Cách chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết

Trong thời gian dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, trẻ em là nhóm có nguy cơ cao do đặc thù về sinh hoạt và thể trạng.

 Việc chăm sóc trẻ tại nhà phù hợp sẽ hạn chế nguy cơ do sốt xuất huyết. Ảnh: Jenna_christina.

Việc chăm sóc trẻ tại nhà phù hợp sẽ hạn chế nguy cơ do sốt xuất huyết. Ảnh: Jenna_christina.

Theo y văn, bệnh sốt xuất huyết (SXH) xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do virus Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay sốt dengue) gây ra. Loại virus này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4.

Người bệnh có thể nhiễm từ một đến 4 chủng virus và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người từng bị sốt xuất huyết có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại.

Vì vậy, một người có thể sẽ bị sốt xuất huyết nhiều hơn một lần. Virus Dengue lây lan qua người chủ yếu do muỗi cái thuộc giống Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti.

Trên thực tế, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm với cao điểm là mùa mưa - thời gian sinh sản của muỗi. Bệnh được ghi nhận ở cả người lớn và trẻ em, gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Với một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Theo thạc sĩ Đặng Khánh Ly, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), trẻ em là một trong những nhóm có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết do đặc thù về sinh hoạt và thể trạng dễ bị muỗi đốt. Mặt khác, do sức đề kháng kém, trẻ dễ gặp các biến chứng nặng.

Thông thường, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi triệu chứng thường xuyên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Việc này đặc biệt quan trọng với nhóm trẻ em.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày, khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa khám và phát hiện tới 7-10 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (chiếm 10% lượng bệnh nhân tới khám). Số trẻ phải nhập viện để theo dõi điều trị mỗi ngày cũng lên tới 3-5 trường hợp.

Lượng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết hiện phải điều trị nội trú là 15 trường hợp, chiếm 30% trên tổng số bệnh nhân tại khoa.

 BS Đặng Khánh Ly thăm khám cho một trẻ mắc sốt xuất huyết phải điều trị nội trú. Ảnh: MT.

BS Đặng Khánh Ly thăm khám cho một trẻ mắc sốt xuất huyết phải điều trị nội trú. Ảnh: MT.

BS Ly cho hay các bệnh nhân đều đi khám từ rất sớm, ngay ngày đầu của bệnh, được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn theo dõi sát và hẹn tái khám liên tục nên may mắn chưa có trường hợp nào trở nặng do nhập viện muộn.

Mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết ở trẻ em

Theo BS Đặng Khánh Ly, sốt xuất huyết Dengue bao gồm các triệu chứng sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Do đó, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, trẻ dễ có nguy cơ tử vong.

Mặt khác, sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn gồm: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

“Ở giai đoạn sốt (từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4), trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trong 4-5 ngày, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt. Với trẻ nhỏ, các bé có biểu hiện bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thường đau đầu, chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết, đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam”, vị chuyên gia thông tin.

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh.

Lúc này, trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, các bé sẽ mệt hơn, lờ đờ, li bì, ăn kém, tiểu ít, phát ban xuất huyết toàn thân.

Trong đó, các biểu hiện xuất huyết tiêu biểu là: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, hành kinh số lượng nhiều ồ ạt (ở trẻ nữ), xuất huyết nội tạng (đi ngoài phân đen), xuất huyết não (co giật, hôn mê).

Các biểu hiện thoát dịch gồm: Dịch ổ bụng (đau bụng, chướng bụng, tức bụng), dịch màng phổi (ho tăng, tức ngực, khó thở), mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc kẹt.

BS Ly nhấn mạnh: “Cha mẹ cần lưu ý xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Nguyên nhân là có thể trẻ mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không xuất hiện triệu chứng xuất huyết, bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm”.

 Trẻ có nguy cơ diễn biến nặng do sốt xuất huyết dù đã hạ sốt. Ảnh minh họa: Rex_pickar.

Trẻ có nguy cơ diễn biến nặng do sốt xuất huyết dù đã hạ sốt. Ảnh minh họa: Rex_pickar.

Vị chuyên gia cho hay một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết là trẻ bị sốc. Lúc này, biểu hiện gồm 3 tình trạng là giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp.

“Nếu không phát hiện xử trí kịp thời trong những tình huống này, trẻ dễ đi vào sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng”, BS Ly nói.

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ là giai đoạn phục hồi. Lúc này, trẻ sẽ hết sốt, tình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, tỉnh táo hơn, đỡ mệt, ăn ngon hơn, tiểu nhiều, ban xuất huyết dưới da hết dần, đỡ và hết đau bụng.

Khi xét nghiệm máu, số lượng bạch cầu trong giai đoạn này cũng tăng lên nhanh, lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Lưu ý trong chăm sóc và điều trị

Theo BS Đặng Khánh Ly, điều quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em là kiểm soát nhiệt độ, không để trẻ nhỏ sốt quá cao dẫn đến co giật. Tình trạng sốt quá cao với trẻ lớn cũng có thể dẫn tới mê sảng.

Do đó, người chăm sóc cần bù đủ dịch qua đường uống nếu trẻ tỉnh táo, uống được. Trong trường hợp trẻ mệt không uống được, cần bù dịch qua đường truyền nhưng dưới sự giám sát và thực hiện của nhân viên y tế.

Đồng thời, trong quá trình điều trị trẻ sốt xuất huyết, phụ huynh cũng như nhân viên y tế cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh nếu có.

Khi điều trị tại nhà, cha mẹ trẻ cần lưu ý nếu trẻ bị sốt cần đưa con đến bệnh viện khám và chẩn đoán ngay.

“Phần lớn các trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết đều có thể được điều trị tại nhà. Sau khi khám, các bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà cũng như theo dõi để phát hiện các biến chứng sớm nếu có”, BS Ly cho hay.

Lúc này, gia đình cần biết cách chăm sóc trẻ sốt tại nhà, cho con uống thuốc đúng loại, liều, thời gian theo đơn của bác sĩ. Đồng thời, phụ huynh tuyệt đối không được lạm dụng thuốc hạ sốt hay các thuốc khác.

Song song với đó, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, khuyến khích ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đồng thời theo dõi lượng nước tiểu của trẻ (tiểu nhiều, nước tiểu trong) để biết là bé được bù đủ dịch hay chưa.

Ngoài ra, cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu cảnh báo để đưa trẻ khám ngay như chảy máu cam, chảy máu chân răng, phát ban tăng dần, tiểu ít, trẻ mệt không chịu chơi, ăn uống kém, đau bụng, đi ngoài phân đen, hành kinh số lượng nhiều hơn bình thường trong giai đoạn bị bệnh…

Một lưu ý khác là cần cho trẻ tái khám theo hẹn của bác sĩ để làm xét nghiệm kiểm tra theo dõi (thường đến hết 7 ngày của bệnh hoặc ít nhất 48h sau khi hết sốt).

Để phòng tránh sốt xuất huyết ở trẻ em, BS Ly khuyến cáo cần tránh trẻ bị muỗi đốt thông qua việc kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng trong và xung quanh khu vực sinh sống.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-cham-soc-tre-mac-sot-xuat-huyet-post1376147.html