'Cai nghiện' khí đốt Nga, EU tốn thêm hàng trăm tỷ USD

Liên minh châu Âu (EU) đã phải trả thêm gần 200 tỷ USD cho nhập khẩu khí đốt kể từ khi khối này áp đặt các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng từ Nga, theo số liệu Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat).

Nhập khẩu khí hóa lỏng cao kỷ lục từ Nga

Khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Nga xuất khẩu sang EU đạt kỷ lục lên tới 1,75 triệu tấn trong tháng 11. Kỷ lục trước đó được xác lập vào tháng 12/2022, khi Nga xuất khẩu 1,737 triệu tấn LNG sang khu vực này, hãng tin Kommersant dẫn số liệu từ công ty dữ liệu Kpler cho hay.

Tàu chở dầu LNG của Nga.

Tàu chở dầu LNG của Nga.

Trong đó, Pháp và Bỉ là hai nước mua nhiều khí hóa lỏng của Nga nhất. Hai nước này nhận LNG từ các doanh nghiệp ở bán đảo Yamal và thị trấn Vysotsk. Các cơ sở này được vận hành bởi Novatek, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga.

Trong tháng 11, tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga tới thị trường toàn cầu đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 2,914 triệu tấn. Tuy nhiên, việc giao LNG của Nga sang Trung Quốc đã giảm mạnh xuống 0,1 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với 0,8 triệu tấn của tháng trước.

Ông Viktor Katona, chuyên gia phân tích của Kpler, cho rằng việc chuyển hướng hàng LNG của Nga sang các thị trường khác không phải là do nhu cầu tại Trung Quốc yếu, mà là do sức hấp dẫn ngày càng cao của thị trường EU.

Chuyên gia này lưu ý rằng tập đoàn năng lượng CNPC của Trung Quốc, một khách hàng mua LNG từ Yamal, trước đó đã từng chuyển hướng một số chuyến hàng từ Nga sang các thị trường sinh lời cao hơn, đồng thời bù đắp lượng LNG này cho thị trường Trung Quốc từ các nguồn khác.

Trên sàn giao dịch năng lượng TTF (Hà Lan), hợp đồng LNG giao hàng tháng 11 có giá bằng hoặc cao hơn giá LNG giao ngay cho châu Á trong một số ngày, theo chuyên gia năng lượng độc lập Aleksandr Sobko. Thị trường EU trở nên hấp dẫn hơn do chi phí vận chuyển từ Yamal đến đó đã thấp hơn đáng kể.

Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục mua LNG của Nga từ dự án Sakhalin-2 theo hợp đồng dài hạn với Gazprom. Nguồn cung sang Nhật Bản trong tháng 11 tăng 22% so với cùng kỳ lên 0,64 triệu tấn. Trong khi, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 50% lên 0,28 triệu tấn.

Tốn thêm gần 200 tỷ USD

Theo Eurostat, EU đã chi 304 tỷ euro (328 tỷ USD) để nhập khẩu khí đốt kể từ tháng 2/2022, trong đó khoản chi trả vượt mức do lệnh trừng phạt chống Nga lên tới 185 tỷ euro (gần 200 tỷ USD). Con số này vừa bằng số tiền mà EU bỏ ra để mua nhiên liệu trong gần 5 năm trước đó.

EU đã chi 304 tỷ euro (328 tỷ USD) để nhập khẩu khí đốt kể từ tháng 2/2022.

EU đã chi 304 tỷ euro (328 tỷ USD) để nhập khẩu khí đốt kể từ tháng 2/2022.

Cụ thể, chi phí nhập khẩu khí đốt trung bình hàng tháng của EU kể từ tháng 2/2022 (thời điểm bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga) đã tăng thêm 15,2 tỷ euro, trong đó 7,7 tỷ euro là khí tự nhiên hóa lỏng, 7,5 tỷ euro còn lại là khí đốt qua đường ống.

Trong khi tại thời điểm trước khi châu Âu bắt đầu áp dụng lệnh trừng phạt thì các nước phải trả trung bình 5,9 tỷ euro cho khí đốt (3,6 tỷ cho khí đốt qua đường ống và 2,3 tỷ cho khí hóa lỏng).

Như vậy, trong 20 tháng, số tiền trả thêm để mua khí đốt lên tới 185 tỷ euro, tổng cộng các quốc gia trong liên minh đã chi 304 tỷ euro cho loại nhiên liệu này. Trước đây, chi phí mua khí đốt của EU từ tháng 4/2017 đến cuối năm 2021 là 186 tỷ USD, từ năm 2013 đến năm 2021 là 292 tỷ USD.

Đăng Phạm

Theo RT, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cai-nghien-khi-dot-nga-eu-ton-them-hang-tram-ty-usd-20180504224292481.htm