Cách Nga chống 'Kẻ hủy diệt radar' trên chiến trường Ukraine

Tên lửa chống radar AGM-88 được ví là 'Kẻ hủy diệt radar' trong chiến tranh vùng Vịnh, được Mỹ viện trợ cho Ukraine; vậy Nga Nga chống đỡ thế nào?

AGM-88 là loại tên lửa chống bức xạ được Quân đội Mỹ đưa vào sử dụng từ đầu thập niên 1980. HARM là viết tắt của từ tiếng Anh có nghĩa là "Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao", chủ yếu được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất, phát ra sóng điện từ như đài radar và trạm liên lạc.

Nguyên lý hoạt động của loại tên lửa HARM thực ra rất đơn giản, đó là dựa vào sóng radar của đối phương phát ra, để đầu dò tên lửa bám theo; được Quân đội Mỹ sử dụng từ thời chiến tranh Việt Nam, nhằm tiêu diệt các đài radar của hệ thống tên lửa phòng không SAM-2 của QĐND Việt Nam.

HARM có đầu dò mục tiêu khác những tên lửa truyền thống, chẳng hạn như tên lửa AIM-9 Sidewinder, khi sử dụng thiết bị tìm kiếm hồng ngoại để xác định vị trí của nguồn phát tia hồng ngoại (chẳng hạn như động cơ máy bay) trong không trung và hoàn thành quá trình dẫn đường để bắn trúng mục tiêu.

Còn tên lửa AGM-88E được trang bị ăng-ten thu sóng vô tuyến dải hẹp trong đầu dò tên lửa, do đó nó có thể nhận và khớp với sóng radar của đối phương phát ra, từ đó dẫn đường cho tên lửa bay thẳng vào nơi phát ra nguồn sóng đó.

Về nguyên tắc, nó không khác nhiều so với tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại, sự khác biệt là nó phải có sóng radar của đối phương bật lên, HARM sẽ bay về phía vị trí có tín hiệu sóng radar mạnh nhất.

Như vậy, tên lửa HARM AGM-88 không phải là một vũ khí gì quá đặc biệt, trong Chiến tranh Việt Nam, Quân đội Mỹ đã bắt đầu sử dụng tên lửa AGM-45 Shrike. Nhưng phiên bản HARM AGM-88 là tên lửa đã được hiện đại hóa chuyên sâu.

Trên thực tế, tên lửa AGM-45 Shrike được cải tiến từ tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow, mặc dù khối lượng đầu đạn đã được tăng lên tới 67,5 kg (AIM-7 là 40 kg), nhưng vẫn có sức công phá nhỏ, sức sát thương đối với mục tiêu mặt đất không lớn lắm.

Vì những nhược điểm này, Hải quân Mỹ đã phát triển tên lửa chống bức xạ tiêu chuẩn AGM-78 và Không quân Mỹ đã phát triển tên lửa chống bức xạ AGM-88; cả hai đều sử dụng lượng thuốc nổ tương đối lớn, để có thể phá hủy mục tiêu được mạnh hơn.

Mỹ đã cải tiến tên lửa HARM AGM-88 khi nâng đầu đạn nên tới 97 kg thuốc nổ, cho sức công phá tương đương quả bom nhỏ và mạnh hơn với một quả đạn pháo cỡ nòng lớn. Nếu tên lửa phát nổ ở cự ly gần, đủ để phá hủy ăng-ten radar và khiến radar mất khả năng chiến đấu.

Đồng thời, AGM-88 cũng có thể xác định tín hiệu sóng bên cạnh của đài radar, thay vì tấn công đài radar từ phía trước. HARM dựa vào dải sóng bên của đài radar để xác định vị trí của radar và dẫn đường cho tên lửa công kích, khiến radar không thể nhận biết được HARM đang lao tới.

Về lý thuyết, có bốn biện pháp chính để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa chống bức xạ. Cách thứ nhất là tắt radar, khi radar không phát ra tín hiệu vô tuyến, nó sẽ không bị tên lửa chống bức xạ bắn trúng. Điều này là do tên lửa chống bức xạ chỉ được dẫn đường bằng tín hiệu radar của đối phương.

Tất nhiên, nếu radar không bật, thì nó thực sự không khác gì bị vô hiệu hóa. Trong thời chiến, một số radar sẽ được bật luân phiên và chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, vừa để tránh sự phát hiện của tên lửa chống bức xạ, khiến tên lửa không có sóng radar để xác định mục tiêu.

Biện pháp thứ hai là tạo ra một số lượng lớn các nguồn gây nhiễu tín hiệu radar. Một số lượng lớn các nguồn tín hiệu radar giả được thiết lập với chi phí rất thấp, để đánh lừa tên lửa chống bức xạ tấn công các mục tiêu giả, từ đó nâng cao khả năng sống sót của radar thật.

Phương pháp thứ ba là sử dụng loại radar không phát ra sóng radar, khác với việc tắt radar; đây chính là loại radar thụ động. Bản thân đài radar thụ động không phát ra tín hiệu vô tuyến radar, nên tên lửa chống bức xạ không thể tấn công hệ thống radar thụ động.

Phương pháp thứ tư đó là tên lửa AGM-88 phải do máy bay phóng đi; các kỹ sư Mỹ và Ukraine đã hợp tác để cải tiến những chiếc MiG-29 của Ukraine, có thể phóng được loại tên lửa này của Mỹ. Đó là cải tiến rất đáng ghi nhận của cả Ukraine và Mỹ.

Tuy nhiên, để phóng tên lửa AGM-88, MiG-29 của Ukraine phải ở độ cao nhất định và phục đài radar của Nga phát sóng. Nhưng MiG-29 của Ukraine cất cánh đã bị Nga phát hiện và những chiếc Su-35S với tên lửa không đối không tầm xa R-37M đã phục sẵn.

Trong bốn biện pháp chống tên lửa AGM-88, biện pháp thứ tư được Nga sử dụng nhiều nhất. Thực tế cho thấy, phần lớn số máy bay MiG-29 của Ukraine cất cánh phóng tên lửa AGM-88 đều bị Không quân Nga bắn hạ.

Theo các nguồn tin phương Tây cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, tên lửa HARM của Ukraine vẫn chưa thể bắn trúng vào bất cứ bộ phận nào của hệ thống phòng không Nga, kể cả radar dẫn đường và dẫn bắn ở chiến trường Ukraine.

Tiến Minh (Theo Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cach-nga-chong-ke-huy-diet-radar-tren-chien-truong-ukraine-1945721.html