'Cái thuở ban đầu... lưu luyến ấy!'

Với tư duy mạnh dạn đổi mới của lãnh đạo và sự năng động của đội ngũ phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên; Đài, Báo Đồng Nai đã từng đi trước, đi đầu về nhiều mặt so với báo chí địa phương cả nước, trong đó có lĩnh vực thông tin thể thao.

Tác giả cùng CĐV M.U trong chuyến du đấu mùa hè 2023 của Quỷ đỏ tại Melbourn, Australia

* Từ SKADA 1984…

Tháng 6-1984, tôi về Đài Phát thanh Đồng Nai (6 năm sau, đầu năm 1995, mới chính thức phát sóng truyền hình) với nhiệm vụ đầu tiên là tổ chức tổ tường thuật bóng đá trực tiếp chuẩn bị cho SKADA 1984 - Giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa ra đời từ năm 1962 - diễn ra vào cuối năm.

Ngày ấy, chỉ Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM là “dám” tường thuật bóng đá trực tiếp, tôi về TP.HCM mong học hỏi, nhưng đúng chất Nam bộ, các anh vỗ vai: “Kinh nghiệm gì đâu, cứ làm tới thôi”.

Sau nhiều tháng tìm kiếm bình luận viên (thực ra là “tường thuật viên”), lỉnh kỉnh máy móc ra sân Biên Hòa làm y như thật, cuối cùng sau khi nghe băng, Ban giám đốc Đài (các chú: Năm Lực, Út Thiện, Sáu Minh) thông báo quyết định… “Chỉ có cháu nghe ổn thôi, một mình làm luôn” (ban đầu tôi chỉ phải thỉnh thoảng xen vào bình luận chứ không phải tường thuật chính).

Đội ngũ phóng viên thể thao cả nước (cả phóng viên ảnh) có lẽ đông đảo nhất trong các lĩnh vực; nhưng những nhà báo thể thao làm nên thương hiệu, bộ mặt của tờ báo là không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến Huyền Vũ, Chánh Trinh, Tường Vy (đã mất), Hồ Nguyễn, Hoài Lê, Anh Ngọc…

Đám tang của cố nhà báo Chánh Trinh (Lý Quý Chung, một cộng tác viên nhiệt thành của Báo, Đài Đồng Nai) có một người bán báo dạo tìm đến, mong muốn thắp một nén nhang để cảm ơn vì chính những bài viết thể thao của nhà báo giúp ông bán báo đắt, nuôi sống gia đình. Với riêng tôi, sinh thời nhà báo Chánh Trinh trong một lần trò chuyện từng cho bài học vỡ lòng: một bài báo thể thao hay là tìm ra, viết được những gì mà người xem trên sân cũng như theo dõi trên truyền hình… không thấy(!)

Do đó, phóng viên thể thao tưởng dễ mà không dễ, ngoài am hiểu chuyên môn phải có sự say mê và kiến thức văn hóa - xã hội rộng để có cái nhìn không chỉ là những thông số, chiến thuật để bài viết có chất “đời”.

Thuở bé, nhà tôi ở đường Nguyễn Kim (Q.10, TP.HCM) sát cạnh sân Cộng Hòa (Thống Nhất bây giờ). Xóm lao động thành thị nên mấy ai được vào sân xem, chỉ tụ tập một tai nghe tiếng reo hò ầm ĩ trong sân bên kia đường, tai còn lại dán vào chiếc radio nghe ông Huyền Vũ tường thuật mà mường tượng. Ngờ đâu có một ngày mình lại cầm micro, lại ở một sự kiện bóng đá quốc tế tầm cỡ (SKADA 1984 là lần cuối cùng giải đấu quy tụ những đội bóng quân đội các nước xã hội chủ nghĩa mà gần như là các đội tuyển quốc gia rất mạnh ở châu Âu thời đó như: Liên Xô, Hungary (vào chung kết), Tiệp Khắc, Bulgaria cùng Angola, Cuba...).

Ngày mở màn, sân Đồng Nai như mở hội, chật kín gần 30 ngàn khán giả. Đại tá Nguyên Thanh Hồng (lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, sau này làm Giám đốc Sở GT-VT) đọc diễn văn khai mạc. Trong không khí long trọng, im như tờ, bỗng đâu khi ông cất tiếng thì giọng tôi trên sóng phát thanh không hiểu sao xen vào, vang ầm ầm trên sân vận động, át cả tiếng lãnh đạo. Trước sự cố kỹ thuật “chập đường tiếng” bất ngờ ngay lúc vào đầu này, một “thằng nhóc” 21 tuổi, lần đầu tiên làm trực tiếp thực sự… kinh hãi, như tê cứng. Đúng lúc ấy, bên dưới khán đài, chú Út Thiện (Phó giám đốc Đài) và anh Vũ Khánh (khi ấy là Phó trưởng phòng Biên tập) liên tục vẫy tay thúc giục, quát lên với tôi: “Cứ nói, cứ nói…!”.

Bài học đầu tiên về nguyên tắc không được để trống sóng phút nào trước hàng trăm ngàn, hàng triệu người đang theo dõi (so với tại hiện trường chỉ là 30 ngàn người) tôi đã được học bằng “tai nạn nghể nghiệp” như thế. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Đồng Nai tác nghiệp một sự kiện thể thao quốc tế.

* …Đến SEA Games 19 - 1997

Đó là kỳ SEA Games đầu tiên có 2 VĐV Đồng Nai tham dự ở môn thể hình và taekwondo (đều là “của nhà trồng được”). Báo chí tỉnh được “ưu ái” cho… “nửa suất” (kinh phí) nhưng vì trách nhiệm của “phóng viên đầu tiên” tác nghiệp ở nước ngoài nên phải làm nhiệm vụ “3 trong 1”: phát thanh, truyền hình (quay phim, biên tập kiêm luôn cả MC dẫn, tường thuật) và báo viết (Tổng biên tập Báo Đồng Nai Nguyễn Thiện Nhựt còn quyết định mở 2 trang chuyên đề). Ngày ấy chưa có e-mail, wifi…, phải ra trung tâm báo chí fax, nửa đêm tìm đến tận khách sạn người về gửi tay băng hình rồi người ở nhà lên sân bay Tân Sơn Nhất đón, nhận). Khổ cho người ở “chiến trường” mà cả những anh em biên tập, hậu kỳ ở “hậu phương”.

Cho đến giờ nghĩ lại, thú thật tôi vẫn không hiểu mình lấy đâu ra sức lực để một mình tác nghiệp, ăn lúc 0 giờ và gần như không ngủ, trong gần nửa tháng trên đất Indonesia. Có lúc, tôi chỉ muốn quăng cái camera M170 cho nhẹ gánh, ngày cuối cùng được cảnh sát hộ tống, che khiên cho vào sân giữa hiệp trận chung kết bóng đá nam giữa Indonesia và Thái Lan, tôi ngủ gục trên sân, cho đến khi một CĐV Indonesia vằn vện nhảy xuống khều vai xin thuốc lá mới biết chuyện gì đang xảy ra. Giờ có lẽ sức khỏe đang phải trả giá, nói như chị Thy Đường - một cựu cán bộ ngân hàng ở Đồng Nai đồng thời là nhà văn, nhà thơ, nhà báo thể thao tay trái, đó là “thân nghiệp”. Nhưng nếu trở lại 26 năm trước, tôi vẫn sẽ như thế và tin rằng bất cứ phóng viên nào ở hoàn cảnh ấy cũng sẽ như vậy. Bởi, đổi lại là niềm vui và tự hào nghề nghiệp khi được hát quốc ca, chứng kiến tấm HCV đầu tiên của Lương Thế Vinh trong môn billiards, là phóng viên Việt Nam duy nhất đưa về thông tin dự đoán và ghi được những hình ảnh về cuộc bạo loạn lịch sử trên sân Senayan (nay là Gelaro Bung Karno) và sau đó trên các đường phố Jakarta…

Giờ thì những chuyện ban đầu ấy đã là kỷ niệm, thậm chí trở thành ngây ngô. Ra nước ngoài, tác nghiệp SEA Games của Đài PT-TH Đồng Nai đã là bình thường. Trang Thể thao Báo Đồng Nai cập nhật đầy đủ thông tin trong tỉnh, trong nước, quốc tế; thậm chí website Báo còn thực hiện tin nhanh EURO 2016 ngay tắp lự sau khi các trận đấu vừa kết thúc trên đất Pháp, World Cup 2022 vừa rồi còn có cộng tác viên “ruột” đưa tin từ Qatar.

Với những tiến bộ của kỹ thuật - công nghệ truyền thông, thông tin ngồn ngộn, báo chí thể thao Đồng Nai không còn “đánh du kích”, tiến lên “chính quy, hiện đại”; nhưng quyết định, làm nên sự khác biệt vẫn là yếu tố con người, cái tâm và sự say nghề.

Minh Chung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202306/cai-thuo-ban-dau-luu-luyen-ay-3169324/