Cách tiêm kích F-14 từ đồ bỏ đi biến thành siêu chiến đấu cơ

Hải quân Mỹ cuối cùng đã giải quyết xong các vấn đề với F-14, và Tomcat trở thành một máy bay chiến đấu phòng không mạnh nhất, trong lịch sử hàng không quân sự Mỹ.

Tiêm kích hạm hạng nặng F-14 Tomcat, được phát triển từ dự án F-111, được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara ủng hộ nhiệt thành, như một máy bay chiến đấu đa nhiệm, có thể phục vụ trong cả Hải quân và Không quân.

Tuy nhiên, nhu cầu của Không quân và Hải quân Mỹ hoàn toàn khác nhau; Hải quân muốn có một máy bay đánh chặn tầm xa, hoạt động trên tàu sân bay, do xuất phát từ mối lo ngại, về tên lửa hành trình phóng từ trên không của Liên Xô.

Khi đó, các máy bay ném bom của Liên Xô có thể tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, từ một khoảng cách rất xa, mà không cần xâm nhập vào vùng hỏa lực phòng không, trên các tàu chiến hộ vệ, hoặc máy bay chiến đấu tầm ngắn.

Với khả năng này, Không quân Liên Xô đã biến các hệ thống tên lửa, máy bay đánh chặn và phòng không nhiều lớp, mà Hải quân Mỹ đã phát triển kể từ Thế chiến thứ hai, để bảo vệ các tàu sân bay, thành đồ “trang trí”.

Thật không may, chiến đấu cơ F-111 đã không thành công trong vai trò tiêm kích hạm, do thiết kế có quá nhiều lỗi, so với yêu cầu của Hải quân Mỹ. Đặc biệt, F-111 không phù hợp với nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.

Đến giữa thập niên 1960, Hải quân Mỹ bắt đầu thực hiện một dự án thay thế, cuối cùng F-14 Tomcat được chọn, đã góp phần giải quyết mối đe dọa của máy bay ném bom Liên Xô, bằng cách kết hợp giữa tính năng hoạt động tầm xa và tốc độ cao của F-14 với tên lửa AIM-54 Phoenix; nên có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm cực xa.

. Tuy nhiên trong những năm đầu đưa vào biên chế, F-14 đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, như động cơ hoạt động thất thường, máy bay vừa nặng vừa có chi phí sử dụng tốn kém. Các quyết định về thiết kế, bao gồm cả thiết kế “cánh cụp- cánh xòe”, đã khiến F-14 trở thành con “quái vật” khó điều khiển.

Những điều này đã làm Quốc hội Mỹ chất vấn, so sánh hiệu suất của F-14 với máy bay chiến đấu hạng nặng mới của Không quân là F-15 Eagle. Cộng với tình hình thất bại trên chiến trường Việt Nam, đã có lúc Hải quân Mỹ định dừng dự án.

Nhưng nếu loại bỏ F-14, thì loại chiến đấu cơ nào sẽ thay thế được Tomcat? Nên nhớ rằng, khi F-14 bắt đầu được đưa vào phục vụ năm 1974, thì khi đó, loại tiêm kích hạm hạng trung F/A-18, còn mới đang trên bản vẽ; và phải đến tận năm 1983, mới được biên chế vào Hải quân Mỹ.

Một giải pháp thay thế đơn giản F-14, là giữ lại F-4E Phantom trong vai trò đánh chặn và chiếm ưu thế trên không. F-4 là quá đủ cho các nhiệm vụ như vậy, mặc dù nó thiếu tầm hoạt động và khả năng đánh chặn từ xa như F-14.

Trên thực tế, F-4 vẫn nằm trong biên chế Hải quân Mỹ cho đến khi F/A-18 được đưa vào biên chế, phần lớn là do yêu cầu về loại tiêm kích hạm trên tàu sân bay USS Midway và USS Coral Sea, với loại máy bay như F-4 vẫn còn.

Nhưng tất nhiên, F-4 không phải là Tomcat, và cán cân khả năng sẽ nghiêng theo hướng có lợi cho các đội hình máy bay ném bom lớn của Liên Xô, đặc biệt là sau khi Liên Xô triển khai máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-22M “Backfire”.

Một giải pháp thay thế khác là phát triển phiên bản hải quân của F-15 Eagle. Nhiều người đã suy nghĩ về vấn đề này vào đầu những năm 1970, với nhiều khái niệm khác nhau, và F-15 phiên bản trên tàu sân bay đã xuất hiện trên bản vẽ.

Sau khi sửa đổi đáng kể, để có thể hoạt động trên tàu sân bay và mang tên lửa tầm xa AIM-54, "Đại bàng biển" F-15N có thể đã trở thành một máy bay chiến đấu tương xứng, mặc dù tính năng không bằng Tomcat. Nhưng Hải quân Mỹ đã kiên quyết nói “không” với F-15 của Không quân.

Điều may mắn đến với chương trình F-14 là khi đó, các tàu sân bay lớp Essex sắp hết thời hạn sử dụng. Lúc này Hải quân Mỹ đã phát triển lớp tàu sân bay có lượng giãn nước lớn hơn, hoàn toàn chạy bằng năng lượng hạt nhân; đó chính là lớp tàu sân bay USS Carl Vinson, vào năm 1974.

Điều quan trọng nhất, là Hải quân Mỹ cuối cùng đã giải quyết được các vấn đề với F-14, và Tomcat trở thành một máy bay chiến đấu phòng không siêu hạng. F-14 với tên lửa không đối không tầm siêu xa AIM-54, đã trở thành “khắc tinh” với những biên đội máy bay ném bom, mang tên lửa hành trình của Liên Xô.

F-14 Tomcat đã trở thành chiến đấu cơ mang tính biểu tượng, và đã phục vụ Hải quân Mỹ hơn ba mươi năm, trước khi cho loại biên hoàn toàn vào năm 2006. Theo thời gian, F-14 chuyển từ vai trò phòng không hạm đội tầm xa ban đầu, sang cả nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Tuy nhiên, do F-14 có thiết kế phức tạp, chi phí sử dụng cao; đặc biệt là sự sụp đổ của Liên Xô, khiến Hải quân Mỹ mất đi đối thủ và sự thành công của Super Hornet, đã khiến F-14 trở nên thừa thãi vào những năm 2000.

Tuy nhiên trước sự trỗi dậy của Nga và đặc biệt là sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc, khiến Hải quân Mỹ hiện thiếu loại máy bay đánh chặn tầm xa hư F-14. Hiện nay, các mối đe dọa chính đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay, không chỉ đến từ máy bay ném bom, mà còn từ các tên lửa đạn đạo.

Và Hải quân Mỹ, hiện không có máy bay chiến đấu nào, có thể đảm nhiệm phòng không tầm xa. Trong bối cảnh như vậy, Hải quân Mỹ càng nhận thấy, việc họ loại bỏ F-14 quá sớm, là một sai lầm mà khó có thể khắc phục, khi nhìn các đối thủ Nga và Trung Quốc, có nhiều loại vũ khí, có thể đe dọa sự an toàn của biên đội tàu sân bay Mỹ. Nguồn ảnh: Foxtrot.

Việc Mỹ loại biên hoàn toàn các tiêm kích F-14 khiến dàn F-14 Tomcat của Iran bị đẩy vào cửa tử. Nguồn: WarPro.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cach-tiem-kich-f-14-tu-do-bo-di-bien-thanh-sieu-chien-dau-co-1566243.html