Các 'tay chơi' tín chỉ carbon đình đám thế giới

Mua bán tín chỉ carbon ngày càng phổ biến, với lý do đơn giản: Giảm lượng phát thải khí nhà kính là đề xướng mang tính toàn cầu và thị trường tín chỉ carbon đem lại nhiều lựa chọn khác nhau.

Tổ chức, công ty gây ô nhiễm có thể mua tín chỉ carbon để hợp thức hóa lượng khí thải. Mỗi tín chỉ tương đương 1 tấn CO2. Trong khi đó, các công ty giảm được lượng phát thải carbon trong khí quyển (như qua dự án trồng rừng) sẽ tạo ra tín chỉ carbon và bán chúng.

Thị trường tín chỉ carbon được chia thành thị trường bắt buộc (được điều chỉnh bằng luật pháp) và thị trường tự nguyện (VCM, vận hành mà không có quy định của các chính phủ). VCM phát triển bùng nổ trong những năm gần đây sau hàng loạt lời kêu gọi tiến tới mục tiêu trung hòa carbon.

Tổ chức, công ty có thể mua tín chỉ carbon trực tiếp từ bên bán song hiện nay, việc này được thực hiện thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon điện tử. Theo Công ty Tư vấn MarketsandMarkets, thị trường nền tảng giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu có thể đạt 317 triệu USD vào năm 2027, so với 106 triệu USD năm 2022. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2023 - 2028, tiếp theo là châu Âu.

AirCarbon Exchange ký thỏa thuận cổ phần với Công ty Đầu tư Mubadala của UAE vào cuối năm 2022 Ảnh: AIRCARBON EXCHANGE

AirCarbon Exchange ký thỏa thuận cổ phần với Công ty Đầu tư Mubadala của UAE vào cuối năm 2022 Ảnh: AIRCARBON EXCHANGE

Những sàn giao dịch tín chỉ carbon tên tuổi nhất là Nasdaq, CME Group và Xpansiv (Mỹ), EEX Group (Đức), AirCarbon Exchange (ACX - Singapore)… Trong đó, ACX được đánh giá là nền tảng hiệu quả nhất nhờ hệ thống đơn giản, tinh gọn. Bắt đầu hoạt động từ năm 2019, ACX ban đầu là nền tảng số giao dịch tín chỉ carbon giữa các hãng hàng không. Hiện sàn này có hơn 130 khách hàng, gồm các tổ chức, doanh nghiệp, nhà giao dịch tài chính, phát triển dự án carbon…

ACX sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) - cho phép dữ liệu được trao đổi trực tiếp giữa các bên, đẩy mạnh công nghệ blockchain tiên tiến nhất để tạo ra các tín chỉ carbon có thể giao dịch như cổ phiếu. Blockchain được áp dụng ngày càng nhiều trên các sàn tín chỉ carbon nhằm ghi lại mọi giao dịch, giảm nguy cơ lừa đảo cũng như bảo đảm độ toàn vẹn của dữ liệu.

Trong khi đó, Carbon Trade Exchange (CTX) được xem là sàn giao dịch giao ngay hiệu quả nhất về mặt chi phí. Là một trong những "tay chơi" tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu sớm nhất, từ năm 2009, CTX đặt trụ sở chính tại London - Anh rồi mở rộng nhanh chóng ở Anh, Úc, châu Âu và châu Á. Tín chỉ carbon giao dịch trên CTX theo 4 loại tiền tệ là bảng Anh, euro, AUD và USD. Từ hoạt động giao dịch đầu tiên vào năm 2017 đến nay, CTX đã mua bán hàng trăm triệu tấn CO2 bù đắp.

Một tên tuổi từ Mỹ là Xpansiv, ra đời vào năm 2019, từ sự kết hợp giữa sàn này với sàn CBL của Úc. Xpansiv được giới đầu tư cực kỳ ưa chuộng, tới nay đã thu hút được tổng cộng 178,5 triệu USD qua 7 vòng gọi vốn.

Là sàn giao dịch toàn cầu, Xpansiv mua bán nhiều loại hàng hóa dựa trên dữ liệu và liên quan môi trường, xã hội, quản trị… Sàn này còn định giá giao dịch tín chỉ carbon, năng lượng, nước… Với thiết kế trực quan, thân thiện người dùng dựa theo cơ sở dữ liệu chuyên sâu, Xpansiv thu hút nhiều khách hàng, bao gồm các hãng hàng không và tổ chức tài chính lớn. Dữ liệu minh bạch của sàn này còn giúp người tham gia nắm được giá trực tiếp.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/cac-tay-choi-tin-chi-carbon-dinh-dam-the-gioi-20231005211426728.htm