Cái kết bất ngờ của thống chế Pháp nổi tiếng

Với một bảng thành tích trên chiến trường, nhưng ít ai ngờ bệnh tật lại đánh gục một trong những viên thống chế nổi tiếng của Pháp trong Thế chiến Hai.

Sinh năm 1889 trong một trong một gia đình quý tộc, Jean de Lattre de Tassigny tốt nghiệp trường Võ bị Saint-Cyr và Học viện Kị binh Sammu danh tiếng. Tham gia Thế chiến thứ nhất, de Lattre bị thương 5 lần và 8 lần được tuyên dương.

Giai đoạn đầu chiến dịch tấn công Pháp của Đức quốc xã, Chuẩn tướng de Lattre chỉ huy Sư đoàn bộ binh 14 cầm chân quân Đức ở Rethel trong 1 tháng; nhưng do quân Đức quá mạnh nên phòng tuyến bị vỡ, 2.000 lính Pháp bị bắt làm tù binh. De Lattre phân tán lực lượng để kháng cự ở nhiều địa phương khác cho đến khi ký kết hiệp định đình chiến giữa chính phủ Vichy (đầu hàng Đức) và Đức quốc xã.

Thống chế Pháp de Tassigny (giữa). Ảnh: Wikipedia

Thời gian phục vụ trong chính phủ Vichy, de Lattre được thăng hàm trung tướng và làm tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Tunisia rồi chỉ huy Sư đoàn bộ binh 16 tại Montpellier. Tại đây, de Lattre bắt đầu tập hợp lực lượng chống phát xít Đức nên bị chính phủ Vichy bắt rồi tuyên án 10 năm tù giam.

Ngày 3/9/1943, de Lattre vượt ngục thành công và tìm cách liên lạc với tướng Charles de Gaulle lúc này đang ở London, Anh. Ngày 11/11/1943, de Lattre được phong đại tướng và được cử sang Algiers xây dựng, chỉ huy Tập đoàn quân (TĐQ) 1 phối hợp cùng quân Đồng minh chống phát xít.

Mùa thu năm 1944, sau chiến dịch Normandy, de Lattre chỉ huy 230.000 lính Pháp từ Bắc Phi đổ bộ lên đảo Elba ở Địa Trung Hải rồi từ đó tiến công tái chiếm vùng Provence ở miền nam nước Pháp vào ngày 16/ 8. Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Laurent Moenard đánh giá, “đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1940, một đội quân Pháp thực thụ đã chiến đấu trên đất Pháp, xóa đi dấu ấn của thất bại năm 1940”.

Sau Provence, de Lattre chia quân làm 5 cánh bao vây 35.000 quân Đức đang phòng ngự tại thành phố cảng quan trọng Toulon. Giao tranh diễn ra rất ác liệt, ngày 27/8, toàn bộ quân Đức ở Toulon phải đầu hàng, 17.000 người bị bắt làm tù binh, còn quân Pháp thiệt hại 2.700 người.

Khi lực lượng của de Lattre tiến đánh Marseilles, người dân Marseilles cũng nổi dậy, khiến quân Đức phải phân tán lực lượng, tạo cơ hội cho quân chính quy bao vây và cô lập các cứ điểm địch. Ngày 28/8, Marseilles được giải phóng, quân Pháp thiệt hại 1.825 người, nhưng bắt được 10.000 tù binh Đức.

Cuối năm 1944, để ngăn chặn bước tiến của quân Đồng minh, quân đội Đức lập một tuyến phòng thủ dài 65km, rộng 50km trên bờ tây sông Rhine. TĐQ 1 (Pháp) do Đại tướng de Lattre chỉ huy đã tấn công, áp sát sông Rhine tại phía bắc biên giới Thụy Sĩ. Tuy nhiên, do de Lattre dừng tiến công ở hướng Belfort đã tạo điều kiện cho quân Đức trụ lại được trong “cái túi Colmar” bờ tây sông Rhein.

Trong tình hình đó, Bộ tổng tư lệnh quân Đồng minh tăng cường cho de Lattre Quân đoàn 21 (Mỹ) bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm Colmar đặng khai thông con đường vượt sông Rhine tiến vào lãnh thổ Đức. Quân Đồng minh liền tăng tốc tiến công, đánh tan các tuyến phòng ngự của quân Đức và cắt đôi cụm cứ điểm Colmar vào ngày 5/2/1945.

Tình hình này buộc Tổng tư lệnh Đức ở Tây Âu là Thống chế Gerd von Rundstedt phải ra lệnh cho TĐQ 19 tháo chạy sang bờ đông sông Rhein. Quân Đức bị thiệt hại rất lớn trên đường rút lui. Đến ngày 9/2/1945, lực lượng Pháp-Mỹ cuối cùng cũng hoàn thành việc thanh toán cụm cứ điểm Colmar.

Đại tướng de Lattre dẫn 300.000 quân vượt sông Rhein, và do quân Đức đã suy yếu nên nhanh chóng lần lượt chiếm Karlsruhe, Ulm và Stuttgart trước khi vượt sông Danube tiến vào Áo.

Ngày 8/5/1945, Jean de Lattre de Tassigny đại diện cho nước Pháp cùng với các tướng lĩnh hàng đầu khác của phe Đồng minh ký kết văn kiện đầu hàng vô điều kiện của Đức quốc xã, kết thúc chiến tranh tại châu Âu.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, de Lattre đảm nhiệm vị trí tham mưu trưởng các LLVT NATO, dưới quyền thống chế Anh Montgomery. Ngày 6/12/1950, Chính phủ Pháp cử ông ta thay Carpentier và trở thành viên Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp thứ 5 ở Đông Dương.

Tuy nhiên tại đây, kế hoạch mang tên “Vị tướng tài ba của nước Pháp” dần bị phá sản. Sau đó, de Lattre lâm bệnh nặng phải trở về Pháp chữa bệnh và mất vào ngày 11/1/1952.

Để vinh thưởng cho de Lattre, chính phủ Pháp đã truy tặng ông ta quân hàm thống chế, tổ chức quốc tang kéo dài trong 5 ngày, được mô tả là đám tang dành cho quân nhân lớn nhất kể từ sau cái chết của Thống chế Foch (viên tướng Pháp nổi danh trong Thế chiến thứ nhất).

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cai-ket-bat-ngo-cua-thong-che-phap-noi-tieng-2071700.html