Cải cách hành chính phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phòng ngừa tham nhũng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn để xác định những hành vi 'vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức'.

Trên thực tế, việc lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ công chức, viên chức vẫn diễn ra và xảy ra một cách tinh vi. Điều này đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục phải được sâu sát hơn, cụ thể hơn.

Sửa đổi những định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp

Tại chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 21/11 vừa qua, các Đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Đây là nội dung được nhiều cử tri và dư luận quan tâm.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình với kết quả đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc xây dựng và thực hiện định mức tiêu chuẩn, chế độ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong phạm vi quản lý nhà nước dù đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhưng vẫn còn có định mức lạc hậu so với mặt bằng giá cả nói chung. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm về thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong phạm vi quản lý nhà nước”.

 Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6.

Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6.

Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện cải cách tiền lương, nữ Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát để tham mưu, sửa đổi những định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay sao cho hợp lý, khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Một biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm góp ý của các đại biểu thảo luận tại hội trường là việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ. Đối với vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận: Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đúng là việc chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ đã có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc chuyển đổi, luân chuyển này cũng tạo ra những khó khăn nhất định trong thực hiện nhiệm vụ của bản thân người được luân chuyển nói riêng và việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nói chung, nhất là đối với các vị trí công tác tại các cơ quan cấp huyện, các vị trí đòi hỏi chuyên môn sâu trong lúc đang thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Thời gian luân chuyển cán bộ đã giữ chức vụ là từ 2-5 năm. Có những vị trí cán bộ được luân chuyển khi vừa giữ chức vụ được 2 năm. Nhiều vị trí công tác cần thời gian để am hiểu sâu về đặc điểm đơn vị, địa phương, nhưng điều động, luân chuyển cán bộ, công chức sau một thời gian quá ngắn dẫn đến việc khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Trong quy định luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức, có quy định các hành vi bị cấm (Điều 24 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018), trong đó có hành vi: Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga vẫn còn nhiều khó khăn để xác định những hành vi “vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức”. Và thực tế việc lợi dụng chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ công chức, viên chức vẫn diễn ra và xảy ra một cách tinh vi. Điều này đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục phải được sâu sát hơn, cụ thể hơn.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Khẩn trương hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong hành chính

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc thực hiện cải cách hành chính trong quản lý để phòng ngừa tham nhũng trong thời gian qua đã được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hạ tầng công nghệ vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Cổng dịch vụ công quốc gia thường xuyên bị nghẽn mạng, không đăng nhập, tra cứu, sử dụng được. Giao diện một số Cổng dịch vụ công cấp tỉnh chưa lấy người dùng làm trung tâm, chưa cho phép trả hồ sơ trực tuyến mà bắt buộc người dùng lựa chọn trả kết quả qua bưu điện hoặc tới nhận trực tiếp.

Bên cạnh đó, việc kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Trung ương và địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập… Những điều đó gây khó khăn cho người dùng khi sử dụng dịch vụ. Có những trường hợp người dân không thể tự sử dụng dịch vụ mà phải “nhờ vả” công chức phụ trách lĩnh vực này.

Bởi vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát để khẩn trương hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính để thực sự thuận tiện cho người dân. Và việc cải cách hành chính cũng là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng vặt trong thời gian tới.

Theo đó, công tác cải cách hành chính phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, mục tiêu và là động lực, giảm phiền hà cho Nhân dân. Trên cơ sở đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính. Và cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng.

Đẩy mạnh cơ chế giám sát, phản biện xã hội

Cùng quan tâm đến nội dung này, Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, quốc tế ghi nhận.

 Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh.

Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh.

Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá là rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử” - Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh cho biết.

Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nữ Đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp. Cụ thể là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người mà vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-cach-hanh-chinh-phai-lay-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-lam-trung-tam-de-phong-ngua-tham-nhung-post273577.html