Cách gì để người lao động không rút BHXH một lần?

Nên quy định người lao động vẫn có quyền lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần, song cũng cần có phương án để họ có nhiều lựa chọn, thấy rõ quyền lợi nếu ở lại hệ thống, đảm bảo cuộc sống an sinh khi về già.

Tại Nghị trường Quốc hội thảo luận về Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi, theo đề xuất của Chính phủ có 2 phương án về rút BHXH một lần xin ý kiến đại biểu.

Vẫn có quyền rút BHXH một lần

Phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được rút BHXH một lần. Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH một lần, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Quốc hội thảo luận về Luật BHXH sửa đổi.

Quốc hội thảo luận về Luật BHXH sửa đổi.

Phương án 2, người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nếu có nguyện vọng thì chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, quy định về BHXH một lần tiếp tục được điều chỉnh theo hướng người lao động có quyền rút. “Ban soạn thảo Luật và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động”, ông cho biết.

Góp ý cho Dự luật, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) đánh giá dự thảo Luật đưa ra 2 phương án hưởng BHXH một lần với mục đích chung là để hạn chế người rút. Nhưng phương án 1 chỉ cho phép những người tham gia trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, nếu đủ điều kiện được rút BHXH một lần. Đối với những người tham gia BHXH sau ngày Luật có hiệu lực lại không đề cập đến. Như vậy, phương án này không đầy đủ.

Phương án 2 cho tất cả những người lao động được rút BHXH một lần khi đủ điều kiện. Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều người lao động có lương thấp, mức đóng BHXH thấp, khi rút BHXH một lần thì số tiền nhận được rất ít, không giải quyết được khó khăn.

Do vậy, đại biểu đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ BHXH để thành lập quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) dẫn số liệu BHXH Việt Nam cho thấy, chỉ trong tháng 7/2023, cả nước đã có 92.000 người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần. Khi các doanh nghiệp chậm đóng BHXH càng tăng, số liệu của BHXH năm 2020 là 11.477 tỷ, năm 2021 là 12.512 tỷ, năm 2022 là 12.998 tỷ và 6 tháng đầu năm 2023 là 15.979 tỷ.

“Số người lao động bị ảnh hưởng quyền BHXH càng tăng, họ bức xúc và mong muốn nhận BHXH một lần”, bà Nga cho biết. Vì vậy, cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần.

Cần đa dạng các phương án

Trong dự thảo Luật có đề xuất 2 phương án. Về nội dung này, đại biểu Nga cho rằng có thể nói cả 2 phương án của dự thảo, nhất là việc chia thành 2 trường hợp trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực sẽ dẫn đến việc gia tăng tình trạng một bộ phận người lao động rút BHXH một lần trước thời điểm Luật có hiệu lực, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài.

Nếu người lao động rút BHXH một lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện khắt khe

Nếu người lao động rút BHXH một lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện khắt khe

“Tôi cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH một lần, tuy nhiên phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần để một lượng người không lớn đáp ứng điều kiện. Do vậy, Luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn”, bà Nga kiến nghị.

Theo bà Nga, lựa chọn thứ nhất, nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm so với thông thường. Các chế độ tăng thêm được thiết kế trong dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp. Cụ thể là giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, rồi hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ với tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng trợ cấp bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng; người lao động trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chính sách tín dụng.

Lựa chọn thứ hai, nếu người lao động rút BHXH một lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện khắt khe.

Lựa chọn thứ ba, người lao động có thể rút 50% và bảo lưu 50%. Phương án này giúp giải quyết một phần khó khăn của người lao động khi mất việc, vừa tạo cơ hội cho họ tái tiếp tục BHXH một lần khi có điều kiện.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thẳng thắn cho rằng, tại sao chính sách BHXH rất nhân văn nhưng lại không được người lao động đồng tình, đó là vấn đề cần được tiếp tục làm rõ, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn; về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống.

Theo ông Tám, nên quy định theo hướng người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần. Những trường hợp khi hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được rút phần mình đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để người lao động tiếp tục đóng hoặc họ hưởng khi hết tuổi lao động.

Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến góp ý của các Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi, chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình Quốc hội thông qua kỳ vào họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Minh Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/cach-gi-de-nguoi-lao-dong-khong-rut-bhxh-mot-lan-1096833.html