Cái Tết của những 'ông bố nhí' trên đỉnh trời Simacai

Hơn một năm sau, ông bố nhí ngày nào giờ đã cao vổng lên nhiều. Cậu bé cũng đã có cơ hội đến trường trở lại vì sự trở về của cha mẹ và anh trai. Một cái Tết rất khác đang đến với anh em Páo.

Sau 1 năm, những ông bố nhí trên đỉnh Simacai đã có thể nở nụ cười tươi hơn để đón cái Tết đang gần về. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau 1 năm, những ông bố nhí trên đỉnh Simacai đã có thể nở nụ cười tươi hơn để đón cái Tết đang gần về. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cuối năm 2018, trong lần gặp gỡ đầu tiên với chúng tôi, Páo giống như một ông bố nhí, một mình chăm chút cho 3 đứa em nhỏ dại. Bố mẹ bỏ đi làm ăn xa, ruộng nương hoang phế. Páo bỏ học để gánh vác trách nhiệm những người lớn đã vô tình bỏ lại.

Hơn một năm sau, ông bố nhí ngày nào giờ đã cao vổng lên nhiều. Cậu bé cũng đã có cơ hội đến trường trở lại vì sự trở về của cha mẹ và anh trai. Một cái Tết rất khác đang đến với Páo và bầy em nheo nhóc trên đỉnh trời.

Ông bố nhí bất đắc dĩ tuổi 11

Trước đó, trong loạt Những đứa trẻ gánh cả gia đình trên đỉnh Simacai, VietnamPlus đã có bài phản ánh về trường hợp của bé Giàng Seo Páo, khi ấy mới 11 tuổi tại xã Sán Chải, huyện Simcai, Lào Cai. Do bố mẹ cùng anh trai bỏ sang Trung Quốc làm thuê nên Páo đã buộc phải bỏ học, trở thành “trụ cột” cho bầy em nhỏ.

Bố của Páo, Giàng Seo Trá cũng giống như rất nhiều đồng bào người Mông Simacai đã có thâm niên hàng chục lần vượt sông Chảy sang đất khách quê người làm mướn. Đầu năm 2018, khi thóc trong nhà đã vơi đi, ngô trên gác bếp cũng chỉ còn lác đác, Trá lại giục vợ lên đường. Thậm chí, đứa con cả Giàng Seo Phừ khi ấy mới có 13 tuổi cũng phải khăn gói sang Vân Nam (Trung Quốc) để... trông em cho bố mẹ đi làm.

Do bố mẹ và anh trai bỏ sang Trung Quốc kiếm việc làm, những đứa trẻ này phải tự đóng vai ông bố nhí để gồng gánh nuôi nhau trên đỉnh trời Simcai (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Do bố mẹ và anh trai bỏ sang Trung Quốc kiếm việc làm, những đứa trẻ này phải tự đóng vai ông bố nhí để gồng gánh nuôi nhau trên đỉnh trời Simcai (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Páo kể: Vào một sáng tháng 2, anh em Páo thức dậy mà chẳng thấy bố mẹ, Phừ và cậu em út còn đỏ hỏn đâu nữa. Như mọi lần, Páo biết: Những thành viên lớn nhất trong cái gia đình bé nhỏ này lại có một chuyến đi xa và sẽ rất lâu mới trở về. Trước ngày vượt biên, Trá cùng vợ đã mua cho anh em Páo một bao gạo đầy đồng thời để lại một khoản tiền nho nhỏ. Páo sẽ có nhiệm vụ dùng số tiền ấy mua cá khô về cho các em ăn.

Sau buổi sáng chia đôi gia đình ấy, Páo chính thức được lên chức “ông bố nhí” chịu trách nhiệm chăm sóc cho 3 đứa em dưới mình. Và việc đầu tiên thằng bé làm ở trên cương vị mới đó là: Nghỉ học.

Ngày ngày, thay vì đến lớp, Páo dắt lũ em nheo nhóc lên đồi mót rau dại, bắt chuột, bắt chim. Tối tối, đám trẻ lại líu ríu, co ro với nhau trong căn nhà trống huếch hoác được quây tạm bằng những tấm bạt xanh đỏ đã cũ sờn.

Vào thời điểm đó, khi chúng tôi tới thăm 4 đứa trẻ sót lại của đại gia đình “xuất ngoại” bản Sín Tẩn, Páo đang ở trên nương xa. Lúc này, cậu bé lớn nhất là Giàng Seo Dơ mới 7 tuổi đã đứng ra nhận trách nhiệm “đón khách” một cách rất… chững chạc. Dơ lũn chũn chạy đi gọi hai đứa em đang nghịch cát gần đó về… nhận quà.

Khác với 2 anh trai mình, Dơ may mắn hơn vì hiện vẫn còn đang theo học lớp 2 trường tiểu học Sán Chải. Cậu bé cũng có thể tự viết tên mình và tên em gái vào cuốn sổ của chúng tôi bằng nét chữ nguệch ngoạc.

Giàng Seo Vư - đứa trẻ út tội nghiệp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giàng Seo Vư - đứa trẻ út tội nghiệp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bé nhất trong lũ trẻ là Giàng Seo Vư, năm nay mới 4 tuổi, luôn cởi truồng để lộ ra nước da xám ngắt. Do bị dị tật từ nhỏ nên toàn bộ phần ngón tay, ngón chân của bé bám dính vào nhau như chiếc càng cua khiến cho việc cầm nắm, thậm chí đi lại đều hết sức khó khăn. Chị gái Vư là Giàng Thị Mảo cũng không may mắn hơn khi bị mắc chứng hở hàm ếch môi trên. Cả ba đứa trẻ đều gầy quắt, chân tay cong queo như cành củi khô, chi chít những vết sứt sẹo và loang lổ gân xanh.

Páo bảo: Nếu mình không nghỉ học thì các em sẽ phải nghỉ. Sẽ không có ai nấu cơm cho các em mang đi mỗi sáng trong tuần. Cũng sẽ chẳng có người chuẩn bị bữa tối cho 3 đứa nhỏ cả.

“Cháu chỉ mong bố mẹ về để đi học lại,” Páo ủi xìu trong buổi chiều đông hơn 1 năm về trước.

Tết đoàn viên của ông bố nhí

Tết này, trong chuyến đi công tác ngắn ngày tại Lào Cai, chúng tôi lại quay trở về bản Sín Tẩn để tìm gặp lại nhân vật nhí đặc biệt của mình. Sau hơn 1 năm, ngôi nhà trình tường của anh em Páo vẫn xác xơ, nứt nẻ trên ngọn núi cao nhất nhì huyện lỵ Simcai. Gió thông thống lùa vào bên trong khiến đám bụi tro bay tứ tán.

Thấy người quen, lũ trẻ líu ríu gọi nhau về rồi rất... người lớn mời chúng tôi vào chơi. Páo hớn hở khoe: “Bố mẹ cháu về được vài hôm rồi. Cả anh Phừ cũng về luôn. Hôm nay, bố mẹ đưa 2 em xuống chợ chơi rồi.”

Nói đoạn, Páo chỉ vào một cậu bé đen đúa đang địu em trên lưng kể tiếp: “Anh Phừ về nên giờ việc nấu cơm cho các em là của Phừ.”

Sau 1 năm, Giàng Seo Phừ đã trở về và thay Páo trở thành ông bố nhí, cho các em tiếp tục có cơ hội đến trường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau 1 năm, Giàng Seo Phừ đã trở về và thay Páo trở thành ông bố nhí, cho các em tiếp tục có cơ hội đến trường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giàng Seo Phừ, cậu anh lớn trong đại gia đình thoáng đỏ mặt. Phừ bảo: Năm nay, bố mẹ cậu đưa cả nhà về Việt Nam sớm để chuẩn bị Tết cho các em.

“Đi cả năm rồi, cũng phải về đón Tết chứ,” Phừ hồn nhiên nói.

Sau chuyến “xuất ngoại” sang Vân Nam, vợ chồng Seo Trá quay lại bản Sín Tẩn với chiếc nồi cơm điện mới tinh – thứ mà Páo, Dơ, Vư và Mảo chưa từng thấy bao giờ. Ngoài chiếc bóng đèn già cỗi, tối tù mù treo trên xà gồ, đây cũng là thứ đồ điện hiếm hoi xuất hiện trong ngôi nhà cũ kỹ. Lũ trẻ mắt tròn mắt dẹt hết mở ra lại đóng vào và chỉ đợi đến tối để xem chiếc nồi thần kỳ xình xịch... thổi cơm chín.

- Lạ lắm, cho gạo với nước vào, cắm rồi bật cái nút là có cơm ăn. Chúng cháu không phải chẻ củi nấu cơm ăn nữa rồi – Páo líu ríu kể về “chiếc nồi thần” mà cậu chưa từng hình dung về sự tồn tại của nó.

Vì quá... thần kỳ, lũ trẻ cẩn trọng để nồi cơm điện trên một chiếc ghế riêng biệt, trái ngược với đủ thứ nồi niêu cáu bẩn đầy váng dầu vứt ngổn ngang trên cái bếp đắp từ đất sét ngay gần đó. Chúng cũng chỉ dám sử dụng khi bố mẹ cho phép và luôn lau chùi sạch bóng mỗi khi xong việc.

Chiếc nồi cơm điện như một thứ báu vật thần kỳ với lũ trẻ nghèo trên đỉnh núi. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Chiếc nồi cơm điện như một thứ báu vật thần kỳ với lũ trẻ nghèo trên đỉnh núi. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Ngoài thứ “báu vật” ấy, Trá còn mang về thêm một khoản tiền dắt lưng. Ngày hôm nay, Trá đưa vợ con xuống chợ, mua quần áo mới và bánh kẹo cho lũ trẻ ở nhà chuẩn bị đón Tết người Mông cổ truyền.

- Bố mẹ sẽ mua gì cho anh em Páo?

- Sáng nay, bố mẹ bảo sẽ có áo mới, có bánh kẹo. Còn gà thì không có đâu.

- Thế bố mẹ có đi nữa không?

- Không chú ạ! Bố mẹ bảo sẽ ở lại làm nương đợi chúng cháu lớn mới đi tiếp.

Đáng mừng hơn, sự trở về của những người lớn đã giúp Páo lại tiếp tục được đến trường. Nhiệm vụ “ông bố nhí” lần này được trao lại cho người anh Giàng Seo Phừ. Mặc dù cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo – thất học và những cuộc di cư đi tìm mưu sinh vẫn chưa thôi ám ảnh, nhưng ít nhất, những cậu bé người Mông như Páo đã có thể tìm được đường tới lớp.

Chiều dần xuống. Nắng dẻ quạt dần dần bị dập lụi đi bởi sương rừng. Lũ trẻ vẫn cứ líu ríu kể về đủ thứ kẹo ngon chúng sẽ được ăn trong dịp Tết tháng 1 này. Có lẽ, lũ trẻ ấy sẽ được đón một cái Tết sum vầy và vui vẻ nhất từ trước tới nay.

Phía bên ngoài, những cánh đào rừng vẫn đang le lói cháy hồng rực, báo Xuân đang về trên đỉnh Simacai...

Niềm vui đang trở về cùng mùa xuân trên rẻo cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Niềm vui đang trở về cùng mùa xuân trên rẻo cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sơn Bách (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cai-tet-cua-nhung-ong-bo-nhi-tren-dinh-troi-simacai/619362.vnp