Cải cách chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nhiều thách thức đang đặt ra những yêu cầu mới cho Việt Nam trong việc cải cách hệ thống chính sách thuế. Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp điều chỉnh về chính sách thuế trong thời gian tới đây phải xử lý được những vấn đề đặt ra trong ngắn hạn gắn với yêu cầu phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và những yêu cầu có tính chất dài hạn gắn với việc củng cố, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững.

Chính sách về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp tại những thời điểm tăng trưởng kinh tế khó khăn, đảm bảo sự gắn kết chính sách. Ảnh: TL

Cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững

Trong thời gian qua, cùng với việc kịp thời ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tại những thời điểm tăng trưởng kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ, hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung khá đồng bộ, đảm bảo sự gắn kết giữa đổi mới, cải cách về chính sách với yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế.

Kiên định các mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030

Việc sửa đổi, bổ sung các sắc thuế cần bám sát và kiên định với các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đặc biệt là trong việc mở rộng cơ sở thuế thông qua mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; chủ động có chính sách để động viên vào NSNN các nguồn thu tiềm năng liên quan đến bất động sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều giải pháp về thuế, phí. Các giải pháp đó đã góp phần quan trọng khôi phục thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế đã chú trọng đến các yêu cầu vừa nuôi dưỡng và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), vừa đảm bảo minh bạch, đơn giản, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu; phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, các chính sách thuế hướng đến mục tiêu thúc đẩy công bằng xã hội, thực hiện điều tiết hợp lý thu nhập và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó đến nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống thuế khá đồng bộ, phù hợp với bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Những kết quả này là tiền đề quan trọng thực hiện các mục tiêu, định hướng cải cách được xác định trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng cải cách trong chiến lược này là khá lớn, thể hiện những quyết tâm cao trong việc tiếp tục cải cách, đổi mới hệ thống chính sách thuế của Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững. Tuy nhiên, bối cảnh những năm tới đây cũng đang đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong việc thực hiện cải cách hệ thống chính sách thuế theo các định hướng nêu trên.

Chính sách thuế tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi

Ông Trương Bá Tuấn cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều biến động bất lợi thì việc thực hiện cải cách thuế theo các mục tiêu, định hướng xác định trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng sẽ khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ các tác động có liên quan.

Do đó, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Coi ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố cốt lõi, là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa

Cùng với đó, các giải pháp về tài khóa, trong đó có chính sách thuế, cũng cần hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp, đồng thời, coi sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp là giải pháp hiệu quả nhất cho việc phát triển bền vững nền tài chính công, đảm bảo cân đối tài khóa.

Đối với các cơ quan quản lý, cần hướng dẫn, tổ chức triển khai, kịp thời có hiệu quả các giải pháp chính sách miễn, giảm một số khoản thuế sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua; chủ động tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí đã được ban hành đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thời gian qua để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp trong trường hợp tình hình kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục biến động bất lợi trong thời gian tới đây.

Trong trung và dài hạn, tập trung thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế đã được xác định trong Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội với một lộ trình phù hợp.

Việc sửa đổi, bổ sung các sắc thuế cần bám sát và kiên định với các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đặc biệt là trong việc mở rộng cơ sở thuế thông qua mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; chủ động có chính sách để động viên vào NSNN các nguồn thu tiềm năng liên quan đến bất động sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; nghiên cứu có các biện pháp phù hợp để chống xói mòn cơ sở thuế do sự xuất hiện của các “mô hình kinh doanh mới” và sự gia tăng của các hoạt động giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Vận hành hiệu quả hệ thống thuế “thân thiện với tăng trưởng”

Thời gian qua, chúng ta đã hoàn thiện và vận hành hiệu quả một hệ thống thuế “thân thiện với tăng trưởng”, chú trọng đến việc nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu bền vững. Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ trong các biện pháp cải cách của từng sắc thuế trong tổng thể cải cách của hệ thống thuế; bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, các khoản thuế thu vào tài sản, tài nguyên.

Việc cải cách trong từng sắc thuế thời gian tới phải hướng đến các yêu cầu căn bản, như: đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững và yêu cầu động viên nguồn lực cho NSNN để thực hiện Chiến lược Phát triển 10 năm 2021-2030; Khắc phục được những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về chính sách thuế với cải cách về quản lý thuế.

Đáng lưu ý, theo ông Trương Bá Tuấn, hệ thống chính sách thuế phải phát huy được một cách có hiệu quả vai trò đòn bẩy của chính sách thuế trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước phát triển bền vững, hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Đồng thời, rà soát để đảm bảo các chính sách ưu đãi thuế được thực hiện có chọn lọc, tập trung cho các dự án có thể tạo ra ngoại ứng tích cực, tác động lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế, phù hợp với thị trường và xu thế phân công lao động quốc tế, khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất xanh, tiêu dùng xanh; rà soát để điều chỉnh các chính sách ưu đãi thuế không còn phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập, gây xói mòn cơ sở thuế.

Trong năm 2024-2025, tập trung nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật thuế quan trọng đồng thời chủ động xây dựng các phương án để sửa đổi, bổ sung các luật thuế khác trong hệ thống chính sách thuế, tạo tiền đề cho các biện pháp cải cách các sắc thuế khác trong giai đoạn tiếp theo. Trong thực hiện cải cách chính sách thuế cần chủ động tham khảo, vận dụng hiệu quả, có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế tốt về cải cách thuế.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế gắn với các yêu cầu về cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững, tăng cường hiệu quả, trách nhiệm giải trình của chi tiêu công. Đảm bảo duy trì được “không gian tài khóa” đủ rộng để có thể đối phó với các biến động bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô trong tương lai.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cai-cach-chinh-sach-thue-thuc-day-tang-truong-kinh-te-144594.html