) sau khi sử dụng thuốc lá điện tử có biểu hiện mệt, buồn nôn, ngã ra sàn lớp học và phải nhập viện cấp cứu. Hay, tại Quảng Ninh, cũng từng xảy ra sự việc 4 học sinh lớp 9 nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.

Vừa qua, một bệnh nhân nam N.T.H (18 tuổi) cũng được người nhà đưa tới Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ (Hà Nội) do đột ngột xuất hiện tình trạng mất ý thức kèm co giật toàn thân. Cơn co giật kéo dài trong vòng 3 phút, sau đó em H rơi vào trạng thái mệt mỏi, lơ mơ kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết trước khi xuất hiện cơn co giật có hút thuốc lá điện tử. Điều đáng nói, loại thuốc được sử dụng trong lần này là loại mới, kèm theo tăng liều lượng.

Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cảnh báo: “Trẻ đến trường có thể được bạn mời sử dụng thuốc lá điện tử và chúng ta không biết được liệu trong đó có bị trộn ma túy tổng hợp không. Đáng lo ngại là các bậc phụ huynh đôi khi không nắm được và cũng không thể có thời gian theo con mãi để kiểm soát được”.

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, tổng hợp từ báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, 27 ca nhập viện dưới 16 tuổi; nhiều nhất là từ 65 tuổi trở lên với 580 người. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ đã gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%. Đây là con số đáng lo ngại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá, nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma túy.

Tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh...

* Thúc đẩy lối sống lành mạnh

Hút thuốc lá điện tử. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại phiên giải trình về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đã triển khai nhiều công việc để tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước, từ việc điều tra nắm bắt tình hình, nghiên cứu thực trạng trên thế giới, phối hợp xây dựng báo cáo để trình Chính phủ.

Bộ cũng tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung tình hình thực tiễn, cập nhật và có giải pháp với những vấn đề mới. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, với những tác hại rõ ràng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì phải cấm, không thể “quản lý” rồi lại đưa ra thị trường.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ quan điểm của Bộ luôn nhất quán là phải cấm sản xuất, kinh doanh, mua bán, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các chuyên gia đánh giá, một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là thiếu hệ thống giám sát hiệu quả và quản lý rủi ro liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em. Hiện nay, chưa có cơ quan nào tại Việt Nam được ủy quyền đặc biệt để giám sát và quản lý vấn đề này. Trách nhiệm quản lý được phân tán qua nhiều bộ, cơ quan và tổ chức khác nhau, dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng này. Trước khi có hệ thống pháp luật thống nhất liên quan đến việc kiểm soát và quản lý thuốc lá điện tử, việc ban hành và thực thi các quy định nghiêm ngặt về việc cấm bán, quảng cáo, và sử dụng thuốc lá điện tử đối với nhóm tuổi vị thành niên phải được thực hiện một cách chặt chẽ. Gia đình cần đồng hành cùng nhà trường để quản lý con, em mình tránh xa thuốc lá điện tử. Cũng theo các chuyên gia, các tổ chức xã hội cần tăng cường các chương trình giáo dục và thông tin công khai nhằm nâng cao nhận thức về nguy hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là đối với nhóm tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên. Chính phủ cần giám sát và kiểm tra thị trường để ngăn chặn việc buôn bán và phân phối thuốc lá điện tử một cách trái phép, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác về các biện pháp phòng chống thuốc lá điện tử. Để đối phó hiệu quả với tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ rất cần sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Mỗi cá nhân cũng phải hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Việc từ chối sử dụng thuốc lá điện tử, thúc đẩy một lối sống lành mạnh không chỉ là lợi ích cá nhân, còn là một cách góp phần tích cực vào việc xây dựng một xã hội khỏe mạnh, phát triển bền vững.

Hạnh Quyên/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cam-bay-sac-mau-va-mui-vi-bai-2-day-lui-thuoc-la-dien-tu-xay-dung-xa-hoi-khoe-manh/332189.html