Cách làm sạch, bảo quản trái cây và rau củ quả đơn giản nhất nhưng tốt nhất

Rau củ, trái cây là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống và nhiều loại còn được ăn sống, không qua nấu chín. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm sạch và bảo quản rau củ, trái cây đúng cách để an toàn cho sức khỏe.

Trên mạng internet tràn ngập các cách khác nhau để làm sạch rau củ và trái cây như ngâm trước trong nước với baking soda/giấm hoặc sử dụng máy lọc điện nhỏ, cũng như nhiều dụng cụ đặc biệt để bảo quản thực phẩm…

Nội dung

1. Cách tốt nhất để làm sạch, bảo quản trái cây và rau củ quả là gì?

2. Có nên dùng giấm, baking soda hay các chất tẩy rửa rau quả?

3. Những loại rau, củ và trái cây nên được bảo quản thế nào?

4. Lời khuyên khác trước khi ăn hoặc bảo quản trái cây và rau củ quả

Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng nhưng các phương pháp dưới đây là cách tốt nhất để làm sạch và bảo quản rau, củ, trái cây dễ dàng, hiệu quả.

1. Cách tốt nhất để làm sạch, bảo quản trái cây và rau củ quả là gì?

TS. Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

TS. Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Trong quá trình trồng trọt, thu hái, đóng gói, vận chuyển, rau củ và trái cây có thể tiếp xúc với nhiều bụi bẩn, vi khuẩn và hóa chất. Đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm thực phẩm hoặc lây nhiễm chéo trong quá trình chế biến tại gia đình. Do đó, các loại rau củ và trái cây phải được rửa sạch trước khi ăn hoặc chế biến.

Phương pháp làm sạch sản phẩm khá đơn giản và không cần nhiều bước hoặc các dụng cụ nhà bếp cầu kỳ.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rửa rau, củ, quả bằng nước sạch là một biện pháp làm sạch hiệu quả. Tất cả các loại rau, củ, quả đều cần rửa kỹ trước khi ăn, ngay cả những loại có vỏ không ăn được.

TS. Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm, rau củ và trái cây, dù là các loại bán ở các siêu thị, vẫn phải rửa thật sạch trước khi ăn hoặc chế biến. Tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy và cọ nhẹ để loại bỏ các bụi bẩn, vi khuẩn hoặc tồn dư hóa chất.

Nên rửa sạch trái cây, rau củ quả dưới vòi nước chảy.

Nên rửa sạch trái cây, rau củ quả dưới vòi nước chảy.

Các bước để làm sạch rau củ và trái cây:

- Loại bỏ những phần hỏng, thối, không ăn được trước khi rửa và chế biến;

- Rửa kỹ bằng nước sạch, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy. Đối với rau, rửa kỹ lá và chú ý rửa sạch phần bẹ lá bị khuất. Đối với củ và trái cây, rửa kỹ và cọ nhẹ bằng tay hoặc bàn chải mềm (đối với những loại củ dính nhiều đất như khoai hoặc quả có vỏ cứng như các loại dưa).

- Để ráo nước hoặc có thể lau khô bằng khăn mềm/khăn giấy sạch để tiếp tục làm giảm vi khuẩn có thể còn trên bề mặt.

Đối với những loại rau, củ và trái cây chế biến để ăn liền hoặc đã rửa và đóng bao gói vệ sinh thì không cần phải rửa lại.

2. Có nên dùng giấm, baking soda hay các chất tẩy rửa rau quả?

Rửa sản phẩm bằng giấm, baking soda, nước chanh hoặc một số sản phẩm khác có vẻ phổ biến nhưng không cần thiết. Những phương pháp này sẽ không nâng cao giá trị dinh dưỡng của hoặc rau củ và trái cây và sẽ không giúp bảo quản được lâu hơn. Đồng thời, các loại nước rửa rau củ và trái cây thương mại cũng không được khuyến khích sử dụng.

Một nhược điểm khác khi rửa rau củ và trái cây trong giấm (hoặc các chất tẩy rửa mạnh khác) có thể làm thay đổi mùi vị của thực phẩm.

3. Những loại rau, củ và trái cây nên được bảo quản thế nào?

Khoai tây có thể để ở nhiệt độ phòng từ 10-15 ngày hoặc hơn.

Khoai tây có thể để ở nhiệt độ phòng từ 10-15 ngày hoặc hơn.

Theo TS. Trần Việt Nga, mỗi loại rau củ sẽ có thời gian bảo quản khác nhau nên những hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn biết cách bảo quản rau, củ và trái cây đúng cách, đảm bảo chất lượng tốt nhất:

- Bảo quản riêng rau, củ ăn sống và trái cây với các loại thịt và hải sản sống;

- Bảo quản mát các loại rau, củ và trái cây đã gọt, cắt và nấu chín trong vòng 2 giờ sau khi chế biến hoặc càng sớm càng tốt;

- Nhiều loại trái cây và rau quả chỉ nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Việc bảo quản lạnh có thể làm mất chất dinh dưỡng, mất hương vị hoặc ngăn cản độ chín.

4. Lời khuyên khác trước khi ăn hoặc bảo quản trái cây và rau củ quả

1. Rửa sạch tay

Cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến rau sống, gọt vỏ trái cây và củ quả ăn sống.

2. Sử dụng dụng cụ chế biến sạch

Các dụng cụ chế biến như dao, thớt cũng như các bề mặt chế biến cũng phải được rửa sạch và khử trùng đúng cách trước khi chế biến thực phẩm.

Bảo Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-lam-sach-bao-quan-trai-cay-va-rau-cu-qua-don-gian-nhat-nhung-tot-nhat-169230905125803904.htm