Cái giá của việc trả hàng trực tuyến

Tháng Giêng là thời gian để làm lại, sửa đổi và tái cam kết. Đó cũng là lúc để trả lại các thứ.

Ta có thể nhấp vào nút trả hàng đầu tiên đối với những món quà mang tính tiêu cực một cách gián tiếp và những món không cần đến của mùa lễ hội. Máy pha cà phê espresso được nâng cấp có lẽ không quá cần thiết. Cũng xin tạm biệt chiếc váy đáng mơ ước đã mua nhưng không bao giờ vừa vặn nếu không chỉnh sửa.

Theo một số ước tính, tỷ lệ trả lại hàng hóa đã tậu ở Mỹ đạt mức kỷ lục vào năm 2022, tăng gấp đôi (từ 8% lên 16% doanh số bán hàng) từ năm 2019-2022. Việc hoàn trả hàng trực tuyến đã trở nên quá dễ dàng (chỉ cần quét mã QR tải xuống) đến nỗi mọi người trả lại các mặt hàng đã mua trực tuyến với tỷ lệ gấp 3 lần họ hoàn lại những món mua ở cửa hàng.

Bởi vì việc đó thật dễ dàng và miễn phí về phía chúng ta, nên dễ khiến ta nghĩ rằng những đôi giày không mong muốn của mình sẽ được chuyển đến bất kỳ xứ sở phù thủy Oz nào đó từ nơi xuất phát của chúng, được tân trang gọn gàng như người thiếc Tin Man và gửi cho khách hàng tiếp theo. Nhưng quy trình thực tế không phải là một vòng tròn tái chế bán lẻ có đạo đức. Khi một thứ gì đó dễ dàng và “miễn phí”, nó thường đòi hỏi một cái giá khủng khiếp, nếu phần lớn chi phí là ẩn.

Chi phí khổng lồ cho việc đóng gói, xử lý và vận chuyển hàng trả lại là điều dễ hình dung. Nhưng điều mà nhiều người mua hàng trực tuyến không nhận ra là nhiều món hoàn trả không hề được bán lại. Bởi việc gửi trả hàng rất tốn kém đối với các nhà bán lẻ trực tuyến nên các công ty đã tập trung vào việc làm cho quy trình này trở nên rẻ và dễ dàng nhất có thể cho chính họ. Phần trả giá phần lớn do hành tinh này gánh chịu. Trả lại trực tuyến tạo ra 16 triệu tấn khí thải carbon, tương đương với 3,5 triệu ô tô trên đường trong cả năm.

Thông thường, người bán chỉ cần vứt món hàng đi thì sẽ rẻ hơn so với việc kiểm tra hư hỏng, đóng gói lại và bán lại. Việc vứt bỏ (đôi khi được gọi là “tiêu hủy tại hiện trường” hoặc “hư hỏng”) thường ít tốn kém hơn so với việc tái sử dụng chúng. Một số công ty khởi nghiệp đã tạo ra các dịch vụ trung gian để hợp lý hóa quy trình hoặc tăng “tính tuần hoàn” bằng cách chuyển hàng trả lại cho các bên bán lại trực tuyến hoặc những tổ chức từ thiện nhưng hàng bị tiêu hủy với số lượng lớn khủng khiếp.

Chỉ tính riêng quần áo, vào năm 2020, Mỹ đã có 2,6 triệu tấn hàng bị trả lại được đưa đến các bãi chôn lấp. Ngay cả khi chỉ xem xét một hạng mục đó, tin tức này vẫn rất ảm đạm. Mua sắm quần áo trực tuyến chiếm một lượng lớn rác thải được trả lại. Đầu tiên và rõ ràng nhất, không phải mọi thứ trông đáng yêu trên mạng đều phù hợp với cơ thể đang chờ đợi chúng ở nhà.

Việc cố gắng tìm hiểu xem một chiếc quần jean có tôn dáng hơn hay không bằng cách xem những bức ảnh chuyên nghiệp và số đo đường may bên trong đã đủ khó. Trong khi, sự chênh lệch phổ biến trong quy ước về kích cỡ khiến việc ước lượng này càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi các thương hiệu ấn định kích cỡ gần như hoàn toàn vì lý do tiếp thị. Các thương hiệu hướng đến người giàu và gầy có thể bám sát kích cỡ thật trong khi các thương hiệu đại chúng nhắm đến việc làm hài lòng khách hàng và họ thường bán size 2 vừa vặn như size 6. Khách hàng trả lại khoảng 24% quần áo mua trực tuyến.

Theo Earth.org, thời trang hiện là ngành gây ô nhiễm thứ ba trên thế giới sau xây dựng và thực phẩm. Thảm họa môi trường của thời trang nhanh – được thúc đẩy bởi mạng xã hội, bởi những người có ảnh hưởng trực tuyến và các khoản tài trợ trả phí – càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Những xu hướng tương tự đang thay đổi các khía cạnh khác của thói quen mua sắm. Phần lớn người Mỹ (khoảng 63%) thừa nhận mua nhiều kích cỡ trực tuyến để thử tại nhà theo một phương pháp được gọi là “đóng khung” hoặc “trả hàng theo kế hoạch”.

Theo báo cáo của Vogue Business năm 2022, “khách hàng đã thay thế phòng thử đồ để thử đồ tại nhà, mua nhiều size trực tuyến với kế hoạch trả lại với số lượng lớn”. Điều này đặc biệt phổ biến ở những người mua sắm thuộc thế hệ Millennial và Gen Z. Với trào lưu theo đuổi bảng màu đẹp nhất, họ cũng thường xuyên mua cùng một mặt hàng với nhiều màu sắc để thử nghiệm tại nhà.

Một hành vi nhỏ tệ hại khác là “mặc quần áo”, nghĩa là mặc quần áo một lần trước khi trả lại, giống như cú quay xe ma mãnh trên Rent the Runway (nền tảng thương mại điện tử cho phép người dùng thuê, đăng ký hoặc mua trang phục và phụ kiện của nhà thiết kế).

Những con số về thảm họa sinh thái thường khó hiểu đến nỗi thật dễ dàng coi chúng là một vấn đề quá lớn đối với một cá nhân riêng lẻ. Nhiều chi phí trong số đó do cá nhân gây ra từ thói quen mua sắm trực tuyến và chỉ trở thành hiện thực theo thời gian. Giống như hầu hết các quyết định khác của con người, khi một hành động có vẻ quá dễ dàng thì thường đòi hỏi phải cẩn trọng hơn. Internet thích thể hiện hào quang xanh và sạch của nó (tương phản với những vật liệu lộn xộn trong thế giới thực như gạch, vữa và giấy), nhưng miễn phí và chẳng có rủi ro thì không.

Tại thời điểm này, chúng ta đã nhận thức rõ rằng Internet không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin và tâm trí mình. Những người dùng có lương tâm ngày càng hiểu rõ hơn về tác động phụ của thói quen trực tuyến và cố gắng kiểm soát bản thân nhiều hơn, bằng cách cố gắng mua sắm trực tuyến một cách thận trọng. Điều này có lẽ sẽ được thêm vào danh sách giải pháp của năm mới xung quanh việc detox (tạm dịch: thải độc) kỹ thuật số.

Tháng Giêng có thể là thời điểm để làm lại, sửa đổi và tái cam kết – đối với việc giảm thiểu đáng kể việc trả lại hàng đã mua trực tuyến.

Theo Pamela Paul, The New York Times.

Pamela Paul là nhà bình luận chuyên mục

Ý kiến của The Times, viết về văn hóa, chính trị, ý tưởng và cách sống.

Ngọc Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cai-gia-cua-viec-tra-hang-truc-tuyen/