Các thị trường châu Á phản ứng ngược chiều trước tình hình Trung Đông

Các thị trường dầu, vàng và chứng khoán có những phản ứng ngược chiều trước những diễn biến mới nhất liên quan tới tình hình căng thẳng tại Trung Đông

* Giá dầu đi xuống bất chấp tình hình Trung Đông “nóng” lên

Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: TTXVN phát

Giá dầu giảm trong chiều 15/4, khi thị trường giảm bớt những đặt cược rủi ro sau hành động quân sự liên quan đến Israel vào cuối tuần qua của Iran chỉ gây ra thiệt hại hạn chế.

Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 6/2024 giảm 50 xu (tương đương 0,5%) xuống 89,95 USD/thùng vào đầu giờ chiều. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2024 cũng giảm 52 xu (0,6%) xuống mức 85,14 USD/thùng. Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng ING, cho biết thị trường phần lớn đã tính tới một hành động quân sự trong những ngày trước đó. Ngoài ra, thiệt hại hạn chế và thực tế là không có thiệt hại về người có thể khiến phía Israel đưa ra phản ứng thận trọng hơn. Song ông lưu ý vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn và tất cả phụ thuộc vào cách Israel sẽ phản ứng ra sao. Trong một báo cáo mới đây gửi cho khách hàng, ING cho hay Iran hiện sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu thô/ngày với tư cách là một trong những nhà sản xuất chính thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Do đó, rủi ro về nguồn cung bao gồm các biện pháp trừng phạt dầu mỏ được thực thi nghiêm ngặt hơn đối với Iran và khả năng Israel có thể có hành động nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này. Tuy nhiên, nếu nguồn cung sụt giảm đáng kể, Mỹ có thể tăng cường bán ra dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược của mình, trong khi OPEC vẫn có công suất sản xuất dự phòng hơn 5 triệu thùng/ngày. Theo ING, trong trường hợp giá tăng đáng kể do nguồn cung giảm mạnh, OPEC sẽ tìm cách đưa một phần công suất dự phòng này trở lại thị trường. OPEC sẽ không muốn thấy giá tăng quá cao do nguy cơ tác động tiêu cực tới nhu cầu năng lượng. Cho đến nay, xung đột Israel-Hamas ít có tác động rõ rệt đến nguồn cung dầu. Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Citi Research cho biết trường hợp căng thẳng kéo dài suốt quý II/2024 sẽ khiến giá dầu phần lớn ở mức 85-90 USD/thùng. Vì thị trường nói chung đã cân bằng cung và cầu trong suốt quý đầu tiên, nên bất kỳ sự giảm leo thang nào cũng có thể khiến giá giảm khá mạnh xuống mức 70-80 USD/thùng.

* Giá vàng vẫn duy trì quanh mức cao kỷ lục

Giá vàng ổn định vào chiều thứ Hai, dao động quanh mức cao kỷ lục đạt được trong phiên trước đó khi các nhà giao dịch theo dõi chặt chẽ những diễn biến xung quanh cuộc xung đột ở Trung Đông – điều đã thúc đẩy việc mua tài sản trú ẩn an toàn như vàng thỏi. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên mức 2.353,64 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.431,29 USD/ounce vào thứ Sáu tuần trước (12/4). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 2.370,00 USD/ounce. Ông Tim Waterer, nhà phân tích thị trường trưởng của công ty môi giới tài chính KCM Trade cho biết vàng vẫn được coi như một tài sản tài quan trọng, do sự kết hợp giữa rủi ro địa chính trị và triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng lãi suất trong nửa cuối năm nay. Nói cách khác, vàng đang được coi là ‘tài sản cho mọi kịch bản” nhờ khả năng phục hồi dưới các động lực thị trường khác nhau vào năm 2024. Bất chấp dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát vẫn cao, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins vẫn nhận định sẽ có một số đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng. Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,9% lên 28,41 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2021 vào thứ Sáu. Giá bạch kim lại giảm 0,3% ở mức 970,68 USD/ounce. Tại Việt Nam, khép phiên 15/4, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 81,90-84,10 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). * Chứng khoán đi xuống do sức ép từ xung đột Trung Đông Chứng khoán chứng khoán đa phần giảm điểm trong phiên 15/4 sau khi diễn biến mới làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Diễn biến đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng hơn ở khu vực vốn đã nhiều biến động này. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Tokyo đã giảm 0,74% (tương đương 290,75 điểm) và kết thúc ở mức 39.232,80 điểm. Còn ở Trung Quốc, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong cũng để mất 0,72% (121,23 điểm) xuống 16.600,46 điểm trong phiên này. Các thị trường Seoul, Sydney, Wellington, Singapore, Mumbai, Taipei và Manila cũng đều chìm trong sắc đỏ. Riêng chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) là một điểm sáng hiếm hoi của khu vực khi tăng 1,26% (tương đương 37,90 điểm) và kết thúc ở mức 3.057,38 điểm sau khi Chính phủ Trung Quốc hồi cuối tuần trước đã công bố các biện pháp điều tiết thị trường mới. Một số nhà phân tích cho rằng những biện pháp đó có thể giúp ích cho hoạt động về dài hạn của nước này. Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số VN - Index giảm 59,99 điểm (4,70%) xuống 1.216,61 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 11,62 điểm (4,82%) xuống 229,71 điểm.

Hương Thủy (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ca-c-thi-truo-ng-chau-a-pha-n-u-ng-nguo-c-chie-u-truo-c-ti-nh-hi-nh-trung-dong/330036.html