Các thể đau đầu và thuốc điều trị

Đau đầu là một triệu chứng mà ai cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên nếu đau đầu xuất hiện thường xuyên, bạn cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân, từ đó mới có phác đồ điều trị phù hợp.

Đau đầu là cảm giác đau vùng mặt và vùng đầu. Các ghi nhận cho thấy, có khoảng 90% nam giới và 95% nữ giới bị đau đầu ít nhất một lần trong năm.

Theo Hiệp hội Đau đầu Thế giới (International Headache Society hay HIS) có nhiều loại đau đầu như:

Đau nửa đầu migraine
Đau đầu do căng thẳng
Đau đầu chuỗi
Đau nửa đầu mạn tính...

Đẳng sâm - vị thuốc chủ lực trong bài thuốc trị đau đầu do phong hàn.

Đẳng sâm - vị thuốc chủ lực trong bài thuốc trị đau đầu do phong hàn.

Đau đầu Đông y gọi là đầu thống. Nguyên nhân gây đau đầu do lục dâm xâm nhập làm tắc kinh mạch, khí huyết nghịch loạn gây đau đầu.

Có thể chia làm hai nguyên nhân chính gây đau đầu là ngoại cảm và nội thương:

1. Đau đầu do nguyên nhân ngoại cảm

Ngoại cảm thường do phong hàn (lạnh), phong nhiệt (nóng), phong thấp (ẩm thấp) xâm nhập gây bệnh.

1.1. Đau đầu do phong hàn

- Triệu chứng: Đau đầu, đau xuống gáy cổ, hay lấy khăn bịt đầu, sợ lạnh, ngạt mũi, chảy nước mũi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

- Pháp điều trị: Bổ khí tán hàn.

- Thành phần bài thuốc: Đẳng sâm 12g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 10g, sài hồ 12g, thăng ma 8g, trần bì 6g, quy xuyên 12g, chích thảo 6g, sinh khương 12g, phụ tử 6g, tang diệp 10g, xuyên khung 12g, bạch chỉ 12g, khương hoạt 6-8g, tế tân 4-6g, phòng phong 8g, kinh giới 8-16g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

1.2. Đau đầu do phong nhiệt

- Triệu chứng: Đầu đau căng, nặng thì đau như búa bổ, sốt sợ gió, mặt và mắt đỏ, khát nước, tiểu tiện vàng, đại tiện bí, rêu vàng mỏng, mạch phù sác.

- Pháp trị: Sơ phong thanh nhiệt.

- Thành phần bài thuốc: Bạch linh 15g, hoàng cầm 8g, đương quy 15g, thạch cao 20g, sài hồ 15g, trần bì 8g, chích thảo 6g, đan bì 10g, chi tử 10g, bạc hà 10g, màn kinh 15g, cúc hoa 15g, bạch chỉ 12g, xuyên khung 10g, đại hoàng 8g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Bạch linh - chủ dược trong bài thuốc trị đau đầu do phong nhiệt.

Bạch linh - chủ dược trong bài thuốc trị đau đầu do phong nhiệt.

1.3. Đau đầu do phong thấp

- Triệu chứng: Đầu đau như bị bó lại, đau như dùi, người nặng, hông bụng đầy, chán ăn, lưỡi nhạt, rêu trắng cáu, mạch nhu.

- Pháp trị: Trừ phong thấp.

- Thành phần bài thuốc: Kinh giới 12g, phòng phong 12g, khương hoạt 12-30g, độc hoạt 12g, xuyên khung 8g, sài hồ 12g, trần bì 8g, chỉ xác 8g, cát cánh 8g, bạch linh 12g, cam thảo 4g, mộc hương 12g, xương truật 8g, màn kinh 16g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

2. Đau đầu có nguyên nhân do nội thương

Đau đầu do các tổn thương bên trong cơ thể như:

2.1. Đau đầu do huyết hư

- Triệu chứng: Thường do ốm lâu, chính khí hư yếu, mất huyết quá nhiều, trung khí bất túc, thanh dương không thăng, dinh huyết hư suy không cung cấp lên não gây nên. Người bệnh có triệu chứng: Đau đầu, chóng mặt, đau ê ẩm, mệt đau tăng, hồi hộp mất ngủ, tinh thần mệt mỏi, yếu sức, ăn uống kém.

- Pháp trị: Bổ dưỡng khí huyết, dùng bài 'Bát trân thang gia giảm'.

- Thành phần bài thuốc: Ngũ vị 8g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, mẫu lệ 12g, cam thảo 6g, đẳng sâm 16g, long nhãn 12g, xuyên khung 10g, tang ký sinh 16g, hà thủ ô 12g, bạch thược 12g, địa long 8g, màn kinh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, cúc hoa 12g, thục địa 20g, kỷ tử 12g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Thiên ma trong bài thuốc trị đau đầu do can tạng

Thiên ma trong bài thuốc trị đau đầu do can tạng

2.2. Đau đầu do can tạng

- Biểu hiện: Đau từng cơn nhấm nhói, đau căng đầu, đầu đau vào lúc sáng sớm hoặc suốt cả buổi sáng, lúc ngủ dậy, lúc phát lúc ngừng, thường có cả hiện tượng đầu nặng chân nhẹ và hoa mắt, sợ sáng...

Pháp trị: Bình can tiềm dương.

- Thành phần bài thuốc: Thiên ma 8-12g, câu đằng 12-16g, thạch quyết minh 20-30g, chi tử 8-12g, hoàng cầm 8-12g, ngưu tất 8-12g, ích mẫu 12-16g, tang ký sinh 20-30g, dạ giao đằng 12-20g, bạch linh 12-20g, cúc hoa 12g, kỷ tử 12g, hạ khô thảo 12g, mật gấu.

Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

2.3. Đau đầu do uất đờm

- Triệu chứng: Đầu luôn căng, mặt mày sây sẩm, ngực tức bụng đầy, nôn mửa ra đờm, dãi, rêu lưỡi trắng nhờn nếu rêu trắng chuyển sang vàng là thấp đờm hóa nhiệt, mạch huyền hoạt.

- Pháp trị: Kiện tỳ tiêu đờm.

- Thành phần bài thuốc: Bán hạ 12g, bạch truật 8g, trần bì 8g, hậu phác 8g, thiên ma 8g, sinh khương 4g, màn kinh 12g, cam thảo 4g, táo 4g, bạch linh 8g, tật lê 10g, bạch chỉ 15g, mộc hương 15g, xuyên khung 12g, mật gấu.

Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

2.4. Đau đầu do huyết ứ

- Triệu chứng: Đau liên miên không khỏi, điểm đau cố định, có lúc đau như dùi đâm, lưỡi có đám ứ đỏ, mạch sác.

- Pháp trị: Huyết phủ trục ứ.

- Thành phần bài thuốc: Sinh địa 12-16g, sài hồ 8-12g, quy đầu 12-16g, xuyên khung 6-8g, đào nhân 8-16g, chỉ xác 6-8g, cát cánh 6-8g, hồng hoa 6-12g, xích thược 8-12g, cam thảo 4g, ngưu tất 6-12g, hành 3 củ.

Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

2.5. Đau đầu do khí hư

- Triệu chứng: Đau đầu âm ỉ, liên miên, làm việc quá sức thì đau tăng, người mệt, ăn kém, thiểu khí, mạch tế vô lực. Người bệnh thường đau nhức đầu nhiều về buổi sáng hoặc khi mới ngủ dậy, buổi chiều nhẹ dần, có cảm giác long óc, tinh thần mỏi mệt, ăn kém, mạch hư.

- Pháp điều trị: Bổ trung ích khí.

- Thành phần bài thuốc: Hoàng kỳ 18g, nhân sâm 12g, bạch truật 16g, trần bì 10g, quy đầu 16g, bạch thược 16g, chích thảo 6g, thăng ma 8g, sài hồ 12g, màn kinh 10g, xuyên khung 10g, tế tân 6g, bạch chỉ 10g. Các vị trên sắc với 1.800ml nước, lọc bỏ bã lấy 250ml.

Uống ấm chia đều 5 lần, uống trong ngày.

Như vậy, trong 8 thể đau đầu nói trên, chỉ có một loại đau đầu do ứ huyết là có thể dùng thuốc hoạt huyết. Tuy nhiên phải là bài thuốc hoạt huyết mạnh, phá huyết mới có tác dụng. Vì vậy khi bị đau đầu cần đi khám, để tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới có phác đồ điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc như thuốc hoạt huyết dưỡng não, thuốc giảm đau… nhất là dùng trong một thời gian dài.

GS.TS. Trương Việt Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-the-dau-dau-va-thuoc-dieu-tri-169230913170331038.htm