Cách tân trong văn học và nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Nói đến cách tân là nói đến sự đổi mới, sự sáng tạo để tìm ra những cái mới. Khái niệm này thường được dùng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ với các học viên về cách tân trong văn học và nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ với các học viên về cách tân trong văn học và nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Theo PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, có thể hiểu và vận dụng khái niệm cách tân trong văn học ở hai mức độ khác nhau: Thứ nhất, sáng tạo là thuộc tính của văn chương, người viết luôn phải tìm tòi để không lặp lại những người đi trước và không lặp lại chính mình, vậy nên, trong mọi tác phẩm văn học đều đã có yếu tố cách tân. Thứ hai, cách tân là một xu hướng sáng tạo với những đột phá táo bạo những bứt phá mạnh mẽ để tạo nên sự mới mẻ về hình thức và nội dung, ở mức độ này, kết quả của sự cách tân là tạo nên những hệ giá trị mới, quan điểm nghệ thuật mới,.... Chúng ta nghiên cứu những điểm cách tân trong văn học theo mức độ thứ hai này.

Suy cho cùng, mọi cái cũ trên thế gian này cũng đã từng là cái mới. Nó ra đời, tồn tại hoặc theo lẽ tự nhiên, hoặc đáp ứng nhu cầu nào đó của thời đại mà nó sinh ra. Song, thay đổi, vận động và phát triển không ngừng là quy luật tất yếu của tự nhiên. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, sự thay đổi, biến chuyển của thế giới lại càng diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những cái vốn dĩ lúc sinh ra là mới rồi cũng đến lúc sẽ trở thành cái cũ. Và nó sẽ bộc lộ những hạn chế, trở nên lạc hậu so với thời cuộc. Có những thứ có giá trị trường tồn, nhưng không có nghĩa sẽ là vĩnh viễn. Khi thế giới thay đổi, cuộc sống thay đổi thì tâm thế, thị hiếu và quan điểm thẩm mĩ của con người cũng sẽ thay đổi. Nếu nghệ thuật đứng im có nghĩa là nghệ thuật bị bỏ rơi lại phía sau.

Đã thành một quy luật, khi cái mới ra đời sẽ có sự giằng co, thậm chí là “tranh chấp” với cái cũ, bởi cái cũ không dễ dàng thừa nhận sự lạc hậu, lỗi thời của mình, trong lúc cái mới khi ra đời bao giờ cũng phải là sự tìm đường, khai phá. Sự tìm đường đó có khi đến đích, có khi không đến đích, có khi thành, khi bại. Song, nếu không có sự mạnh dạn để tìm tòi cái mới, thậm chí có lúc phải đấu tranh quyết liệt với cái cũ thì xã hội không phát triển được. Cách tân văn học bao gồm: Cách tân trong cách nhìn nhận, lý giải về đời sống; Cách tân trong cảm hứng sáng tạo và giọng điệu; Cách tân trong phương thức biểu hiện, PGS.TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, thông tin.

Văn học với việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc sẽ là giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc. Cũng như cuộc sống của dân tộc, giá trị của văn nghệ luôn vận động từ quá khứ đi tới hiện tại và tương lai. Trên tiến trình đó luôn diễn ra sự kế thừa và cách tân trong đời sống văn nghệ. Vì vậy chúng ta cần phải nhìn nhận giá trị truyền thống trong sự phát triển, đổi mới và nâng cao giá trị truyền thống làm nên bản sắc văn nghệ của dân tộc. Vì vậy Đảng ta luôn chủ trương xây dựng nền văn hóa, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng thời, xây dựng nền văn nghệ đa dạng mà thống nhất. Đất nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa độc đáo. Đó là điều kiện thuận lợi để chúng ta xây dựng một nền văn nghệ đa dạng. Trong hơn tám mươi năm xây dựng nền văn hóa, văn nghệ mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người. Chúng ta đã gìn giữ và phát triển văn hóa vật thể, phi vật thể như dân ca, dân vũ, văn học của các dân tộc, nhờ vậy nền văn nghệ Việt Nam rất phong phú. Mặt khác, chúng ta chú trọng tính thống nhất trong văn hóa, nhất là truyền thống tốt đẹp chung của những người sống trên mảnh đất Việt Nam, như: Yêu nước nồng nàn, đoàn kết để dựng nước và giữ nước, anh dũng quật cường, thủy chung, nghĩa tình, nhân ái, lạc quan.

Cùng với đó, bảo tồn và phát triển giá trị truyền thống để xây dựng nền văn nghệ dân tộc và hiện đại. Bản sắc văn hóa dân tộc vừa ổn định vừa phát triển, vì vậy văn hóa dân tộc phải kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thống nhất và đa dạng. Nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là quan điểm nhất quán của Đảng ta từ khi xây dựng Đề cương văn hóa năm 1943 đến nay. Phương châm “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” luôn luôn là kim chỉ nam trong quá trình phát triển văn hóa dân tộc.

Song song với việc kế thừa và cách tân vốn văn hóa dân tộc là quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài làm cho nền văn hóa nước nhà ngày càng phong phú, hiện đại. Đặc biệt bước sang thế kỉ XXI, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với nhân loại thì giao lưu, tiếp biến văn hóa là quy luật tất yếu. Tiếp thu văn hóa thế giới cũng cần tránh khuynh hướng rập khuôn máy móc, thiếu chọn lọc, không nhận diện được giá trị đích thực và giới hạn của những trào lưu văn hóa thế giới. Tiếp thu phải trên cơ sở đối thoại, tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua “bộ lọc” tâm hồn, tính cách và bề dày văn hóa dân tộc Việt Nam. Có như vậy chúng ta mới phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa nước nhà ngày càng phong phú, hiện đại góp phần cho văn hóa nhân loại những giá trị quý giá, những địa chỉ văn hóa hấp dẫn.

Đường lối xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật mới do Đảng ta đề xướng và không ngừng bổ sung hoàn thiện qua các giai đoạn cách mạng, được các nhà khoa học và các nhà hoạt động văn hóa làm sáng tỏ thêm. Đó là đường lối đúng đắn, nhất quán mà linh hoạt, phù hợp với quy luật phát triển nội tại của văn hóa, văn nghệ nước ta phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.

Quán triệt sâu sắc và đầy đủ đường lối văn nghệ của Đảng, nhận thức rõ vai trò của văn hóa, văn nghệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, những người hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ phấn khởi và tin tưởng, không ngừng sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hóa mới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/cach-tan-trong-van-hoc-va-nhiem-vu-bao-ton-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-a19604.html