Cải cách môi trường kinh doanh: Mục tiêu quan trọng để doanh nghiệp bứt phá

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính. Tuy vậy, quá trình cải cách vẫn chậm, hoặc không chuyển biến, thậm chí có lĩnh vực, rào cản còn nặng nề hơn.

Quá trình cải cách môi trường kinh doanh vẫn còn chậm

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó, tạo ra xung lực kích thích doanh nghiệp trong nước tăng trưởng và bứt phá.

Đặc biệt, sau cú “sốc” đại dịch COVID-19, quá trình cải cách môi trường kinh doanh ngày càng trở nên quan trọng, nhằm tạo lập 1 nền kinh tế phát triển bền vững. Dù vậy, quá trình cải cách môi trường kinh doanh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Thảo - Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn thiếu hấp dẫn.

Bà Thảo lấy dẫn chứng, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang trong chiều hướng suy giảm.

Doanh nghiệp bứt phá chờ đợi những đột phá trong cải cách môi trường kinh doanh. Ảnh: TC

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, năm 2024 được dự báo bên cạnh những thuận lợi thì vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

“Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng cấp bách hơn để doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, cạnh tranh thuận lợi” - Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Trước thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 02 và các Nghị quyết có liên quan.

Nếu như năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gấp 3,6 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Sang năm 2020, con số này là 3,0. Năm 2021 và năm 2022 là 2,4. Năm 2023, chỉ số này suy giảm, còn 1,3. Tháng 1/2024 tiếp tục giảm xuống 0,5.

Bên cạnh đó, số vốn doanh nghiệp đăng ký đang sụt giảm và việc thu hút lao động chưa đạt được so với thời điểm năm 2019 - giai đoạn trước COVID-19.

“Trong giai đoạn 2020 - 2023, số vốn doanh nghiệp đăng ký sụt giảm dần. Nếu năm 2020, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký số vốn rất cao, khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, thì sang năm 2021 giảm còn 1,6 triệu tỷ, năm 2022 là 1,59 triệu tỷ và năm 2023 là 1,52 triệu tỷ. Tương tự, năm 2019, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký 1,25 triệu lao động, sang năm 2023 mới chỉ đạt mức hơn 1 triệu lao động” - bà Thảo phân tích dẫn chứng.

TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn thiếu hấp dẫn, do đang tồn tại nhiều thách thức. Ví dụ, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ, nhưng thực tế thực thi vẫn còn hình thức. Nhiều địa phương nỗ lực cải cách, nhưng chưa thực sự bám sát với thực tiễn, hoặc bất cập về chất lượng quy định của pháp luật, rào cản về thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo,...

“Các phiên họp của Chính phủ hằng tháng luôn nhấn mạnh tới cải cách môi trường kinh doanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, tuy vậy, quá trình cải cách vẫn chậm, hoặc không chuyển biến, thậm chí có lĩnh vực, rào cản còn nặng nề hơn. Điều này đã làm sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn và niềm tin doanh nghiệp bị sụt giảm” - bà Thảo thẳng thắn chia sẻ.

Đồng tình với nhận định này, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cho rằng, theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết. Điều này khiến doanh nghiệp đối mặt với những rủi ro, có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh…

“Minh chứng rõ nhất là trong tháng 1, cả nước có gần 53.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi con số xin gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ có gần 27.300 doanh nghiệp” - bà Chi nhấn mạnh.

Riêng trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, bà Chi cho biết, thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lớn trong ngành đã chuyển nhượng, hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài. Đối với các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì tình trạng dịch chuyển này rất đáng quan ngại.

“Vì vậy, với ngành lương thực thực phẩm nếu không có một chính sách pháp luật đồng bộ nhất quán từ Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước giảm bớt áp lực, yên tâm phát triển thì sợ rằng chúng ta sẽ mất mát rất lớn khi xu hướng chuyển nhượng, hợp tác này ngày càng gia tăng trong thời gian tới” - bà Chi nói.

Từ thực tiễn hoạt động trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, bà Chi nhận thấy chính sách và giải pháp về cải cách thế chế, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều, đủ sức tạo động lực hoàn thành các mục tiêu chung đề ra.

Tuy nhiên, năm 2024, bà Chi đề nghị cần có cơ chế, chính sách căn cơ hơn đó là cần có cơ chế xử lý, xử phạt đối với các Bộ, ngành, các trường hợp chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, để nó trở thành hành lang pháp lý đủ mạnh buộc các Bộ, ngành phải khẩn trương thực thi nhiệm vụ được giao.

Xây dựng dự thảo Nghị quyết 02 để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Chính phủ đã có nhiều hoạt động thúc đẩy việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính.

Nhờ đó, từ năm 2021 đến cuối năm 2023 đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thêm gần 1.200 quy định kinh doanh khác.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh. Bởi vì, thực tế, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa còn có tính hình thức. Đặc biệt, nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh vẫn chưa được xem xét” - ông Tuấn nói.

Trước thực tế này, đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, Nghị quyết số 02 kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Tại Nghị quyết số 02 năm 2024, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm.

Một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như phát triển bền vững thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; và An toàn an ninh mạng thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.

Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.

Mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp thành lập nhiều hơn, hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và số doanh nghiệp dừng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa giảm đi, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Liên quan tới vấn đề này, bà Lý Kim Chi cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá.

“Bởi thực tế, các quy định về kỷ luật công vụ và trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành hiện nay trong việc thực thi các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao còn khá hời hợt, chưa cụ thể dẫn đến nhiều quy định bất cập, tác động rất lớn đến doanh nghiệp, mặc dù đã được Chính phủ chỉ đạo xử lý trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm” - bà Chi nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-muc-tieu-quan-trong-de-doanh-nghiep-but-pha-post287025.html