Cách tiếp cận đối ngoại mới của tân Thủ tướng Italy, có gì đặc biệt?

Tân Thủ tướng Italy Giorgia Meloni khẳng định rằng Italy sẽ làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe trong EU, đồng thời bày tỏ nhiều quan điểm trước các vấn đề quốc tế.

Tân Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. (Nguồn: Reuters)

Trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, tân Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã đưa ra cách tiếp cận của chính phủ mới đối với các vấn đề đối ngoại như xung đột Nga-Ukraine, Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU), trong đó bao gồm cả tương lai của EU và vai trò của Italy trong EU...

Về vị trí của Italy, bà Meloni khẳng định nước này "hoàn toàn là một phần của phương Tây và hệ thống liên minh của phương Tây, một quốc gia sáng lập của EU, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (euzone) và NATO, một thành viên của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cái nôi của nền văn minh phương Tây và hệ thống các giá trị dựa trên tự do, bình đẳng và dân chủ".

Về Ukraine và NATO, Thủ tướng Meloni đã hứa hẹn rằng "Italy sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy của NATO, bắt đầu bằng việc hỗ trợ những người dân Ukraine trong cuộc xung đột”.

Bà Meloni nhấn mạnh: “Liên minh Đại Tây Dương đang đảm bảo một khuôn khổ hòa bình và an ninh mà chúng ta thường coi là đương nhiên. Nghĩa vụ của Italy là phải đóng góp đầy đủ cho NATO bởi dù chúng ta muốn hay không, tự do đều có cái giá phải trả".

Về vị trí của Italy trong EU, Thủ tướng Meloni nói: "Italy sẽ làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe, để giúp hướng EU đến những phản ứng hiệu quả hơn trước các cuộc khủng hoảng và các mối đe dọa bên ngoài".

Theo tầm nhìn của bà Meloni về EU, EU phải có khả năng "đối mặt với những thách thức lớn của thời đại chúng ta, bắt đầu từ những thách thức mà các nước thành viên khó có thể một mình đối mặt". Đó là các hiệp định thương mại, cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng, chính sách di cư, các lựa chọn địa chính trị và cuộc chiến chống khủng bố.

Thủ tướng Meloni nói: "Một ngôi nhà chung châu Âu chắc chắn có nghĩa là các quy tắc chung, bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế-tài chính. Chính phủ của tôi sẽ tôn trọng các quy tắc hiện có và đồng thời đưa ra đóng góp của mình để thay đổi những quy tắc chưa hiệu quả, bắt đầu từ cuộc tranh luận đang diễn ra về việc cải cách Hiệp ước ổn định và tăng trưởng".

Về việc kiểm soát luồng di cư, bà Meloni đã tuyên bố mục tiêu là "ngăn chặn những chuyến đi bất hợp pháp" và "cuối cùng phá vỡ hoạt động buôn bán người ở Địa Trung Hải". Đề cập đến việc phong tỏa hải quân, một chủ đề gây tranh cãi trong những tháng qua, bà ghi nhận ý định "khôi phục đề xuất ban đầu về chiến dịch hải quân Sophia của lực lượng Hải quân Liên minh châu Âu Địa Trung Hải", trong đó "việc phong tỏa các tàu rời Bắc Phi" chưa từng được thực hiện.

Bà Meloni nói: "Chúng tôi dự định sẽ đề xuất chiến dịch này ở cấp châu Âu và thực hiện nó theo thỏa thuận với các nhà chức trách Bắc Phi, đi kèm với việc tạo ra các trung tâm kiểm soát trên các lãnh thổ châu Phi, do các tổ chức quốc tế quản lý, nơi chúng tôi có thể sàng lọc các yêu cầu tị nạn và phân loại những ai có quyền được tiếp nhận ở châu Âu và những người không có quyền đó.

Chúng tôi không có ý định đặt câu hỏi về quyền tị nạn của những người chạy trốn chiến tranh và đàn áp. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn Italy tiếp tục phải tiếp nhận dòng nhập cư từ những kẻ buôn lậu”.

(theo Formiche)

Phương Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cach-tiep-can-doi-ngoai-moi-cua-tan-thu-tuong-italy-co-gi-dac-biet-203699.html