Cải tạo, nâng cấp các công viên đô thị: Vì mục tiêu đô thị xanh, thông minh, bền vững

Với mục tiêu đô thị xanh, thông minh, bền vững Hà Nội đang tập trung nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công viên, vườn hoa để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ người dân.

Hà Nội khuyến khích đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Ảnh: Triệu Tâm

Hà Nội khuyến khích đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Ảnh: Triệu Tâm

Cải tạo nhiều công viên, vườn hoa

Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân. Điển hình là việc cải tạo, nâng cấp công trình vườn hoa Lê Trực, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường đô thị văn minh “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đây cũng sẽ là một điểm nhấn trong không gian đô thị của phường Điện Biên, nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài quận.

Được biết, đến nay, quận Ba Đình đã tiến hành cải tạo 2/5 vườn hoa xung quanh hồ Trúc Bạch; xây mới 6 vườn hoa tại khu vực phường Vĩnh Phúc, phường Kim Mã; chuẩn bị tiến hành cải tạo các vườn hoa: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Vạn Xuân, Công viên Indira Gandhi… và xây mới thêm nhiều vườn hoa mở theo Quy hoạch phân khu H1-2.

Vào đầu năm 2023, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành cải tạo Vườn hoa Diên Hồng, trở thành địa điểm hấp dẫn du khách. Quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành phương án thiết kế, chuẩn bị khởi công cải tạo Vườn hoa Tao Đàn, nằm trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, tiếp giáp các phố Lý Thường Kiệt, Phan Huy Chú và Lê Thánh Tông, kết nối không gian kiến trúc cảnh quan khu vực với Trường đại học Dược, Đại học Tổng hợp. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Các vườn hoa Bác Cổ, Cửa Nam đang trong quá trình chuẩn bị khởi công, các vườn hoa còn lại tiếp tục nghiên cứu phương án cải tạo, nâng cấp trong năm 2024, 2025.

Với mục tiêu đô thị xanh, thông minh, bền vững, HĐND thành phố (TP) Hà Nội vừa thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư công, trong 3 năm (2024 - 2026), 886,4 tỷ đồng sẽ được dùng để cải tạo 3 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ và Bách Thảo. Sự kiện này được đánh giá sẽ đáp ứng mong muốn, tâm tư nguyện vọng của người dân Thủ đô về một TP "xanh - sạch - đẹp", TP vì hòa bình.

Được biết, Hà Nội sẽ dành hơn 408 tỷ đồng để cải tạo công viên Thống Nhất, gần 330 tỉ đồng cải tạo công viên Thủ Lệ và gần 149 tỉ đồng cho công viên Bách Thảo.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Ban Quản lý dự án dân dụng TP Hà Nội cho biết, công viên Bách Thảo nằm trong địa bàn phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, đây là trung tâm chính trị, do vậy việc mở rào công viên không bảo đảm được vấn đề an ninh, trật tự. Đối với công viên Thủ Lệ theo hướng vừa mở, vừa đóng. Có nghĩa là sẽ mở phần tiếp giáp với Kim Mã và đường Nguyễn Văn Ngọc. Toàn bộ khu vực nuôi thú sẽ thu vé và được đầu tư để bảo đảm cho khách du lịch đến thăm quan.

Huy động mọi nguồn lực

Với nỗ lực trong năm 2023 phải làm “sống lại” các công viên, TP Hà Nội đang tập trung nguồn lực, đa dạng các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công viên, vườn hoa để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ người dân.

Đáng chú ý, để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, TP Hà Nội khuyến khích đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, TP sẽ thực hiện thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, xã hội hóa là xu hướng tất yếu trong công tác phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị tại Hà Nội. Tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh chủ trương này, TP cần tính toán có thêm các ưu đãi ngoài việc doanh nghiệp được khai thác, kinh doanh phần công trình xây dựng, với mật độ xây dựng 5% như hiện nay.

KTS Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án TP sống tốt thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, để đạt được các mục tiêu về diện tích và phân bổ cây xanh và công viên trong khu vực nội thành, Hà Nội cần có chính sách ưu tiên sử dụng quỹ đất công để tạo ra nhiều công viên và không gian công cộng hơn. Các diện tích đất công có thể được sử dụng cho công viên như quỹ đất có được từ việc di dời những cơ sở công nghiệp, diện tích đất công còn lại nằm xen kẽ trong các khu dân cư cho việc phát triển vườn hoa, sân chơi.

KTS Lã Thị Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho hay, để đẩy nhanh công tác phát triển hệ thống công viên, cây xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước. Sự tham gia của các DN, tập đoàn lớn có vị trí quan trọng, do đó, TP cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào hệ thống công viên, cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí gắn liền với công viên.

“Hà Nội cũng đã từng rất thành công khi huy động nguồn lực từ các DN kè hồ hay chủ trương kêu gọi nguồn lực cho bổ sung phát triển cây xanh đường phố. Vì vậy cần xây dựng cơ chế huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng vào việc thực hiện quy hoạch công viên, cây xanh” - KTS Lã Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đang thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công viên xây mới, hoàn thành các dự án đúng kế hoạch; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.

KTS Nguyễn Thanh Tú, giảng viên bộ môn Quy hoạch, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, song song với xây dựng các công viên, chúng ta cũng cần lựa chọn các địa điểm phù hợp để người dân có thể đầu tư vào, với các bộ tiêu chí và có sự giám sát chặt chẽ từ cộng đồng.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cai-tao-nang-cap-cac-cong-vien-do-thi-vi-muc-tieu-do-thi-xanh-thong-minh-ben-vung-355802.html