Cái Đẹp dưới góc nhìn phương Tây từ thời Hy Lạp đến ngày nay

Trong cuốn sách 'Lịch sử cái đẹp', tác giả Umberto Eco khai phá một chủ đề khó: Cái Đẹp dưới góc nhìn của phương Tây xuyên suốt từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay.

Cuốn sách "Lịch sử cái đẹp"

Nhà văn, nhà lý luận, triết gia người Ý Umberto Eco (1932 - 2016) chiếm một vị trí đặc biệt trong nền văn học và lý luận đương đại. Ông nghiên cứu nhiều lĩnh vực: ký hiệu học, triết học, mỹ học, văn học, phê bình văn học, dịch thuật, phê bình dịch thuật. Ông tham gia giảng dạy và thuyết trình tại nhiều trường đại học danh tiếng như Yale, Cambridge, Oxford và Harvard.

Trong cuốn bách khoa thư đồ sộ Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco, độc giả được chiêm ngưỡng hơn 200 bức tranh và tiểu họa, hơn 50 tác phẩm điêu khắc, bình gốm cùng rất nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang.

Bên cạnh đó còn có một khối lượng lớn những bài luận của Eco, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học với nỗ lực kiến giải phạm trù Cái Đẹp đa diện nhất.

Tác giả Umberto Eco

Cái Đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, mà mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và tùy quốc gia. Điều này được áp dụng không chỉ cho Cái Đẹp hình thể (của đàn ông, phụ nữ hay phong cảnh thiên nhiên), mà cả Cái Đẹp tâm linh, ý niệm, Đấng cứu thế hay thần thánh. Bởi vậy, theo dòng thời gian, cuốn bách khoa thư Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco sẽ đưa độc giả đi từ thời Hy Lạp cổ đại tới tận ngày nay, để hé mở cánh cửa của sự Đẹp dưới quan điểm của thời đại.

Umberto Eco cũng chỉ rõ một vấn đề của thời đại để độc giả của mình tự vấn: Từ thế kỷ 20, dễ nhận thấy rằng thế giới đang chuyển mình để trở thành một nơi bị chi phối hoàn toàn bởi giá trị trao đổi. Đồ vật phải "ngon-bổ-rẻ" và được sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với việc Cái Đẹp mới có thể được tái tạo dễ dàng, nhưng cũng mang tính tạm thời và dễ hư hỏng. Liệu tính chất sản xuất hàng loạt có phải là số phận của Cái Đẹp trong thời đại tái tạo kỹ thuật của nghệ thuật?

Lịch sử cái đẹp do Lê Thúy Hiền dịch, Nhã Nam và NXB Thế giới phát hành.

Bảo Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cai-dep-duoi-goc-nhin-phuong-tay-tu-thoi-hy-lap-den-ngay-nay-20230524222543888.htm