Cách xử lý khi con nói dối

Khi phát hiện con nói dối, cha mẹ đừng vội trách mắng hay áp dụng hình phạt với trẻ. Phụ huynh nên tìm nguyên nhân con nói dối và đưa ra các phương án xử lý phù hợp.

 Cha mẹ không nên nổi nóng khi phát hiện con nói dối. Ảnh: J.F.

Cha mẹ không nên nổi nóng khi phát hiện con nói dối. Ảnh: J.F.

[…]

Trẻ con có thể dùng lời nói để bênh vực quyền lợi nhỏ của mình hoặc để yêu cầu, hoặc để thỏa mãn những ước muốn của mình. Ước muốn ấy khiến trẻ chỉ nghĩ đến mục đích, không cần phải phân biệt những lời nói ra có đúng hay không. Trẻ con thường không bận lòng về những cách lựa lời nói phải trái. Vì những lẽ ấy sự nói dối của trẻ rất tự nhiên. Chính trẻ cũng không lưu tâm những lời nói ra có thật hay không.

[…]

Có nhiều cách nói dối: Trẻ nói dối vì nhiều nguyên nhân, ta phải phân biệt cho kỹ mới tìm được cách để giúp trẻ sửa lỗi.

Nói dối vì tưởng tượng: Nhiều khi sức tưởng tượng quá mạnh, làm cho trẻ mở mắt mà như chiêm bao, nên trẻ sắp đặt những chuyện rất kỳ lạ để kể cho cha mẹ, anh chị nghe. Gặp trường hợp ấy, chớ nên la mắng trẻ, chỉ ôn tồn nói cho trẻ biết những chuyện trẻ kể là không đúng sự thật. Nếu trẻ mắc lỗi này nhiều lần, mẹ có thể hỏi: “Con nghĩ cho kỹ đã rồi nói, nói không đúng mẹ không nghe nữa”.

Nói dối vì mua vui: Nhiều khi vì nghịch ngợm trẻ nói dối để mua vui hoặc lừa người chơi cùng. Gặp trường hợp này mẹ nên kể cho trẻ nghe chuyện thằng bé chăn trâu kêu cứu để lừa dân làng chạy ra xem, lần sau nó đi tắm ngoài sông bị chìm, kêu cứu, người ta tưởng nó lừa chơi nên không ai chạy ra cả. Sự nói dối mua vui vẫn gây thiệt hại cho người nói dối.

Nói dối chính thức: Sự nói dối chính thức của trẻ có nhiều nguyên nhân, có khi vì sự trừng phạt, vì muốn tránh lỗi, vì lợi, vì lười biếng. Khi trẻ nói dối để tránh một hình phạt cho em út hay anh chị, mẹ phải dạy trẻ nói dối như thế là làm phúc nhưng vẫn là sai, vì trẻ không có quyền giấu lỗi của người khác mà lừa dối cha mẹ.

 Sách Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương nữ sử. Ảnh: Hoàng Thanh Thủy.

Sách Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương nữ sử. Ảnh: Hoàng Thanh Thủy.

Sự nói dối để tránh lỗi thành tội gấp đôi, một là lỗi không tránh mà thêm tội nói dối nữa. Thường vì sợ một hình phạt, trẻ phải vội giấu sự thật, đó là một việc làm đột nhiên không kịp suy nghĩ nên có thể dung thứ cho trẻ. Buộc trẻ phải suy nghĩ lại đã rồi sẽ trả lời khỏi mang tội nói dối với cha mẹ là một lỗi nặng hơn.

Nói dối vì quyền lợi để hưởng những danh lợi, là lối nói dối có tính toán, cần phải trừng phạt nặng hơn.

Nói dối để chữa lỗi của sự lười biếng trong học hành, cần phải trừng phạt bằng cách học lại, hoặc làm lại những bài vở chưa thuộc, chưa làm xong.

Nói dối cố tật: Là sự nói dối hung ác do lòng ghen ghét và độc dữ mà sinh ra, cũng có khi do sự sợ hãi và quyền lợi mà xui nên. Tội lỗi của mình mà lại nói dối để đổ tội cho một người khác, quyền lợi của người ta, nói dối để chiếm đoạt về mình, những cách nói dối ấy vừa xiêu xảo, bất công và khiếp nhược.

Khi người ta đến trình độ nói dối cố tật như thế, thì thật là một con người không tốt, vì nó chứng tỏ con người ấy thiếu lương tâm vừa có tính tình quá đê mạt. Nếu ta chăm nom con cái một cách kỹ lưỡng thì không bao giờ xảy ra chuyện như thế.

Cách trừng phạt khi trẻ nói dối: Khi trẻ nói dối một cách chính thức thì mẹ tỏ thái độ vừa ngạc nhiên, vừa khó chịu, để trẻ nhận thấy sự dối trá là một điều xấu hổ cho gia đình. Mẹ sẽ nhìn con ái ngại và nói: “Sao con dám nói một việc như thế, mà con biết là không đúng sự thật?”, hoặc là “Sao con dám nói xấu một người khác, mà mẹ tin là không có điều xấu ấy!”. Mẹ sẽ nói trước cho cha biết và để trẻ nói chuyện với cha.

Cha mẹ sẽ bàn rõ (phân tích) cho trẻ nghe những sự tai hại của lời nói dối ấy bằng những lời nghiêm nghị. Nếu gặp trường hợp nói dối quá đáng, cha mẹ có thể nghiêm cấm anh chị em không được chuyện trò với trẻ. Và bảo trẻ suy nghĩ kỹ lại trong một hôm rồi cha mẹ sẽ hỏi trẻ đã hiểu sự xấu hổ của lời dối trá ấy và đã hối hận ăn năn chưa?

Nếu vi nói dối mà thiệt hại đến ai thì phải bồi thường cho người ta và thân hành xin lỗi.

Kiêu ngạo, khoe khoang việc làm tốt: Tính kiêu ngạo, tự phụ là do quá tự tin vào sức mình, tài mình và trở nên khinh miệt tất cả những người khác. Ta nên dạy cho trẻ chớ ỷ thế và cây tài mình , sức mình và tài ấy chưa dễ hơn ai. Sự tự phụ và kiêu ngạo là đặc tính của người thấp kém, thiển cận, chỉ làm hạ thể giá của mình.

Người học rộng tài cao bao giờ cũng khiêm tốn, vì người ta biết cái học, cái tài là vô tận không ai dám chắc mình đã chiếm một phần lớn. Khiêm tốn chính là đức tính của người quân tử, của một bậc thánh hiền. Phải dạy cho con đức tính khiêm tốn để can ngăn tính kiêu ngạo khoe khoang.

[…]

Đạm Phương nữ sử/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-xu-ly-khi-con-noi-doi-post1452934.html