Cải thiện chất lượng dân số từ mức sinh

Tổng tỷ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Cục Dân số (Bộ Y tế) cảnh báo, mức sinh ở vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục xuống sâu trong năm nay (khoảng 1,5 con/phụ nữ).

Ảnh: minh họa

Theo chuyên gia dân số, giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam nhanh hơn thế giới và ngày càng rõ nét. Trong thời gian qua, Việt Nam đã khống chế cấp độ gia tăng dân số thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và duy trì cho đến nay.

Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với sự chênh lệch mức sinh giữa các tỉnh, thành phố. Qua điều tra, 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao; 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số nơi rất thấp so với cả nước như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh (1,27 con/phụ nữ).

Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa, suy giảm quy mô dân số. Tình trạng này tác động tiêu cực tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Chỉ còn khoảng 10 năm nữa, Việt Nam sẽ qua thời kỳ “dân số vàng” và bắt đầu đối diện với già hóa dân số. Thậm chí, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới. Thế nên, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước...

Trước bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đưa ra nhiều chính sách để tác động nhằm tăng mức sinh. Nhiều quốc gia có mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Như chính phủ Hàn Quốc tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tại Hungary, phụ nữ sinh 4 con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời...

Dự thảo Luật Dân số (sửa đổi) đang được Bộ Y tế tham mưu xây dựng, trong đó đề xuât khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai do trong quá trình mang thai cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe. Cùng đó, dự thảo đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao, khoảng 7,7%. Trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%.

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).

Theo đó, giải pháp chủ yếu là tập trung tuyên truyền lợi ích của việc sinh đủ 2 con; động viên nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn (trước 30 tuổi), không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ...

Đặc biệt, ngành dân số các địa phương cần triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Đồng thời, có những giải pháp can thiệp, hỗ trợ để giúp cho cá nhân, cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc làm cha mẹ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cai-thien-chat-luong-dan-so-tu-muc-sinh-post474821.html