Cách chữa táo bón tại nhà

Khi bị táo bón, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung men vi sinh vào thực đơn. Nếu trường hợp táo bón kéo dài, người bệnh cần tới cơ sở y tế vì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.

Táo bón là một triệu chứng thường gặp ở nhiều độ tuổi, đối tượng. Táo bón khiến người bệnh khó đi đại tiện, phân thường ở tình trạng khô, cứng, khi đi đại tiện cần dùng nhiều sức để rặn, thời gian đi đại tiện lâu và nhiều ngày mới đi một lần.

Vì sao bị táo bón?

Một số nguyên nhân thường gặp gây ra táo bón như:

- Ăn uống không đủ chất xơ

- Uống không đủ nước

- Nhịn đi đại tiện trong một thời gian dài lúc này đại tràng tái hấp thu lại nước cũng gây ra tình trạng táo bón.

ThS.BSCKII Nguyễn Thị Song Thao hướng dẫn cách khắc phục táo bón tại nhà.

Đối với những trường hợp này, nếu điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc sử dụng các loại thuốc có tác dụng nhuận tràng nhẹ, bổ sung thêm chất xơ… sẽ khắc phục được tình trạng táo bón. Tuy nhiên, có một số trường hợp cảnh báo cần thăm khám sớm để không bỏ sót các triệu chứng nguy hiểm như:

- Táo bón kéo dài: khi người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc không có tác dụng. Hoặc trong trường hợp dùng thuốc bệnh có tiến triển, tuy nhiên khi dừng thuốc lại tái diễn tình trạng táo bón thì trong vòng 2-3 tuần người bệnh nên tới cơ sở y tế.

- Có các triệu chứng khác đi kèm như: Đi ngoài ra máu, gầy sút cân, sốt kéo dài…

Lúc này, người bệnh nên thăm khám tại cơ sở y tế vì đó có thể là cảnh báo của một số bệnh lý như ung thư đại tràng.

Thông thường, đi ngoài táo bón đến khoảng 4-5 ngày không thể đi ngoài, người bệnh cảm thấy khó chịu và nên đến bệnh viện. Lúc này người bệnh sẽ được làm một số xét nghiệm như: nội soi đường tiêu hóa và một số thăm dò khác để chẩn đoán.

Việc táo bón kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý nguy hiểm.

Cách chữa táo bón tại nhà

Để khắc phục tình trạng táo bón tại nhà, đầu tiên người bệnh nên cải thiện chế độ ăn uống. Nên bổ sung các loại rau xanh hoặc trái cây tươi vào thực đơn hàng ngày.

Người bị táo bón nên ăn gì? Một số loại rau có tác dụng nhuận tràng tốt cho người bị táo bón như lá rau lang (rau khoai lang), bí đỏ, bắp cải…

Người bị táo bón không nên ăn gì? Trong một số loại rau xanh có thể gây tình trạng táo bón như rau ngót hoặc rau cải xanh. Bên cạnh đó, người bệnh cần uống đủ nước và duy trì chế độ ăn uống điều độ. Việc ăn ít quá cũng có thể gây táo bón vì thức ăn luân chuyển trong ruột quá lâu có thể gây ra tình trạng tái hấp thu lại nước.

Để cải thiện tình trạng táo bón người bệnh có thể bổ sung men vi sinh vào thực đơn hàng ngày.

Người bị táo bón có thể bổ sung men vi sinh trong thực đơn hàng ngày như sữa chua hoặc một số loại thuốc không kê đơn như forlax.

Trong những trường hợp táo bón quá không thể đi ngoài được, có bít tắc ở phía dưới thì người bệnh không nên uống nhuận tràng ngay mà cần xử lý để đường tiêu hóa thông. Ở các hiệu thuốc hiện có bán các loại thuốc thụt, người bệnh có thể mua về và tự thụt ở nhà.

Nếu trong trường hợp xử lý tại nhà không có hiệu quả thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.

ThS.BSCKII Nguyễn Thị Song Thao

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-chua-tao-bon-tai-nha-169240205143831008.htm