Cách nhận biết chân máy ô tô có vấn đề

Chân máy ô tô đóng vai trò liên kết khối động cơ với khung xe, có chức năng quan trọng góp phần giữ cho động cơ ổn định và cần được bảo trì như các bộ phận khác.

Chân máy ô tô là gì?

Chân máy ô tô là bộ phận được lắp giữa động cơ và khung xe với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau để phù hợp với nhiều nhu cầu của xe.

Thông thường chất liệu của chân máy được làm bằng kim loại và cao su. Trong đó, cao su được sử dụng để hấp thụ và giảm sự rung động còn kim loại được sử dụng để chống chịu lực.

Nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng chân máy ô tô chính là lớp cao su bị lão hóa hoặc vỏ kim loại bị hư hại sau thời gian dài sử dụng. Dưới đây là một số triệu chứng nhận biết chân máy ô tô đang có vấn đề.

Chân máy không được cố định là dấu hiệu đang có vấn đề. (Ảnh minh họa).

Dấu hiệu chân máy ô tô đang hư hỏng

Chân máy ô tô sẽ có một vài triệu chứng nếu gặp vấn đề như rung động quá mức, tiếng ồn, động cơ dịch chuyển và vô lăng bị rung.

Xe bị rung, lắc khi di chuyển

Đây là triệu chứng khá rõ rệt giúp chủ xe biết chân máy đang gặp vấn đề. Cụ thể máy rung quá động quá mức, bởi khi các bộ phận giảm xóc của chân máy hoặc cao su bị bào mòn hay hư hỏng thì khả năng hấp thụ rung từ động cơ gần như bằng 0.

Tiếng ồn từ khoang động cơ

Một triệu chứng khác khi chân máy động cơ gặp trục trặc là tiếng ồn phát ra từ khoang động cơ do cao su chân máy bị mòn. Theo đó, sẽ phát ra tiếng va chạm, tiếng đập mạnh và các âm thanh hỗn hợp khác do động cơ chuyển động quá mức tới các điểm tiếp xúc khi chân máy bị mòn hoặc hư hỏng.

Vô lăng bị rung nhẹ

Khi cao su chân máy ô tô gặp vấn đề thì dao động từ động cơ gần như không được hấp thụ dẫn đến rung động trong khoang động cơ trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này kéo theo hệ lụy là làm cho vô lăng bị rung theo vì rung động này sẽ truyền đến thước lái thông qua các chi tiết trong hệ thống treo.

Ở dấu hiệu này người lái xe dễ nhận biết khi chạy xe với tốc độ cao.

Động cơ dịch chuyển

Nếu chân động cơ trong tình trạng hoạt động tốt, thiết bị này sẽ đảm bảo động cơ cố định vững chắc trong khoang động cơ. Ngược lại, nếu chân máy gặp vấn đề hoặc không cố định tốt thì có thể dẫn đến việc động cơ di chuyển lên phía trước, ra phía sau hoặc từ bên này sang bên kia trong khoang động cơ.

Dịch chuyển này có thể cảm nhận rõ nhất khi xe đang ở tốc độ cao và một số trường hợp còn kèm theo cả tiếng ồn. Đồng thời chuyển động này còn gây hưng hỏng cho các khung gầm của xe.

Điều đáng nói, cao su và kim loại chân máy ô tô rất ít được chủ xe quan tâm. Do đó, tài xế cần chú ý nhiều hơn, nếu phát hiện xe của mình có những biểu hiện nêu trên thì khẩn trương mang xe đi sửa chữa.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cach-nhan-biet-chan-may-o-to-co-van-de-ar868691.html