Các ý kiến về thực hiện quy định nêu gương

Nêu gương là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, là yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Để việc nêu gương trong cán bộ, đảng viên trở thành tự giác, thường xuyên thì trước hết cần phải xây dựng được nền nếp nêu gương trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Báo Tuyên Quang online giới thiệu những ý kiến tâm huyết về thực hiện quy định nêu gương.

Đồng chí Nguyễn Hưng VượngỦy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Cán bộ dân vận phải nêu gương học tập và làm theo lời Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy về công tác dân vận là “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Thực hiện lời Bác, Trung ương Đảng đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên các cấp, trước hết là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Đây cũng là cơ chế làm việc nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm: Nói đi đôi với làm, công khai minh bạch; dân giám sát kiểm tra mọi hoạt động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, cán bộ dân vận phải tiếp tục trau dồi, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu như lời Bác dạy đối với cán bộ dân vận. Trong mọi việc, phải thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” thì mới tiến hành thuyết phục, giáo dục, vận động nhân dân có hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn ViệtTỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tư lệnh ngành phải gương mẫu

Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nhận thức việc học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt phương châm nêu gương “Nói đi đôi với làm”; lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở để đánh giá kết quả làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thật sự là tấm gương tiêu biểu, gương mẫu trong lời nói, việc làm; có tác phong làm việc khoa học, lối sống lành mạnh, giản dị, dễ gần, biết lắng nghe; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên trong ngành luôn được quán triệt phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân để có trình độ, năng lực, kiến thức; bám sát cơ sở, tận tâm, tận lực với công việc, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đơn vị giao.

Đồng chí Vũ Đình Hưng
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ

Ngành Giáo dục - Đào tạo đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt việc nêu gương trong mỗi cán bộ, nhà giáo như: Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; phong trào thi đua dạy tốt, học tốt... Nhiều giáo viên đã chú trọng triển khai tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo các phương pháp dạy học tích cực, tạo môi trường học tập thân thiện với những tình huống hấp dẫn khuyến khích học sinh tham gia. Các trường trên địa bàn cũng tổ chức lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa: thi kể chuyện, tiểu phẩm, tọa đàm với chủ đề về Bác Hồ. Cùng với đó, phong trào đoàn, đội trong các trường học cũng gắn việc học tập và làm theo Bác với các hoạt động, các phong trào Thanh niên làm theo lời Bác, Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy… Qua đó, giúp mỗi học sinh, nhà giáo, cán bộ quản lý học tập và đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Hoàng Quang Tuyên
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Na Hang

“Chìa khóa” nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định, thực hiện trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt là “chìa khóa” nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở xây dựng chương trình, hoạt động thiết thực giúp cán bộ, đảng viên thể hiện được phẩm chất, năng lực, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, lề lối công tác... Qua đó, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã lãnh đạo đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu; coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng.

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/cac-y-kien-ve-thuc-hien-quy-dinh-neu-guong-137746.html