Các TikToker 'ảo tưởng sức mạnh' nên bị tẩy chay

Theo chuyên gia, người dùng Internet nên tẩy chay những nội dung rác trên TikTok. Về phía chủ kinh doanh, họ cũng hoàn toàn có quyền lực đối với TikToker gây náo loạn ở quán mình.

Food reviewer là người làm công việc trải nghiệm và đưa ra đánh giá về nhà hàng, quán ăn hoặc ẩm thực nói chung thông qua nhiều hình thức như quay video, chụp ảnh, viết bài cảm nhận.

Tuy nhiên, theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM, một số reviewer sau khi có số lượng người theo dõi nhất định, bắt đầu trở nên ảo tưởng, cho rằng mình có "quyền sinh sát" với bất cứ cơ sở kinh doanh nào mà họ không vừa mắt.

Kiểu hành xử này được lây lan mạnh mẽ trên mạng, gây ra không ít sự việc lùm xùm, điển hình như vụ tranh cãi giữa reviewer với chủ quán ăn trên TikTok gần đây.

Ảo tưởng quyền lực

Thạc sĩ Đinh Hồng Anh, công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhận định các clip dạng ngắn trên TikTok có thể giúp một nhà hàng, quán ăn vô danh trở nên đông khách nhưng cũng có thể khiến địa điểm nào đó điêu đứng.

“Reviewer đánh giá công tâm, thuyết phục, có thể đưa ra ý kiến cá nhân, cảm nghĩ hoặc góp ý mang tính xây dựng. Nhưng nếu gây náo loạn, cho mình là chuẩn mực xã hội, có thái độ hách dịch, đòi hỏi, trịch thượng tại nơi review thì đó là những người đang ảo tưởng sức mạnh của mình và hiểu nhầm sự tự do trên không gian mạng”, bà nói với Zing.

Nguyên nhân dẫn đến việc này có thể do các TikToker chưa nhận thức đúng về công việc và bản thân hiện tại. Cũng có trường hợp muốn tạo thông tin náo loạn để trục lợi cho danh tiếng cá nhân.

Thạc sĩ Đinh Hồng Anh cũng cho rằng reviewer chỉ là cá nhân, tiếng nói của họ không đại diện cho tổ chức, đơn vị nào. Bởi vậy, cần đặt ra giới hạn cho những người làm nghề này.

Việc TikToker “làm quá”, gây náo loạn, cho mình là chuẩn mực, có thái độ hách dịch… là biểu hiện của ảo tưởng sức mạnh. Ảnh: Yiu Yu Hoi/Getty.

Trao đổi với Zing, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng sự ảo tưởng về quyền lực trên mạng không phải chỉ khi TikTok trở nên phổ biến, thành trào lưu như hiện nay mới có mà đã xuất hiện từ thời YouTube, Facebook.

Bởi những nền tảng được nhiều người theo dõi, quan tâm bao giờ cũng trở thành một dạng quyền lực mới.

Theo ông Vinh, những người sử dụng truyền thông một cách nghiêm túc, tử tế sẽ tạo ra lợi ích cho xã hội. Ngược lại, việc sử dụng sức mạnh truyền thông để gây tiếng vang, câu view, trục lợi là điều cần lên án.

“Hiện nay, nhiều người sống bằng cách sử dụng các nền tảng công nghệ để kiếm tiền. Càng đông người xem đồng nghĩa càng kiếm được nhiều. Bởi vậy, không ít cá nhân đang bất chấp nguyên tắc đạo đức để sử dụng mạng xã hội như công cụ nhằm kiếm chác”, ông nhận định.

Nhóm người làm nội dung trên mạng cần có trách nhiệm với mọi thứ mình đăng tải, cân nhắc tốt - xấu, lợi - hại. Đúng và đáng luôn là câu hỏi cần được trả lời. “Có đúng để đưa tin không? Có đáng để đăng tải không?” hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người đăng tin.

Sau cùng, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh quyền lực thực sự nằm trong tay người xem.

“Mọi người thích xem, hưởng ứng, bình luận về những thứ tầm phào trên mạng thì chính là đang cho các cá nhân làm nội dung quyền lực để lạm dụng. Nếu mình có ý thức, cùng tẩy chay những thứ rác rưởi thì chúng sẽ dần chết và biến mất”, ông bày tỏ.

Trách nhiệm của TikTok

Luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, TikTok là một mạng xã hội, cụ thể là bên trung gian, cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng nơi để lưu trữ, đăng tải, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ các hình ảnh, clip ngắn.

TikTok có chính sách riêng được công khai về vấn đề kiểm duyệt và không cho phép đăng tải clip “theo cách có thể tạo ra xung đột lợi ích chẳng hạn như kinh doanh các đánh giá với những người dùng khác hoặc viết hoặc chào mời các đánh giá giả mạo” hoặc không cho phép đăng tải bất cứ tài liệu nào “bêu xấu và bắt nạt, hoặc cố ý quấy rối, gây hại, gây thương tổn, dọa nạt, làm đau khổ, làm xấu hổ hoặc gây phiền muộn cho người khác”.

Sự tương tác từ người xem là chất xúc tác cho sự ảo tưởng sức mạnh và quyền lực cá nhân của các TikToker. Ảnh: Malou.

Người dùng có thể sử dụng chức năng báo cáo với nền tảng khi phát hiện các video vi phạm chính sách.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng sự ảo tưởng quyền lực của những người làm nội dung hiện nay một phần đến từ người dùng.

Phản ứng của người xem mới là yếu tố then chốt quyết định đến sự lan rộng hay thu hẹp của việc ảo tưởng quyền lực mạng.

Chính vì vậy, để hạn chế việc lạm dụng quyền lực mạng để tấn công người khác và làm sạch hơn môi trường Internet, đặc biệt là mạng xã hội, luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng mỗi người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo và sáng suốt trong việc tiếp nhận thông tin được người dùng khác chia sẻ một cách khách quan, có kiểm chứng.

Về phía các cơ sở kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp luôn được pháp luật bảo vệ. Do đó, họ cũng hoàn toàn có “quyền lực” đối với reviewer vi phạm, bằng việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi kiện dân sự yêu cầu cải chính, bồi thường thiệt hại hoặc tố giác tội phạm đến các cơ quan điều tra.

“Ngoài ra, tôi cũng hy vọng các reviewer và người dùng mạng xã hội có cái nhìn đúng đắn về hành vi sử dụng mạng xã hội của mình để tránh phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý do sự thiếu hiểu biết của bản thân”, ông Tuấn nói.

Các cơ sở kinh doanh cũng hoàn toàn có “quyền lực” đối với reviewer vi phạm.

Cụ thể, theo Điều 101, 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các cá nhân cung cấp (reviewer), chia sẻ (người dùng chia sẻ các video vi phạm) thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt đến 10 triệu đồng đối với từng hành vi vi phạm của mình.

Đồng thời với việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt như trên, các cơ sở kinh doanh có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin sai sự thật, buộc các reviewer đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo Điều 34 Bộ luật dân sự.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm ở đây bao gồm chi phí để khắc phục thiệt hại (chi phí đăng báo, tin tức cải chính…) do clip của các reviewer gây ra, thu nhập của quán bị mất/giảm sút (so với trước khi clip được đăng tải), các thiệt hại khác bao gồm thiệt hại về tinh thần của chủ quán và các nhân viên làm việc khi phải nhận những nhận xét mang tính công kích, xúc phạm của cộng đồng mạng.

Đặc biệt, nếu những hành vi đưa thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc của các reviewer mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (các cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh) còn có thể bị xử lý hình sự với tội vu khống với tình tiết tăng nặng là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để phạm tội. Theo đó, người phạm tội có thể bị áp dụng khung hình phạt là phạt tù 1-3 năm (khoản 2 Điều 156 BLHS).

Chủ quán ăn ở TP.HCM: 'Sẵn sàng dán ảnh cấm, không tiếp đón TikToker' Nhiều chủ quán ăn hoan nghênh các blogger tới chụp hình, quay clip trải nghiệm, nhưng lo lắng bị mang ra "làm mồi", tố qua lại để câu view trên mạng xã hội.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-tiktoker-ao-tuong-suc-manh-nen-bi-tay-chay-post1344382.html