Cái 'bắt tay' bí mật chống người di cư vào châu Âu

Lực lượng dân quân Libya dưới quyền lãnh chúa Khalifa Haftar săn lùng những người tị nạn ở Địa Trung Hải và kéo họ về Libya. Điều tra của tờ Der Spiegel của Đức cho thấy, Cơ quan bảo vệ biên giới Liên minh châu Âu và Malta có liên quan đến việc này.

Tàu của lực lượng dân quân TBZ tiếp cận thuyền chở người di cư trên vùng biển Malta và đưa về Libya

Lời kể của nhân chứng

Sau vài ngày lênh đênh trên biển, con tàu chở Bassel Nahas và hàng trăm người Syria đang trên đường từ Libya tới châu Âu dường như vẫn ổn. Nahas (36 tuổi) mơ ước bắt đầu cuộc sống mới ở Hà Lan với hy vọng sau này sẽ đón được vợ và 2 con sang. Khi con tàu đã đi qua một số hòn đảo của Hy Lạp, các máy bay không người lái do Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) vận hành đã theo dõi hành trình của họ.

Mục tiêu của những người di cư là bờ biển Italia không còn xa. Nhưng vào ngày 18-8, khi con tàu đến khu vực do Malta chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ thì một con tàu treo cờ Libya xuất hiện và tiếp cận... Nahas cho biết, dù nhiều người trên tàu của anh nói rằng, trong đoàn có phụ nữ và trẻ em, nhưng họ vẫn bị cáo buộc là có vũ khí và ma túy. Sau đó có tiếng súng nổ…

Con tàu Libya đã bắt được tàu của những người tị nạn sau 3 giờ truy đuổi và ép các hành khách sang tàu của họ một cách thô bạo. Nahas kể, đồng phục của những người đàn ông Libya ghi rõ dòng chữ “Tareq Bin Zeyad”. Người Libya đã bắt họ làm tù binh và đưa họ đến cảng Benghazi. Cập cảng tại thành phố phía Đông Libya, họ bị đánh đập, ngược đãi, bị ném xuống nước hàng giờ đồng hồ, muối xát vào những vết thương.

Tại một tòa nhà gần cảng, Nahas được mặc bộ đồ màu cam giống loại mà các nạn nhân của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) phải mặc trước khi bị hành quyết. Sau đó, anh bị trói rồi bắt đứng dựa vào tường. Súng nổ, Nahas bất tỉnh, nhưng sau đó thấy mình may không trúng đạn. Câu chuyện của Nahas trùng khớp với lời kể của những người tị nạn khác.

Đất nước Libya hiện bị chia làm hai. Chính phủ được quốc tế công nhận kiểm soát phần phía Tây và nhóm đối thủ ở phía Đông kiểm soát Benghazi dưới quyền lãnh chúa Khalifa Haftar. Trong đó, lực lượng bảo vệ bờ biển ở phía Tây chặn những người xin tị nạn trên biển trước khi họ có thể đến bờ biển châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đào tạo và tài trợ cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya và thành lập một trung tâm kiểm soát cứu hộ tại nước này.

Chính phủ ở Tripoli chịu trách nhiệm về tìm kiếm và cứu hộ, đó là lý do tại sao họ được gửi tọa độ của các con tàu tị nạn. Nhưng các tuyến đường ở Địa Trung Hải đã thay đổi. Kể từ mùa hè năm 2022, ngày càng có nhiều tàu thuyền do những kẻ buôn người khởi hành từ Benghazi và các nơi khác ở miền Đông Libya, những khu vực đó không nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Libya được EU công nhận.

Lãnh chúa Haftar kiểm soát miền Đông Libya có một mạng lưới dân quân, trong đó có Lữ đoàn Tareq Bin Zeyad (TBZ) - nhóm đã bắt con tàu chở Bassel Nahas trên Địa Trung Hải. Lực lượng này do Saddam Haftar (con trai lãnh chúa) chỉ huy, khét tiếng vì hành vi hãm hiếp, tra tấn, thậm chí hành quyết tù nhân. Về mặt chính thức, EU tránh xa lực lượng dân quân này. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết, TBZ không phải là “đối tác hợp pháp”, “chúng tôi không giao dịch với họ”. Nhưng sự thật liệu có như vậy?

Không muốn làm thì “ủy quyền”

Phóng viên hãng tin Der Spiegel (Đức) cùng với các nhóm điều tra Lighthouse Reports, Le Monde, Al Jazeera, Malta Today và kênh truyền thông Syria Siraj đã tìm hiểu về vấn đề này trong vài tháng.

Các phóng viên tham gia dự án đã trò chuyện với 7 người tị nạn được cho là đã bị lực lượng dân quân của Haftar cưỡng bức đưa đến Libya. Họ theo dõi dữ liệu vị trí từ tàu và máy bay giám sát của châu Âu, đồng thời kiểm tra các tin nhắn vô tuyến cũng như các tài liệu mật. Kết quả, nhóm điều tra phát hiện ra rằng, châu Âu đã hỗ trợ cho các hoạt động của TBZ nhằm đưa người di cư quay trở lại Libya. Ít nhất 3 trường hợp có thể chứng minh rằng, Frontex hoặc Malta đã phát hiện ra các tàu tị nạn, sau đó thông báo để người của Haftar kéo về Libya, mặc dù thực tế là người châu Âu chịu trách nhiệm cứu hộ trực tiếp ở các vùng biển này.

TBZ được coi là một tổ chức linh hoạt, thường xuyên đảm nhận các nhiệm vụ mới. Trong những năm gần đây, họ đã phát triển đáng kể và hiện có khoảng từ 6.000 đến 8.000 người. Một nhà khoa học chính trị trong quá trình thực hiện báo cáo cho tổ chức nghiên cứu The Sentry (Mỹ) cho biết, chỉ 7 hoặc 8 tháng trước, TBZ chưa từng có mặt ở vùng biển này. Lực lượng dân quân của lãnh chúa Haftar rõ ràng đang đảm nhận công việc mà châu Âu không muốn làm. Con tàu của họ mang tên “Tareq Bin Zeyad” do một công ty có trụ sở tại Dubai đăng ký. Không rõ ai đã trả tiền để đưa nó tới Libya.

Một báo cáo bí mật của phái đoàn EU IRINI (Cơ quan tuần tra Địa Trung Hải) cho biết, ngày 25-5-2023, một nhóm dân quân có liên quan đến lực lượng của lãnh chúa Haftar đã lần đầu tiên đưa người di cư trở lại Libya. Khi được hỏi về điều này, Frontex cho biết, họ cảm thấy con tàu không đủ khả năng đi biển và những người trên tàu tị nạn đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng nên mới gửi tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên, họ không nhận được phản hồi nào từ các trung tâm cứu hộ ở Italia, Malta và miền Tây Libya, những nơi lẽ ra phải chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động cứu hộ.

Họ cũng nói rằng chưa bao giờ liên lạc trực tiếp với TBZ. Ngoài ra, máy bay của họ buộc phải rời khỏi khu vực do hết nhiên liệu.

“Các quan chức của Frontex biết rõ người tị nạn có nguy cơ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo. Trong trường hợp này, họ lẽ ra phải đảm bảo có người khác đảm nhận giải cứu sau cuộc gọi khẩn cấp, chẳng hạn như một trong những tàu buôn. Đằng này, họ để cho TBZ xuất hiện giống như kẻ cướp hơn là cứu hộ” - bà Nora Markard, chuyên gia luật quốc tế, giáo sư tại Đại học Munster nhận định.

Lữ đoàn dân quân TBZ khét tiếng hung bạo ở miền Đông Libya

Ở giữa hốt bạc

Thực tế, để ngăn chặn những con tàu tị nạn băng qua Địa Trung Hải, Italia và Malta đang tìm cách thiết lập quan hệ với lãnh đạo ở miền Đông Libya. Đầu tháng 5, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã tiếp ông Haftar tại Rome trong nỗ lực thuyết phục ông ngăn chặn những con tàu tị nạn tiến vào EU. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Nội vụ Italia đề cập đến khả năng hỗ trợ tài chính và đào tạo cho TBZ. Các chuyên gia coi cuộc gặp là một bước ngoặt. Cùng tháng đó, thủy thủ đoàn của TBZ bắt đầu công việc.

Trong khi đó, Malta công khai thừa nhận họ hợp tác với lãnh chúa Haftar. Một quan chức cấp cao ở Thủ đô Valletta cho biết, họ cũng chia sẻ dữ liệu giám sát với chính quyền ở miền Đông Libya. Vào cuối tháng 5-2023, một phái đoàn từ Malta đã đến thăm lãnh chúa Haftar ở Benghazi, sau đó quân đội Malta được giao nhiệm vụ đàm phán thỏa thuận chi tiết. Kể từ đó, các quan chức Malta dường như coi TBZ về cơ bản là lực lượng bảo vệ bờ biển chính thức cho miền Đông Libya.

Có lần, Malta đã từ chối đề nghị của tàu cứu hộ hàng hải tư nhân Ocean Viking (do tổ chức phi chính phủ SOS Mediterranee điều hành), thay vào đó cho phép TBZ đưa những người tị nạn trở lại Libya. Trả lời câu hỏi về việc đưa thông tin tọa độ của tàu tị nạn cho TBZ, một phát ngôn viên quân sự Malta cho biết, các phi công có nghĩa vụ truyền thông tin tới các tàu trong khu vực nếu họ có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, chuyên gia luật quốc tế Markard coi vụ việc là sự vi phạm rõ ràng luật biển. “Người ta có thể gọi đó là hành động ủy quyền, khi TBZ hành động thay mặt cho Malta” - bà Markard nói.

Đáng nói, đôi khi không thể phân biệt được lực lượng dân quân miền Đông Libya với những kẻ buôn người. Họ đã thiết lập một mô hình tống tiền, bảo kê. Hầu như không có chiếc thuyền nào rời cảng Benghazi mà họ không hề hay biết, bởi thành viên TBZ chính là người tổ chức vận chuyển những người di cư từ sân bay đến bờ biển. Chỉ những người trả đủ tiền ở đó mới được phép lên một trong các con tàu. Các nhà ngoại giao châu Âu đã biết về điều này trong nhiều tháng.

Một tài liệu nội bộ của Bộ Ngoại giao Đức tóm tắt cuộc họp của EU lưu ý rằng, những nỗ lực của lãnh chúa Haftar trong việc ngăn chặn người di cư đến châu Âu chủ yếu là cái cớ để nhận được sự hỗ trợ quốc tế. Báo cáo nói thêm, bản thân nhóm TBZ cũng thu lợi từ việc buôn người.

Minh chứng cho điều này chính là Bassel Nahas. Anh cho biết, sau 22 ngày tra tấn, TBZ đã giao anh cho một nhóm khác và chỉ sau khi một người quen trả 4.000 euro tiền chuộc thì anh mới được thả. Cuộc đàm phán với người yêu cầu tiền chuộc vẫn còn nguyên trên các tin nhắn.

Theo Spiegel

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cai-bat-tay-bi-mat-chong-nguoi-di-cu-vao-chau-au-post565006.antd