Các vấn đề khiến triển vọng kinh tế Đức tiếp tục ảm đạm

Theo tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức, nền kinh tế nước này mặc dù thoát khỏi suy thoái trong quý II/2023 nhưng vẫn trong trạng thái trì trệ.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Duesseldorf, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Có nhiều nguyên nhân khiến nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu suy yếu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng những nguyên nhân này vẫn tiếp tục tồn tại nên hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế Đức sẽ tiến triển tốt trong những tháng tới.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý II/2023 không tăng mà chững lại, mức tăng trưởng 0% so với quý I . Số liệu này cho thấy nền kinh tế Đức đã thoát khỏi suy thoái sau khi hai quý liên tiếp trước đó tăng trưởng đều ở mức âm (âm 0,4% trong quý IV/2022 và âm 0,1% trong quý I/2023).

Mặc dù vậy, sự trì trệ trong quý II cho thấy nền kinh tế Đức đang không ở trạng thái tốt. Các chỉ số kinh tế hàng đầu đều có xu hướng đi xuống. Chỉ số môi trường kinh doanh Ifo đã giảm từ mức 88,6 điểm trong tháng 6/2023 xuống mức 87,3 điểm trong tháng 7/2023. Đây là lần giảm thứ ba liên tiếp của chỉ số quan trọng này. Các chuyên gia trong ngành coi đây là tín hiệu xấu cho nền kinh tế.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều chuyên gia nhận định rằng nền kinh tế đầu tàu châu Âu có thể tiếp tục suy giảm trở lại trong quý III/2023. Chuyên gia Timo Wollmershäuser từ Viện nghiên cứu kinh tế Ifo nhận định kinh tế Đức có thể rơi vào tình trạng suy thoái vào nửa cuối năm 2023. Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Kiel (IFW) Moritz Schularick cho rằng "những đám mây trên bầu trời kinh tế đang xám dần".

Trong dự báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng nền kinh tế Đức sẽ suy giảm 0,3% trong năm nay, sau đó tăng trưởng nhẹ ở mức 1,3% trong năm tới. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cũng dự báo mức suy giảm tương tự trong năm nay (suy giảm 0,3%). Ở các quốc gia công nghiệp lớn khác, không có quốc gia nào được dự báo sẽ suy thoái kinh tế trong năm nay như Đức. Có rất nhiều lý do giải thích cho sự tăng trưởng yếu kém của Đức.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trở thành vấn đề của nền kinh tế

Nhờ lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà GDP của Đức sụt giảm không quá lớn trong mùa Đông vừa qua. Nhưng cũng chính lĩnh vực này đang khiến cho nền kinh tế Đức trì trệ. Mặc dù hiện tại, giá năng lượng hiện đã ổn định trở lại, nhưng sản xuất công nghiệp hầu như không tăng nhiều so với thời điểm mùa Đông vừa qua.

Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng công nghiệp thậm chí còn giảm 0,3%. Theo Tiến sỹ Fritzi Köhler-Geib, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng phát triển Đức (KfW), cho đến nay ngành công nghiệp Đức đang gây thất vọng vì sản xuất vẫn đình trệ mặc dù các vấn đề về chuỗi cung ứng đã giảm bớt.

Điều này một phần là do các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hầu như chưa phục hồi, dù giá điện và khí đốt hiện đã rẻ hơn đáng kể. Chuyên gia kinh tế Wollmershäuser của viện Ifo giải thích, các công đoạn sản xuất đã được chuyển đến các địa điểm khác trên thế giới trong năm qua gần như không được đưa trở lại Đức. Ví dụ rõ nhất cho điều này là ngành hóa chất Đức. Thời gian qua, các doanh nghiệp hóa chất Đức tích cực sản xuất sản phẩm tại các nhà máy ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ thay vì sản xuất tại Đức.

Và khi các vấn đề về nguồn cung như sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng dần dần được giải quyết, nhu cầu chung của thế giới lại đang giảm dần. Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức, các đơn hàng tồn đọng trong lĩnh vực sản xuất đã giảm trong thời gian qua.

Lượng hàng hóa xuất khẩu giảm

Nhu cầu chung của thế giới giảm mạnh chính là một vấn đề đối với nền sản xuất của Đức. Trong khi đơn đặt hàng trong nước tăng 0,3% trong tháng 5/2023, đơn đặt hàng từ nước ngoài đã giảm 1%.

Nền kinh tế cũng đang suy yếu ở nhiều quốc gia khác khiến nhu cầu giảm. Hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức là Trung Quốc và Mỹ vẫn gây thất vọng đối với các nhà sản xuất của Đức.

Tại Trung Quốc, sự kết thúc của chính sách "Không COVID" (Zero-COVID) cho đến nay vẫn chưa tạo ra bước tăng trưởng vượt bậc như mong đợi. Theo số liệu của Destatis, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Trung Quốc trong tháng 6/2023,giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, do sự thay đổi lãi suất liên tục và tranh chấp dai dẳng về ngân sách và trần nợ công, nền kinh tế Mỹ cũng phần nào suy yếu.

Cũng trong tháng Sáu vừa qua, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Đức sang Mỹ giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đều đang có xu hướng đi lên, nhưng các nhà xuất khẩu của Đức vẫn chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu sang hai thị trường hàng đầu này.

Tâm trạng chung trong ngành xuất khẩu Đức đang trở nên tồi tệ hơn. Phong vũ biểu Ifo cho kỳ vọng xuất khẩu đã giảm 0,1 điểm xuống mức -6 điểm trong tháng Bảy. Đây là giá trị tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu khiến nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ.

Vòng quay lãi suất diễn ra liên tục

Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm nhu cầu là sự thay đổi lãi suất. Trong cuộc chiến chống lạm phát, các ngân hàng trung ương đã nhiều lần tăng các loại lãi suất chủ chốt trong những tháng qua. Điều đó khiến cho các khoản đầu tư trở nên đắt đỏ hơn. Chủ tịch IFW Schularick khẳng định lãi suất tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng yếu của nền kinh tế Đức.

Mới đây nhất, ngày 27/7, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm (từ tháng 7/2022), ECB đã nâng lãi suất lên tổng cộng 425 điểm cơ bản. Hiện chưa rõ các bước tiếp theo trong thời gian tới sẽ như thế nào. ECB để ngỏ việc liệu có tiếp tục tăng lãi suất vào ngày 14/9 tới hay không. Nhưng kể cả khi ECB không tiếp tục tăng lãi suất vào ngày này, thì đó cũng không phải là "dấu chấm hết" cho chu kỳ tăng lãi suất hiện tại.

Lĩnh vực xây dựng góp phần kéo nền kinh tế đi xuống

Sự quay vòng của lãi suất đặc biệt đáng chú ý trong lĩnh vực xây dựng. Phong vũ biểu Ifo trong ngành này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2010. Chuyên gia kinh tế Laura Pagenhardt tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) cho biết mức lãi suất cao và chi phí năng lượng dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao đặt ra những thách thức rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp xây dựng.

Đồng thời, giá của các tòa nhà xây mới tiếp tục tăng. Chuyên gia kinh tế Wollmershäuser của Viện Ifo nhận định đối với nhiều hộ gia đình, việc mua nhà giờ đây trở nên quá đắt đỏ. Do đó, số lượng hợp đồng mua nhà bị hủy bỏ ngày càng nhiều hơn, trong khi các hợp đồng mới ngày càng giảm.

Lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao

Theo số liệu ban đầu của Destatis, tỷ lệ lạm phát ở Đức đã giảm nhẹ trong tháng 7/2023, xuống mức 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giảm nhẹ nhưng lạm phát vẫn ở mức cao và còn cách xa mục tiêu 2% của ECB. Điều này đè nặng lên nền kinh tế theo hai cách: Lạm phát cao làm giảm sức mua, đồng thời có thể khiến lãi suất tiếp tục tăng lên.

Hiện tại giá năng lượng đã giảm, nhưng cú sốc chi phí năng lượng từ năm ngoái vẫn đang đè nặng lên mức giá chung. Tỷ lệ lạm phát cơ bản trong tháng Sáu (không tính giá năng lượng và lương thực) là 6,7%, cao hơn đáng kể so với tháng trước đó. Chuyên gia Wollmershäuser nhận định lạm phát có thể vẫn ở mức cao trong những tháng tới.

Tác động của chính trị

Nếu nhìn vào các cuộc tranh luận về kinh tế trên mạng xã hội ở Đức, các vấn đề nêu trên gần như ít được nhắc tới, trong khi Chính phủ Đức thường bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, cáo buộc đó hầu như chưa đúng với thực tế. Chính sách tiền tệ của ECB và môi trường bên ngoài là những nguyên nhân lớn hơn nhiều so với các bước đi của chính phủ.

Mặc dù vậy không thể phủ nhận ảnh hưởng của lĩnh vực chính trị. Tranh chấp kéo dài nhiều tháng của Chính phủ "Đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP) về luật sưởi ấm và phân bổ ngân sách tạo ra sự không chắc chắn, từ đó có thể trì hoãn các kế hoạch đầu tư và làm tăng chi phí.

Trong trung hạn, các quyết định chính trị sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng. Việc chính phủ tiến hành các cải cách cần thiết một cách quyết liệt có thể giúp nền kinh tế củng cố sức mạnh và vượt qua giai đoạn suy yếu một cách tốt hơn./.

Vũ Tùng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-van-de-khien-trien-vong-kinh-te-duc-tiep-tuc-am-dam/301482.html