Các trường đại học vẫn 'sống' chủ yếu từ nguồn học phí

Việc dựa vào học phí để duy trì hoạt động sẽ khiến tạo thêm gánh nặng cho người học và không phải là giải pháp lâu dài.

Sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 thực hiện không tăng học phí để chia sẻ với xã hội, tuy nhiên từ năm học 2023 - 2024, Chính phủ đã chính thức cho phép các cơ sở giáo dục đại học được điều chỉnh tăng học phí. Điều này nhằm đảm bảo cân đối thu chi, tuy nhiên vẫn cần phải căn cứ điều kiện cụ thể của từng nơi để có mức tăng phù hợp.

Đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên

Về vấn đề này, trao đổi với

Người Đưa Tin

, PGS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá thực tế học phí tăng cũng là điều dễ hiểu khi chi phí sinh hoạt khác như điện, xăng, giá vé các phương tiện công cộng cũng đang đồng loạt tăng trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, theo chuyên gia việc tăng học phí cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người học và cơ sở đào tạo trong bối cảnh mức chi cho giáo dục ở nước ta còn hạn chế, đặc biệt là các trường đại học đang tự chủ tài chính.

“Sinh viên Việt Nam thường dựa vào bố mẹ để có chi phí học đại học, trong khi các nước các em sẽ phải lao động vào những ngày nghỉ kiếm tiền để chi trả vào những ngày nghỉ. Điều này thể hiện sự năng động của các em, cũng giúp sinh viên trân trọng quá trình học tập tìm kiếm kiến thức. Như vậy, cần hiểu rõ tăng học phí đánh vào túi tiền của bố mẹ là chính chứ không phải sinh viên”, ông Dong cho hay.

PGS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho biết cần thêm nhiều giải pháp cho vấn đề học phí hiện nay.

PGS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho biết cần thêm nhiều giải pháp cho vấn đề học phí hiện nay.

Đối với các trường đại học, cũng cần đa dạng các nguồn thu, cần có kế hoạch rõ ràng về việc sử dụng học phí như đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học, đều vì phục vụ nhu cầu của người học.

Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Tất Dong cũng nên đưa ra những hình thức học tập để giảm chi phí như học trực tuyến, hỗ trợ học bổng, làm cho sinh viên hiểu được con đường đại học không phải duy nhất và hay nhất, cần căn cứ điều kiện cụ thể để lựa chọn môi trường phù hợp, đồng thời vẫn cần có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo điều kiện học tập.

Nguồn thu vẫn còn phụ thuộc lớn vào học phí

Là một trong những trường đưa ra thông báo điều chỉnh học phí từ năm học này và nhận được nhiều sự băn khoăn từ phía sinh viên theo học, tuy nhiên TS. Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết đây là nằm trong lộ trình tăng học phí của nhà trường.

Bà Cúc Phương cho biết Trường Đại học Hà Nội là trường tự chủ nhóm 1 (tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư) nên không còn nhận kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước và phải tự đảm bảo hoàn toàn các khoản chi cho hoạt động.

“Do đó, học phí sẽ cần có một lộ trình tăng dần để đảm bảo cân đối thu – chi và phát triển”, bà Cúc Phương chia sẻ.

Nhà trường cho hay, lộ trình quản lý, thu học phí của các trường đại học công lập phải tuân thủ các quy định của Nhà nước như Nghị định số 81 và mới đây là Nghị định 97. Năm học 2023 và 2024, học phí tăng không vượt quá 15% như đã thông báo. Mức học phí trung bình của nhà trường hiện nay đạt 72% mức trần của Nghị định 97.

TS. Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội.

TS. Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội.

“Do các khóa 2020 và 2021 đang được hưởng chính sách học phí không đổi trong 4 năm học nên có một sự hiểu lầm khi tư vấn tuyển sinh là các khóa sau cũng được hưởng như vậy.

Trên thực tế, học phí đã được điều chỉnh tăng từ năm 2022 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa triển khai thực hiện. Từ năm học 2023 trở đi, nhà trường thực hiện lộ trình học phí như đã thông báo vào năm 2022 trong Đề án tuyển sinh và Quy định về học phí”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội thông tin.

Đại diện nhà trường cũng cho biết, sau khi học phí tăng, quỹ học bổng dành cho sinh viên sẽ tăng vì chiếm tỉ trọng 8% tổng thu học phí. Cơ sở vật chất của trường cũng được cải tạo, nâng cấp, đầu tư cho nguồn nhân lực để thu hút các giảng viên có trình độ cao, tránh tình trạng chảy máu chất xám.

“Để thực hiện được chiến lược phát triển cần có kinh phí và nguồn kinh phí này sẽ đến từ học phí và từ các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường”, bà Cúc Phương chia sẻ.

Ngoài ra, để hỗ trợ sinh viên, bên cạnh mục giảm học phí cho tất cả các em thuộc diện chế độ chính sách đều được miễn, giảm học phí theo quy định. Trường Đại học Hà Nội còn có các loại học bổng khác nhau dành cho sinh viên nhằm động viên, khuyến khích và hỗ trợ sinh viên.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, học phí không phải là nguồn duy nhất và chính sách học phí không phải là duy nhất. Tuy nhiên, học phí đại học chiếm tỉ trọng lớn, từ 50% đến 90% nguồn thu.Đối với giáo dục đại học, có sứ mạng thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược, nhân lực phát triển bền vững, lĩnh vực chịu tác động rất lớn của dịch bệnh và không tăng học phí trong thời gian quaThứ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải thêm, có thể nói đó là 1 chiếc kiềng 3 chân: Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học (Nghị định 60), Chính sách học phí (Nghị định 81), Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Nghị định 60 quy định về lộ trình tính giá dịch vụ (học phí) và giảm chi trực tiếp Ngân sách nhà nước. Còn Nghị định 81 thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm giữ không giảm nguồn lực đầu vào.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cac-truong-dai-hoc-van-song-chu-yeu-tu-nguon-hoc-phi-a664022.html