Cách làm mát cơ thể cầu thủ trước cái nóng Qatar

Duy trì thành tích thể thao trong bối cảnh nắng nóng khắc nghiệt là một trong những vấn đề đáng lo ngại của mùa World Cup 2022 diễn ra tại Qatar.

 Chườm khăn đá và uống nước lạnh hoặc nước đá là các biện pháp có thể làm mát nhiệt độ trong cơ thể. Ảnh: Fifpro.

Chườm khăn đá và uống nước lạnh hoặc nước đá là các biện pháp có thể làm mát nhiệt độ trong cơ thể. Ảnh: Fifpro.

Theo Nature, khi trận đấu đầu tiên của World Cup 2022 khai mạc tại Qatar vào ngày 20/11, nhiệt độ tại đây là khoảng 30 độ C và độ ẩm sẽ lên tới 60%.

Cách đây 12 năm, Qatar giành được quyền đăng cai World Cup, lúc đó nhiệt độ cao tại quốc gia này là một trong những điều khiến mọi người lo ngại. Kể từ đó, nhiệt độ trung bình hàng năm trên cả nước tăng khoảng 1 độ C.

World Cup 2022 là giải đấu đầu tiên được tổ chức vào tháng 11 nhằm tránh mùa hè nóng bức ở Qatar. Nhưng các cầu thủ bóng đá sẽ xoay sở như thế nào? Và giải đấu có rút ra bài học về cách ngành thể thao nói chung có thể thích nghi với một thế giới đang nóng lên hay không?

Khi nói đến nhiệt độ và sức khỏe của vận động viên, chúng ta thường nhắc đến biện pháp “nhiệt độ bầu ướt toàn cầu” (WBGT), sự kết hợp giữa nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác bao gồm góc của mặt trời và tốc độ gió.

Độ ẩm cao khiến cơ thể nóng hơn. Lúc này, đổ mồ hôi để làm mát cơ thể sẽ kém hiệu quả hơn do có quá nhiều nước trong không khí. Vì vậy, chơi thể thao với WBGT cao có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao một cách nguy hiểm.

Các sân vận động có máy điều hòa nhiệt độ sẽ làm giảm mức độ tiếp xúc với nhiệt cho các cầu thủ thi đấu tại World Cup, nhưng các đội vẫn có thể gặp một số căng thẳng do nhiệt.

 Qatar cho lắp các máy điều hòa không khí tại sân vận động để làm giảm đáng kể nhiệt độ trong sân đấu. Ảnh: Adomonline.

Qatar cho lắp các máy điều hòa không khí tại sân vận động để làm giảm đáng kể nhiệt độ trong sân đấu. Ảnh: Adomonline.

Carolyn Broderick, nhà khoa học thể thao tại Đại học New South Wales, Sydney, Australia, Giám đốc y tế của Tennis Australia và đội tuyển Olympic Australia, cho biết ảnh hưởng của điều hòa không khí đối với khán giả sẽ rõ hơn nhiều so với những người ở giữa sân, vì không khí mát mẻ tỏa ra từ dưới ghế ngồi trên khán đài và từ các bức tường bên sân.

Thijs Eijvogels, nhà sinh lý học thể dục tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud ở Nijmegen, Hà Lan, cho biết một số sân vận động có mái che mở, đặc biệt là trong các trận đấu giữa trưa, các cầu thủ vẫn có thể bị căng thẳng do nhiệt.

Ông Eijvogels nói thêm các khu liên hợp huấn luyện tại World Cup chỉ là sân tập thông thường và không có điều hòa.

Cách thích nghi với khí hậu

Vận động viên có thể chuẩn bị tốt cho cơ thể, nếu họ có đủ thời gian. Ông Eijsvogels đã giúp các vận động viên Hà Lan rèn luyện cơ thể tốt nhất cho một sự kiện thể thao hấp dẫn khác: Olympic Tokyo 2020.

Trước Thế vận hội, ông đã cho các vận động viên ở trong môi trường được kiểm soát (16 độ C) và sau đó là trong các điều kiện mô phỏng khí hậu mùa hè ở Tokyo.

Ông nói: “Chúng tôi quan sát thấy mức giảm hiệu suất trung bình là 25%”. Để giảm thiểu điều này, nhóm của ông cho các vận động viên tiếp xúc với nhiệt trong quá trình luyện tập và nhận thấy hiệu suất của họ sau đó được cải thiện trong điều kiện nóng.

Ông Eijsvogels giải thích: “Chúng tôi là động vật nhiệt đới. Đối với các cầu thủ bóng đá đến từ vùng có khí hậu tương tự như Bắc Âu, việc tiếp xúc với nhiệt độ trong 10-14 ngày là đủ để trở nên thích nghi hoàn toàn”.

Các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm cách phát hiện khi nào vận động viên cảm thấy quá nóng cũng như biện pháp hạ nhiệt độ xuống mức an toàn.

Ollie Jay, Giám đốc Vườn ươm Nghiên cứu Nhiệt và Sức khỏe tại Đại học Sydney, cho biết: “Vấn đề không phải là môi trường nóng, mà là con người nóng". Broderick, Jay và các đồng nghiệp của ông đã phát triển thang đo căng thẳng nhiệt. Nó có thể đưa ra thước đo rủi ro khi WBGT tăng lên.

Jay cho biết hệ thống này được sử dụng thành công trong Giải Quần vợt Australia Mở rộng, nhờ nó mà một trong những trận bán kết của nữ năm 2019 phải tạm dừng để sân vận động được che phủ và làm mát.

Các biện pháp can thiệp khác cũng được xem là hữu ích như chườm khăn đá và uống nước lạnh hoặc nước đá để làm mát nhiệt độ cốt lõi của cơ thể. Jay cho biết trong trận thi đấu quần vợt, thật đơn giản để giúp người chơi làm dịu cơ thể, vì trận đấu thường có buổi giải lao 90 hoặc 120 giây. Nhưng trong bóng đá, việc đặt ra các khoảng nghỉ này rất khó.

Sự thay đổi khí hậu

Làm thế nào để duy trì thành tích thể thao trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt là vấn đề cấp bách hơn khi sự nóng lên toàn cầu khiến nhiệt độ tăng cao.

Liên đoàn Cầu thủ Chuyên nghiệp Quốc tế (FIFPRO) ở Amsterdam đã kêu gọi ngành công nghiệp bóng đá chú ý hơn đến việc thi đấu dưới thời tiết nóng có liên quan đến biến đổi khí hậu. FIFPRO cũng đang kêu gọi bảo vệ các cầu thủ nhiều hơn bao gồm cả việc thêm buổi nghỉ giải lao.

Ông Eijsvogels cho biết vận động viên nghiệp dư có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, vì họ ít được tiếp cận với các biện pháp can thiệp làm dịu cơ thể và thích nghi với khí hậu so với vận động viên chuyên nghiệp.

Jay cho biết với sự quản lý, giảm thiểu và giám sát thông minh, thể thao có thể tiếp tục phát triển trong điều kiện khí hậu đang thay đổi.

“Nếu bạn có sẵn hệ thống quản lý rủi ro dựa trên bằng chứng xác thực và hoạt động hiệu quả, đồng thời hệ thống đó được triển khai đúng cách, thì những gì bạn thực sự phải làm là mở rộng các điều kiện để cầu thủ có thể thi đấu một cách an toàn”, ông nói.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-lam-mat-co-the-cau-thu-truoc-cai-nong-qatar-post1376984.html