Các tên tuổi mới xuất hiện, 'vị thế thống trị' chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc có thật đang bị đe dọa?

Giới quan sát bình luận rằng, nhân tố chính trị và kinh tế đang thúc đẩy điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, địa vị thống trị của Trung Quốc đang bị xói mòn bởi các tên tuổi mới như Mexico, Việt Nam và Thái Lan.

Các tên tuổi mới xuất hiện, 'vị thế thống trị' chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc có thật đang bị đe dọa? (Nguồn: Bloomberg)

Các tên tuổi mới xuất hiện, 'vị thế thống trị' chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc có thật đang bị đe dọa? (Nguồn: Bloomberg)

Trung Quốc đang mất dần lợi thế

Các doanh nghiệp Mỹ lần lượt tăng tốc nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức của Mỹ, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm mạnh 24% trong 5 tháng đầu năm nay, đồng thời Mexico đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thuơng mại lớn nhất của Mỹ trong 4 tháng đầu năm.

Tờ The Washington Post dẫn số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ cho biết, nhiều tên tuổi lớn của Mỹ như Hewlett-Packard (HP), Stanley Black & Decker và LEGO…thường xuyên điều chỉnh chuỗi cung ứng cho thị trường tiêu dùng Mỹ trong những năm gần đây. Động thái này vừa để tránh rủi ro gây nên từ cạnh tranh giữa các nước lớn, vừa xuất phát từ chiến lược kinh doanh dài hạn hơn, nghĩa là sản xuất hàng tiêu dùng ở những nơi gần người tiêu dùng hơn.

Số liệu của Viện nghiên cứu kinh tế Oxford nhấn mạnh, trong chi tiêu cho hàng hóa nhập khẩu của người Mỹ hiện nay, cứ 6 USD thì có 1 USD mua hàng hóa Trung Quốc, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ này là 4:1.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang giảm thiểu nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp… cơ bản không có thay đổi đáng kể.

Về phương diện đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc xây dựng nhà máy cũng ngày càng ít đi. Số liệu thống kê cho thấy, ở những khu vực chưa phát triển của Trung Quốc, đầu tư hàng năm vào “Greenfield” (Thuật ngữ “Greenfield” liên quan tới việc gây dựng và phát triển một khu vực hoàn toàn mới, đối với đầu tư FDI, đó là việc thâm nhập thị trường quốc tế bằng cách phát triển một cơ sở hoàn toàn mới ở một nước khác) đã giảm mạnh từ 100 tỷ USD vào năm 2010 xuống còn 50 tỷ USD trong năm 2019, đồng thời giảm tiếp xuống 18 tỷ USD vào năm ngoái.

Hiện nay, ngoài các tên tuổi lớn như Ấn Độ, các cái tên mới cũng liên tục được nhắc tới như Mexico, Việt Nam và Thái Lan - đang không ngừng đe dọa vị thế thống trị chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Việt Nam và Thái Lan đã trở thành lựa chọn thay thế chủ yếu cho chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khu vực của các công ty nước ngoài.

Ấn Độ cũng thu hút một số nhà sản xuất lớn, chẳng hạn Apple lên kế hoạch gia tăng sản lượng điện thoại di động ở quốc gia này.

Báo cáo nhấn mạnh, hai yếu tố lớn chính trị và kinh tế đang thúc đẩy điều chỉnh lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Những năm trước, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu đối với gần 2/3 hàng hóa của Trung Quốc. Điều này khiến cho đơn đặt hàng Trung Quốc bị cắt giảm mạnh.

Xét từ góc độ Trung Quốc, tiền lương của lao động nước này liên tục gia tăng khiến cho quốc gia tỷ dân từng bước đánh mất lợi thế lao động giá rẻ.

Ngoài ra, chiến lược kinh tế lấy doanh nghiệp nhà nước làm trung tâm, chấn chỉnh một loạt doanh nghiệp tư nhân có thái độ cứng rắn của Trung Quốc đã khiến cho quan hệ thương mại Mỹ-Trung ngày càng nguội lạnh.

Adam Slater, Nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu kinh tế Oxford, cho rằng, sự đối đầu giữa hai nước Mỹ-Trung gia tăng đã bắt đầu ảnh hưởng đến việc ra quyết định của lĩnh vực tư nhân.

Chính phủ Mỹ luôn có biện giải tích cực đối với thương mại Mỹ-Trung, nhiều lần đảm bảo với Bắc Kinh rằng Mỹ chỉ muốn “xóa bỏ rủi ro” cho quan hệ thương mại, chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng về trong nước hoặc sang các nước đồng minh, chứ không muốn tách rời hai nền kinh tế.

Trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng Bảy vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng, kim ngạch thương mại Mỹ-Trung đạt mức kỷ lục trong năm 2022 cho thấy doanh nghiệp hai nước vẫn có dư địa rất lớn về phương diện thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ vẫn lấy an ninh quốc gia làm lý do để hạn chế xuất khẩu sản phẩm bán dẫn then chốt nhất sang Trung Quốc, hơn nữa còn nhanh chóng tuyên bố hạn chế đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Đó là những lý do khiến Nhà kinh tế Adam Slater nhấn mạnh: “Chúng tôi nhìn thấy hành động tách rời của Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra. Vấn đề thực sự chỉ là sự tách rời sẽ mở rộng đến mức độ nào”.

Những điểm sáng ở châu Á?

Trang ii.co.uk của Anh vừa đăng bài phân tích, so sánh về ưu và nhược điểm của các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Việt Nam với Trung Quốc.

Vậy đối với các nhà đầu tư đang mở rộng danh mục đầu tư vào một quốc gia vốn đang tìm kiếm lợi nhuận từ các xu hướng ở các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, thì trong số 3 thị trường mới nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, đâu là lựa chọn tốt nhất?

Bài phân tích nhấn mạnh một điều rằng, các thị trường mới nổi ở châu Á đem lại cơ hội to lớn khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 7-8% nhưng không còn là những nơi sản xuất giá rẻ nữa, mà đã trở thành những thị trường khổng lồ cho hàng tiêu dùng.

So với các nền kinh tế phát triển, những nước này cũng có tín hiệu tốt hơn về lạm phát vì ngân hàng trung ương của các nước này bắt đầu tăng lãi suất trước các nước phương Tây một năm và tránh kích thích nền kinh tế quá mức.

Mỗi thị trường có xu hướng cấu trúc riêng. Cụ thể, Ấn Độ và Việt Nam có dân số rất trẻ và tầng lớp trung lưu tăng, trong khi Trung Quốc đã trở thành quốc gia có dân số già và sự tăng trưởng của Trung Quốc nhiều khả năng là nhờ những khách hàng giàu có gia tăng chi tiêu đối với hàng hóa và dịch vụ cao cấp.

Ấn Độ rất lợi thế về nhân khẩu học khi chiếm tới 1/4 số dân dưới 25 tuổi trên thế giới. Ngoài ra, nhiều cải cách của Thủ tướng Narendra Modi trong 8 năm qua đang bắt đầu phát huy hiệu quả, trong đó có quyết định hợp nhất các loại thuế thành một loại thuế số hóa duy nhất cho thuế VAT, Thuế hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có nhiều lợi thế trong dài hạn. Tăng trưởng của châu Á chủ yếu được thúc đẩy nhờ sản xuất chip và chất bán dẫn cao cấp, nên Trung Quốc vẫn là điểm sáng tại châu Á.

Chuyên gia Javier Garcia, Giám đốc danh mục đầu tư ở các thị trường mới nổi tại hãng Berenberg, nhận định: “Những bước tiến như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và mới đây nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục có những tác động tích cực. Nếu so sánh trong 3 nước trên, xu hướng này mang lại nhiều lợi ích nhất cho Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực chất bán dẫn”.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là “một nước ngoài cuộc gan dạ”. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có dân số khổng lồ 1,4 tỷ người, lấn át Việt Nam với dân số chỉ 100 triệu người.

Tuy nhiên, Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và là nước hưởng lợi chính từ việc mở rộng chuỗi cung ứng với lợi thế về chi phí lao động.

Thực tế, thay vì chọn Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, đứng thứ hai ở châu Á về sản xuất và lắp ráp sản phẩm, sau khi các biện pháp cứng rắn đóng cửa và phong tỏa biên giới của Trung Quốc trong giai đoạn địa dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của thế giới.

(theo Washington Post, TTXVN)

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-ten-tuoi-moi-xuat-hien-vi-the-thong-tri-chuoi-cung-ung-toan-cau-cua-trung-quoc-co-that-dang-bi-de-doa-237859.html