Cái bánh trung thu

Ngày nào cũng vậy, cứ mỗi chiều tan học về tới nhà, tôi thay liền bộ đồ học trò là cái áo sơ mi tay cụt trắng bằng vải 'xe lửa', có nhuộm chút xíu màu dương xanh và cái quần cụt vải xiêm đen, để tra vô bộ đồ trận là cái áo bà ba đen cụt tay may ráp lưng, khuy quay chảo, nút bằng vải se lọn cỡ hột bắp bằng vải ta nhuộm nước rơm bồ mục do người cô tôi cho.

Kế đó là “tán”, lẹ tộ cơm, rồi đi móc mồi nhái con vô mớ cần câu cắm, đợi trời tối đen rảo đi cắm, theo bờ ruộng, xong rồi ở đó canh chừng tới khuya nhổ câu về, rọng cá, rửa chân, lục cơm nguội, học bài sơ sơ rồi chui vô mùng ngủ với má, đắp chiếu ngáy ngon lành.

Đến khi chùa Phật bên kia sông gióng lên hồi chuông “công phu”, thì tôi thức dậy ngồi bên bếp lửa rơm nấu cơm với má để học bài. Khi sao Mai mọc đằng đông là phải xách cặp đệm lên đường cho kịp giờ học.

Trường học cây Trôm cách nhà tôi khá xa, phải đi qua hai ấp với hai cánh đồng. Trò nào cũng có xe đạp. Riêng tôi thì băng đồng lội bộ. Nhờ vậy mà tôi biết ruộng của ai cá nhiều hay ít để đến đêm đi cắm câu hay đi soi...

Tuổi thơ của tôi suốt từ lớp tư, lớp ba, lớp nhì tới lớp nhứt là vậy. Cả vùng Bình Trung, xứ sở tôi thời ấy hầu như ai cũng nghèo. Trong số nghèo nhất xứ lại là gia đình tôi.

Ác đạn là mỗi lần tôi móc mồi câu cắm thì thằng Ái, cháu ngoại của ông Ba Ức ở bên chùa đều qua ở truồng ngồi chò hỏ trước mặt tôi. Trên tay nó lúc thì trái ổi, lúc lê ki ma, lúc ô môi, hay bánh...

Nó vừa ăn vừa cố ý lêu lêu trước cái bụng chưa cơm của tôi. Thường như vậy là má giả bộ kêu tôi ra sau hè nhà để sai vặt gì đó cho qua truông. Thật ra nhà thằng Ái cũng nghèo, má nó không có đất làm ăn, chỉ nhờ vào cái quán cóc bán mắm muối, tương, chao.. cho dân nghèo trong xóm.

Mỗi lần đi chợ Mỹ Tho mua đồ về bán, bà đều cho nó một món gì đó để nó đi chỗ khác chơi cho rảnh vậy thôi.

Có lần nó cầm nguyên cái bánh trung thu nắn hình con heo vừa khoe với tôi, vừa cạp nhín nhín giáp vòng da bánh để lòi cái nhân thơm phức mùi tóp mỡ, vỏ quýt.. Nó lại đưa cái cái bánh sát lỗ mũi tôi để ghẹo chơi. Thật tình tôi cũng phát thèm. Nó hỏi:

- Bộ má mày hông mua cho mày hả?

Tôi nói dóc với nó:

- Hồi hôm qua má tao mua cây bánh trung thu bự chảng, một mình tao ăn hết trơn. Bánh của mày dở khẹt.

Nó trề môi:

- Nhà mày mà mua nổi bánh trung thu.

Một buổi chiều đi học vừa về tới sân, tôi đã thấy má ngồi dưới gốc cây cui già, móc mồi sẵn vô lưỡi câu cho tôi. Nét mặt má lộ niềm vui khác thường. Má nói:

- Con vô nhà lục ba hột cơm ăn riết đi rồi ra ngoài đình chơi. Tôi hỏi má:

- Bộ bữa nay ngoài đình có hát bội hả má?

Má nói:

- Đâu phải. Bữa nay có bộ đội Việt Minh về ngoài đó đông lắm. Má nghe người ta nói có diễn thuyết, rồi ca hát múa vũ, nhảy ngựa rồi có phát bánh trung thu cho con nít nữa. Nghe má nói tôi mừng quýnh lên, định cởi bộ quần áo độc nhất ra giặt cho kịp khô sáng mai đi học, thì má ngăn lại:

- Thôi đi con. Ra đó chỗ đông người ăn bận rách rưới quá hổng được. Con cứ đi đi chừng về má giặt, má hông lửa rơm cho.

Rồi má xé làm hai đồng bạc có in hình “gánh gánh”, nhét vô túi tôi nửa tờ. Má nói:

- Chừng nào có khát nước, con mua ly nước đá nhận mà uống nghe hông.

Tôi lúc đi lúc chạy lúp xúp một hồi ra tới đình làng. Trước mắt tôi mọi thứ đều mới lạ, lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy. Bộ đội Việt Minh về đông nghẹt. Ai cũng có súng lớn, súng nhỏ, ai cũng biết đàn, ca, múa vũ. Hát kể chuyện đánh giặc Tây, liên hoan văn nghệ, tới phát bánh trung thu cho con nít mà mấy chú gọi là thiếu niên, nhi đồng.

Sau cùng mấy chú còn gom hết chúng tôi lại để dạy hát, dạy múa vũ. Hồi đó tôi rất sáng dạ, học mau nhớ, mấy chú dạy chỉ vài đêm với cây đàn măng đô là tôi thuộc hết nhiều bài hát, điệu vũ.

Nhờ vậy, đến ngày Bến Tre Đồng Khởi, Bình Trung quê tôi giải phóng, tôi tập hợp hết thiếu nhi trong ấp lại để dạy tập hằng đêm và cầm quân đi trình diễn nhiều nơi trong huyện Bình Đại, cả bên huyện Hòa Đồng, tỉnh Gò Công lúc bấy giờ.

Tôi cầm cái bánh trung thu, cũng lúc đi lúc chạy để về cho kịp cắm câu, học bài và cho má ăn miếng bánh trước khi ngủ. Tôi để cái bánh vô dĩa, bưng lên nói với má:

- Bánh ngon, thơm lắm má ăn đi.

Má vuốt đầu tôi, vẻ xúc động:

Cơ khổ, chưa ăn mà biết ngon. Má lỡ nhai miếng trầu rồi, để đó chút nữa má ăn.

Tôi vọt lẹ đi gom câu về sớm hơn mọi bữa để ăn bánh trung thu nhưng khi về tới nhà thì má đã ngủ. Má để nửa cái bánh trung thu trên cuốn thơ Lục Vân Tiên má coi hằng đêm. Bỗng má trở mình nói:

- Má ăn rồi. Còn nửa cái là phần con.

- Dạ.

Tôi cầm nửa cái bánh trung thu lên ngắm nghía cái nhân bên trong, chưa kịp đưa vô miệng, thì chị tôi tay bồng con, tay cầm đèn soi đi qua kiếm cơm nguội cho thằng Lẹ, cháu ruột tôi nó đang đói bụng. Thấy tôi cầm nửa cái bánh trung thu, nó khóc ré lên đòi ăn. Tôi định xắt cho nó nửa cái nhưng chị tôi nói:

- Thôi mình làm cậu, nhường hết cho con cháu đi.

Tôi đưa hết nửa cái bánh, nó ăn ngon lành.

Buổi học hôm sau, tới giờ xả hơi, học trò trong lớp ào ra tung tăng, bu quanh mấy chỗ bánh, cà rem, xôi bắp, lê ki ma, ô môi, nước đá… Tôi ở lại bàn học, đầu óc cứ nhớ mấy bài hát vũ mà mấy chú bộ đội Việt Minh đã dạy, nhớ tới cái bánh trung thu, nhớ cháu ruột tôi đưa trọn miếng bánh vô miệng ngon lành và nó hết khóc. Tôi thấy vui.

Trong lúc chỉ một mình trong lớp, tôi giở thử cái cà mèn cơm coi trưa nay má cho ăn với gì đây? Hình ảnh quá bất ngờ làm tôi như muốn chết trân. Đó là ở phía dưới ngăn đựng cái hột vịt luộc lột vỏ sẵn để trưa dằm nước mắm ăn cơm là nửa cái bánh trung thu má gói kỹ để chung với cơm.

Tôi cầm nửa cái bánh trung thu đưa lên miệng, lên lỗ mũi mà không còn để ý gì tới mùi thơm khó tả của nó bay vào lỗ mũi, bay vào bao tử đang cồn cào của tôi từ cái bánh trung thu của thằng Ái đến cái bánh trung thu nặng ân tình của bộ đội Việt Minh phát cho…

Nước mắt của tôi buông rơi xuống mặt bàn. Tôi ước gì trường tan học sớm hơn, để chạy bay về nói với má một câu thôi:

- Má ơi! Sao má xí gạt con. Rồi ôm chầm lấy má.

TIỀN PHONG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202309/cai-banh-trung-thu-991350/